(GLO)- Huyện Krông Pa nằm giáp ranh với tỉnh Phú Yên và Đak Lak nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương này đặc biệt quan tâm đến công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai) hiện có 4.850 con bò, 1.220 con heo. Thời gian qua, xã đã chủ động phối hợp với các hộ chăn nuôi để tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc. Anh Ksor Xiếu (buôn Hmuk, xã Chư Ngọc) cho biết: “Nhà mình nuôi 30 con bò và 6 con heo. Đàn bò hàng ngày được lùa lên núi ăn cỏ, có khi ở lại trên rẫy. Hôm rồi, mình đã lùa bò về chuồng để cán bộ thú y đến tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM). Từ đầu năm đến nay, khu chuồng trại nhà mình cũng được phun hóa chất tiêu độc khử trùng 2 lần”.
Nhiều hộ chăn nuôi còn giữ tập quán chăn thả trên rẫy nhiều ngày khiến việc tiêm vắc xin gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hải Lê |
Tại xã Chư Rcăm, theo thống kê, toàn xã hiện có trên 3.200 con bò, hơn 2.000 con heo, khoảng 600 con dê và hơn 14.000 con gia cầm được nuôi rải khắp 9 thôn, buôn. Năm 2017, một số đàn bò trên địa bàn xã bị bệnh LMLM, tuy nhiên, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên không phát triển thành ổ dịch. Từ đầu năm đến nay, xã đã được cấp 36 lít hóa chất Benkocid để phun tiêu độc khử trùng tất cả chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm, chợ và một số điểm mua bán, giết mổ gia súc trên địa bàn. “Nhiều hộ còn giữ tập quán đưa bò lên núi chăn thả nhiều ngày gây khó khăn cho công tác tiêm phòng vắc xin, phát hiện, phòng ngừa cũng như xử lý dịch bệnh. Mỗi khi có đợt tiêm phòng hay phun hóa chất tiêu độc khử trùng, chúng tôi phải thông báo trước 1-2 tuần nhưng vẫn có hộ chăn nuôi không đưa đàn gia súc về”-ông Nguyễn Xuân Hòa-cán bộ thú y xã Chư Rcăm-cho hay.
Theo thống kê, toàn huyện Krông Pa hiện có trên 96.800 con gia súc (gần 62.000 con bò, hơn 20.100 con heo, hơn 14.600 con dê)) và khoảng 163.200 con gia cầm các loại phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất tại Ia Mlah, Chư Drăng, Chư Rcăm, Đất Bằng, Krông Năng… Toàn bộ đàn gia súc, gia cầm đều được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Theo ông Võ Công Luận-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Pa, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp từ truyền thông nâng cao nhận thức cho hộ chăn nuôi đến tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. “Trạm đã xây dựng phương án chống dịch và các phương án xử lý trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, Trạm cử viên chức phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã, cán bộ thú y xã tuyên truyền đến người dân về các triệu chứng nhận biết gia súc, gia cầm bị bệnh và cách xử lý”-ông Luận cho biết.
Trên địa bàn huyện Krông Pa hiện có một điểm giết mổ gia súc tập trung và một số điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các chợ, khu dân cư. Mỗi tuần, các điểm giết mổ đều được phun tiêu độc khử trùng bằng hóa chất Benkocid. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn huyện Krông Pa đã thực hiện tiêu độc khử trùng được gần 1,5 triệu m2 ở các điểm mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ và tại các điểm chợ, khu chăn nuôi. Tổng cộng, các đơn vị chuyên môn đã sử dụng trên 700 lít hóa chất Benkocid để phun tiêu độc khử trùng.
Ngoài sản phẩm thịt heo, bò giết mổ ngay tại địa phương, tại huyện Krông Pa mỗi ngày còn tiêu thụ một lượng nhất định heo thịt nhập về từ huyện Ea Ka (tỉnh Đak Lak). Bởi vậy, công tác kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo được kiểm soát chặt chẽ, tránh để lây lan nguồn dịch bệnh từ các khu vực khác về. Ông Nguyễn Thái Duy-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Động vật Chư Ngọc (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết: “Lực lượng cán bộ trạm thường trực 24/24 giờ mỗi ngày. Tất cả các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi vào địa bàn đều phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy tờ kiểm dịch, phun tiêu độc mới được cho qua. Động vật và sản phẩm động vật vận chuyển qua đây chủ yếu là vịt, bò, dê… được đưa từ Phú Yên, Khánh Hòa lên”. Theo ông Duy, từ đầu năm đến nay, trạm đã trả về một trường hợp vận chuyển bò từ Phú Yên lên Krông Pa nhưng không có giấy kiểm dịch, giấy chứng minh nguồn gốc.
“Cơ quan chuyên môn huyện đang tiến hành tiêm phòng vắc xin LMLM trâu bò đợt I với 55.200 liều vắc xin tuýp A và O tại tất cả các xã, thị trấn. Kinh phí cấp về chưa đủ, huyện vẫn còn thiếu khoảng 3.500 liều vắc xin tuýp O mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng LMLM cho trâu bò. Do vậy, huyện rất cần tỉnh quan tâm, hỗ trợ trong vấn đề này”-ông Võ Công Luận đề nghị.
Hải Lê