(GLO)- Những năm qua, công tác giải quyết vấn đề dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào huyện Kông Chro đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý, ổn định chỗ ở cho các hộ nói trên.
Đời sống gặp nhiều khó khăn
Theo thống kê của UBND huyện, trên địa bàn hiện có 103 hộ với 491 khẩu là dân cư các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Đak Lak, Đak Nông, Bắc Giang, Quảng Ninh di cư đến sinh sống tại 5 xã: Chư Krei, Đak Pơ Pho, Chơ Long, Yang Trung và Yang Nam. Từ năm 2008 đến nay, các hộ dân sống tại 4 xã: Yang Nam, Yang Trung, Đak Pơ Pho, Chơ Long đã thực hiện mua bán, sang nhượng đất để canh tác với tổng diện tích khoảng 187,88 ha; 38 hộ sống tại xã Chư Krei thuộc lâm phần của UBND xã và Công ty Lâm nghiệp Ia Pa quản lý khoảng 73,32 ha. Dù đã bước sang năm thứ 7 nhưng đời sống của các hộ nói trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đa số các hộ dân di cư tự do đều sống trong các căn nhà tạm bợ. Ảnh: Hồng Thương |
Vào định cư ở xã Chư Krei đã hơn 3 năm nhưng đến nay gia đình chị Nông Thị Phan vẫn phải sống tạm trong một căn nhà gỗ ván ọp ẹp được dựng tạm trên phần đất lâm nghiệp. Vừa bế con trên tay, chị vừa thủ thỉ: “Nhà có 1,2 ha mì, làm chỉ đủ để đổi gạo ăn qua ngày nên vợ chồng tôi phải đi cuốc cỏ thuê để kiếm thêm thu nhập.
Cạnh gia đình chị Phan là một ngôi nhà bằng gỗ xiêu vẹo. Chủ nhân Triệu Tài Quý cho hay: Nó đã được dựng lên cách đây 6 năm. Ngoài một ít lương thực ở nơi góc nhà, dường như chẳng còn tài sản gì quý giá. “Nhà tôi cũng làm được 100 trụ tiêu, 2 sào lúa. Cái ăn không lo nhưng lại sợ khi đau ốm không có tiền chạy chữa”-anh Quý chia sẻ. Ngồi bên cạnh, anh Triệu Tài Hùng tâm sự thêm: “Ở khu vực này có 38 hộ sinh sống. Trung bình mỗi hộ cũng có gần 2 ha đất. Tuy vậy, do đường sá cách trở nên nông sản làm ra thường bị ép giá, đời sống người dân vì thế khó khăn hơn. Vào đây đã lâu rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa được nhập khẩu nên con em không được hưởng các chế độ, chính sách như miễn giảm tiền điện, hỗ trợ dành cho hộ nghèo, bảo hiểm y tế…”.
Khó khăn trong quản lý
Ruộng lúa nước của dân di cư tự do, xâm canh. Ảnh: Đức Phương |
Trước thực tế đó, UBND huyện Kông Chro đã tích cực vận động người dân quay về địa phương cũ sinh sống. Tuy vậy, các hộ đều có nguyện vọng được ở lại định cư lâu dài. Thời gian qua, UBND huyện đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn các hộ này mua bán đất bất hợp pháp, khai phá đất lâm nghiệp làm rẫy, siết chặt quản lý để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành rà soát và xây dựng phương án bố trí quỹ đất để quy hoạch sắp xếp, ổn định chỗ ở cho các hộ dân nói trên. Đối với các xã đã hết quỹ đất để bố trí cho người dân sản xuất, UBND các xã đã vận động các hộ dân về sống xen trong các thôn, làng.
Tuy vậy, khi vận động, đa số các hộ dân không chấp nhận đến nơi ở mới và xin được giữ nguyên đất canh tác trên đất lâm nghiệp. Anh Triệu Tài Hùng, nói: “Bà con trồng cây ở đây rồi, nếu chuyển ra làng ở sẽ không quản lý được dẫn đến dễ bị mất trộm. Còn muốn bảo vệ thì phải thường xuyên vào chăm vườn nhưng đường xa, không đủ tiền mà đổ xăng đi ra, đi vào”. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Đặng Dìa-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: “Chúng tôi đã quy hoạch đất, vận động người dân vào sống xen ghép với đồng bào Bahnar để thuận tiện cho việc quản lý cũng như hưởng các quyền lợi y tế, giáo dục cho con em họ nhưng các hộ nói trên vẫn không muốn vào”.
Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với diện tích đất do dân di cư tự do đang canh tác trên đất lâm nghiệp, mua bán, sang nhượng trái phép. Đồng thời, các ngành chức năng cần xem xét, tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích đất dân đang sản xuất ổn định trên đất lâm nghiệp và diện tích đất Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa sử dụng không hiệu quả để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do đến địa bàn. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề cần được giải quyết dứt điểm. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức từ các cấp, các ngành.
Hồng Thương