Điểm đến Gia Lai

Kông Chro nỗ lực giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kông Chro (Gia Lai) là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn đến hơn 30%. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
Gia đình chị Đinh Thị Trép (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) là một điển hình của sự nghèo khó. Ngồi tránh nắng dưới gốc cây to trước ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo với mái tôn đã rỉ sét, thủng lỗ chỗ, tường thưng ván gỗ đã mục nát, chị Trép bộc bạch: “Nhà mình có 5 người nhưng chỉ trông vào 2 sào lúa một vụ nên làm lụng suốt mà cũng không đủ ăn. Gần đây, chồng mình bị đau, cả nhà phải thay nhau chăm sóc nên không đi làm được, không có tiền mua thức ăn, đành ăn cơm với rau rừng”.
 Ngôi nhà xêu vẹo của chị Tráp. Ảnh: N.T
Ngôi nhà xêu vẹo của chị Trép. Ảnh: N.T
Ở làng Sơ Rơn có rất nhiều ngôi nhà tương tự nhà chị Trép. Làng có 156 hộ dân (100% là người Bahnar) thì đến 75 hộ thuộc diện nghèo. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy-cho biết: “Dân làng Sơ Rơn nói riêng, toàn xã nói chung chủ yếu trồng cây ngắn ngày nhưng do chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng không cao, đời sống bấp bênh. Nhiều hộ trước đây có nhiều đất nhưng bán hết rồi. Người dân trong xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước hay các tổ chức từ thiện. Vì vậy, xã có khoảng một nửa trong số 612 hộ dân thuộc diện nghèo”.
Không riêng Chư Krêy mà nhiều xã của huyện Kông Chro cũng có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Như xã Chơ Long hiện có đến 343 hộ nghèo, chiếm hơn 40% tổng số hộ. Xã Đak Song có 434 hộ dân thì có tới 269 hộ nghèo (chiếm gần 62%), trong đó đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Lê Hồng Lợi-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Song thì nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao là do điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, người dân còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo số liệu của UBND huyện Kông Chro, tính đến cuối năm 2018, huyện còn 3.437 hộ nghèo, chiếm 30,9%. Trong số này có 3.331 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 96,91% số hộ nghèo của huyện.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Huyện Kông Chro có 13 xã và 1 thị trấn với dân số khoảng 53.437 người (65,2% là đồng bào dân tộc thiểu số). Những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. 
 Diện mạo làng Brang (xã Đak Pling) khang trang hơn sau khi chuyển về khu tái định cư. Ảnh: H.S
Diện mạo làng Brang (xã Đak Pling) khang trang hơn sau khi chuyển về khu tái định cư. Ảnh: H.S
Một trong những giải pháp được huyện chú trọng là tập trung chỉ đạo và huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn để giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên. Mặt khác, Huyện ủy, UBND huyện đã rà soát, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho chương trình giảm nghèo. Từ nguồn vốn này, các xã đã đầu tư hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Song song với đó, địa phương đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân tham gia các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển kinh tế. Trong 3 năm (2016-2018), toàn huyện có 3.526 hộ nghèo và 668 hộ cận nghèo được vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện… để đầu tư phát triển sản xuất. “Hiện xã đang triển khai mô hình chăn nuôi bò tập trung dưới tán rừng sản xuất thay vì chăn thả rông như trước đây. Xã cũng vận động người dân trồng thêm các loại cây ngắn ngày như mì, chuối, ớt để có thêm thu nhập. Nhiều hộ trong xã hiện tham gia trồng chuối và trồng rừng phủ xanh đồi trọc”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Song cho biết.
Một trong những việc làm có hiệu quả trong công tác giảm nghèo của huyện Kông Chro là di dời, xây dựng khu tái định cư mới cho người dân làng Lơ Bơ (xã Chư Krêy) và làng Brang (xã Đak Pling). Sau khi di dời đến nơi ở mới, cuộc sống của hơn 100 hộ dân người dân tộc Bahnar, Dao của 2 làng đã dần ổn định. Bà con được sống trong những ngôi nhà kiên cố dựng trên khu đất bằng phẳng và được cung cấp điện, nước; con cái được đi học, chăm sóc y tế... Ông Triệu Tài Hùng-chủ cửa hàng tạp hóa tại làng Lơ Bơ-phấn khởi cho hay: “Chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của chúng tôi tốt hơn trước rất nhiều. Đường sá được đổ nhựa, đi lại rất thuận tiện. Làng có nhà văn hóa to đẹp để người dân sinh hoạt. Ra đây ở, khi đau ốm, chúng tôi đến Trạm Y tế xã xin thuốc; con cái được đến trường học chữ”.
44 Người dân được thụ hưởng nước sạch từ chương trình giảm nghèo
Người dân được thụ hưởng nước sạch từ chương trình giảm nghèo. Ảnh: N.T
Nhờ những giải pháp đúng đắn, công tác giảm nghèo của huyện Kông Chro đã đạt được kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2016-2018, huyện giảm được 7% hộ nghèo/năm. Huyện đang phấn đấu thời gian tới sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 3,5%. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: “Phải cần một chặng đường dài trong việc giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo vì một bộ phận người dân ở huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ nhận thức chưa cao, xuất phát điểm về kinh tế thấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hỗ trợ sinh kế; dạy nghề cho lao động nông thôn… Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với việc xây dựng nông thôn mới nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
 HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm