(GLO)- Trước diễn biến khó lường của các loại dịch bệnh ở người và vật nuôi, đặc biệt là dịch Covid-19, huyện Kông Chro triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sức khỏe người dân cũng như giữ cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Quan tâm bảo vệ sức khỏe người dân
Đến nay, Kông Chro đã thành lập khu cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Huyện đã tổ chức cách ly 5 trường hợp trở về từ vùng có dịch và 135 trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp trở về từ vùng có dịch. Hiện các trường hợp này đã qua 14 ngày cách ly.
Trung tâm Y tế huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 và tham mưu giúp UBND huyện xây dựng các phương án phòng-chống dịch. Trung tâm cũng đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh, 2 đội điều trị; xây dựng 2 khu cách ly với 25 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện và chuẩn bị cơ số thuốc dự phòng. Bác sĩ Phạm Văn Huấn-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ (Trung tâm Y tế huyện) thông tin: “Chúng tôi đã tổ chức tập huấn công tác phòng-chống dịch Covid-19. Riêng tại Bệnh viện huyện có khu vực đo thân nhiệt từ đầu cổng để phân loại người đến khám bệnh. Trường hợp nào có thân nhiệt cao hoặc ho, khó thở sẽ được chuyển đến 1 khu vực thăm khám riêng để kiểm tra kỹ. Hiện Trung tâm và trạm y tế các xã đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội, tự phòng bệnh”.
Nhân viên Y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Kông Chro đo thân nhiệt người đến khám bệnh. Ảnh: H.S |
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, người dân huyện Kông Chro đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện đã tạm thời đóng cửa hoặc chỉ bán thức ăn mang về. Trên các tuyến đường, lượng người tham gia giao thông khá thưa vắng. Tại các công sở và khu dân cư, người dân đều đeo khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh. Các loa phát thanh liên tục phát các thông điệp tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Y sĩ Lê Nguyễn Phương Kha-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Trung-chia sẻ: “Nhận thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh, người dân đã chủ động tự phòng ngừa cho gia đình, thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch Covid-19. Khi đi xa trở về địa phương, người dân tự đến trạm y tế khai báo lịch trình và tự thực hiện các biện pháp cách ly”.
Bên cạnh đó, UBND huyện Kông Chro cũng chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động phòng-chống các loại bệnh truyền nhiễm khác ở người như: sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… Để việc phòng-chống các loại bệnh truyền nhiễm ở người có hiệu quả, một trong những yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên y tế thôn làng, các trạm y tế để về tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho người dân. Trung tâm cũng đã cấp phát hàng ngàn tờ rơi, treo băng rôn tại nơi đông người về các loại bệnh truyền nhiễm, cách phòng ngừa. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao phát trên loa truyền thanh và xe lưu động các thông tin về hoạt động phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người, hướng dẫn cách tự phòng bệnh.
Bác sĩ Phan Văn Chơi-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro-cho hay: “Ngoài công tác phòng-chống dịch Covid-19, chúng tôi đã xây dựng phương án phòng-chống các loại bệnh truyền nhiễm ở người. Trung tâm cũng đã tham mưu giúp UBND huyện kiện toàn các ban chỉ đạo để chủ động triển khai các hoạt động phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người. Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo trạm y tế các xã đẩy mạnh triển khai hoạt động phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người trong giai đoạn sắp chuyển mùa, nhất là bệnh sốt rét và sốt xuất huyết”.
Ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Kông Chro là địa phương đứng thứ nhì tỉnh về số lượng đàn gia súc, gia cầm. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, toàn huyện hiện có 41.386 con bò, 9.662 con heo, 1.433 con trâu, 8.774 con dê và 50.996 con gia cầm. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, huyện đã triển khai các hoạt động phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Bá Tỵ-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chỉ có một số bệnh thông thường phát sinh do thay đổi thời tiết như: tiêu chảy, tụ huyết trùng, chướng hơi dạ dày… Riêng bệnh lở mồm long móng khi có dấu hiệu khởi phát ở một số con trâu, bò, chúng tôi đã kịp thời hướng dẫn người dân mua thuốc điều trị. Đơn vị đã cấp 300 lít hóa chất Benkocid cho 14 xã, thị trấn để triển khai phun khử trùng đợt 1; tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò với 34.200 liều”.
Ông Võ Ngọc Mận phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nuôi nhốt. Ảnh: H.S |
Gần 20 năm nay, gia đình ông Võ Ngọc Mận (tổ dân phố Plei Ktơh, thị trấn Kông Chro) duy trì đàn bò 20 con tại trang trại cách xa khu dân cư. Trang trại này rộng hơn 1.000 m2, có chuồng nhốt và bãi thả. Ông Mận cho hay: “Hàng ngày, tôi quét dọn, rửa chuồng rồi phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, ủ lấp chất thải nhằm hạn chế vật trung gian truyền bệnh. Định kỳ hàng tháng, tôi rải vôi, phun tiêu độc khử trùng trong và ngoài chuồng một lần. Tôi cũng tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn bò 1 lần/năm”.
Để tăng cường sức đề kháng cho đàn bò, ông Mận còn tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như bí, rau, khoai nấu lên cho bò ăn; hòa nước với cám gạo, bột bắp và cho thêm muối hạt cho bò uống. Trong giai đoạn nắng nóng, ông cột bò ở nơi bóng mát, phun nước cho tắm nhằm loại bỏ ve, rận. Nhờ đó, nhiều năm nay, đàn bò của gia đình ông Mận phát triển tốt.
Anh Nguyễn Đức Đại (tổ 1, thị trấn Kông Chro) cũng đang triển khai tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi gia cầm. Anh Đại chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà theo hình thức thả vườn. Đàn gà 1.000 con được hơn 1 tháng tuổi, chuẩn bị đưa ra vườn, vì thế tôi quét dọn cho sạch, rắc vôi bột xung quanh khu chăn thả. Trước đó, tôi đã tiêm vắc xin phòng bệnh đậu, cúm gia cầm, cầu trùng cho gà. Đồng thời, tôi cho gà ăn đầy đủ thức ăn tổng hợp, rau xanh và bổ sung vitamin C để chúng khỏe mạnh”.
Khu vực cách ly. Ảnh: H.S |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro: “Từ nay đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục tổ chức tập huấn cho nhân viên thú y, chủ gia trại về biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền đến từng trang trại, hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện bệnh sớm để nuôi cách ly, kịp thời điều trị; chủ động trong việc phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển động vật; thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, kiểm phẩm sản phẩm động vật trên địa bàn huyện”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: “Từ đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận những cảnh báo về dịch Covid-19 ở người, dịch H5N1 và H5N6 trên đàn gia cầm, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu. Ban chỉ đạo phòng-chống các loại bệnh truyền nhiễm ở người và gia súc, gia cầm của huyện đã được thành lập, kiện toàn. Khi nhận tin báo một đàn bò bị lở mồm long móng, chúng tôi chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhanh chóng kiểm tra, hỗ trợ người dân chữa bệnh, không để lây lan sang nơi khác. Hiện tại, bệnh lở mồm long móng ở đàn bò này đã được khống chế. Chúng tôi cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động phòng-chống dịch Covid-19. Hiện nay, ngoài phòng-chống dịch Covid-19, chúng tôi cũng triển khai phòng-chống các loại bệnh truyền nhiễm khác ở người và gia súc, gia cầm, trong đó tập trung vào hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự phòng của người dân”.
HOÀNH SƠN-AN PHÁT