Kông Chro: Phấn đấu giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, ngành Y tế huyện Kông Chro đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cũng như duy trì các tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã.

Còn nhiều khó khăn  
     
Huyện Kông Chro hiện có 1 bệnh viện, 1 ban y tế dự phòng, 1 phòng khám đa khoa khu vực và 13 trạm y tế xã, thị trấn. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế, ngành Y tế huyện gặp khá nhiều khó khăn. Địa hình đồi núi, các thôn làng trải rộng, dân cư thưa thớt khiến cho công tác tuyên truyền, thực hiện các chiến dịch y tế khá vất vả. Hầu hết trạm y tế xã vẫn chưa đảm bảo được cơ sở vật chất theo quy định, diện tích chật hẹp. Một số trạm y tế đã bắt đầu xuống cấp mà chưa được đầu tư, sửa chữa kịp thời. Ngoài ra, các trạm y tế đều chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế đúng quy định, chỉ có hầm xử lý rác thải sinh hoạt; rác thải rắn phải vận chuyển về Trung tâm Y tế huyện để xử lý.

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Kông Chro vẫn nỗ lực nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Ảnh: P.L

Bác sĩ Phan Thị Hoa-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, chia sẻ: “Vấn đề nhân lực cũng là một trong những trở ngại. Hiện tại, huyện có 23 bác sĩ, trong đó chỉ có 2 bác sĩ định biên cho Trạm Y tế xã Yang Nam và Yang Trung, các trạm khác thì bác sĩ ở Trung tâm phải thường xuyên luân chuyển để đảm bảo công tác khám-chữa bệnh tuyến cơ sở”. Ngoài ra, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phấn đấu giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế xã

Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng ngành Y tế huyện Kông Chro vẫn nỗ lực triển khai các chương trình, dự án quốc gia về y tế; tăng cường phòng-chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Hiện có 12/13 trạm y tế xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác tiêm chủng mở rộng được các trạm y tế triển khai thực hiện khá hiệu quả. Số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm, uống đủ 8 loại vắc xin luôn đạt từ 95% trở lên. Chị Đinh Thị Khol-nhân viên y tế làng Kpil (xã Đak Tơ Pang) bày tỏ: “Trước đây, mỗi lần đến lịch tiêm chủng, tôi thường phải đến từng nhà để nhắc nhở mọi người đưa con đi tiêm. Tuy nhiên, nhận thức của bà con còn chưa cao nên ít người nghe theo lắm. Thấy con mình sau mỗi lần tiêm về hay bị nóng sốt nên lần sau họ không cho con đi nữa. Nhờ chú trọng tuyên truyền, giải thích nên dần dần bà con cũng hiểu và tự giác đưa con đi tiêm chủng đúng lịch”.

Trong năm 2017, toàn huyện có 1.196 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm, uống đủ 8 loại vắc xin (đạt 95,8% kế hoạch); có 1.126 phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván (đạt 140,8% kế hoạch). Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cũng tổ chức lớp tập huấn phần mềm quản lý tiêm chủng mở rộng cho các nhân viên y tế thực hiện công tác tiêm chủng tại bệnh viện và 13 trạm y tế xã, thị trấn.

Công tác y tế dự phòng cũng được ngành Y tế huyện triển khai đồng bộ. Trong năm 2017, số ca sốt rét, sốt xuất huyết, cúm, tiêu chảy, quai bị đều được kéo giảm. Bác sĩ Phan Thị Hoa cho hay: “Để không xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là sốt rét và sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các xã trọng điểm và các ổ dịch cũ, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền phòng-chống”. Cũng theo bác sĩ Hoa, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch bệnh và phấn đấu giữ vững tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, ngành Y tế huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch và giải pháp, đặc biệt là việc phòng-chống dịch bệnh trong thời gian cao điểm mùa mưa và thời điểm giao mùa, phát hiện và dập tắt dịch kịp thời đi đôi với chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. 

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm