Krông Pa: Kịp thời hỗ trợ lao động khó khăn do dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, huyện Krông Pa đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh.  
Từ đầu năm đến nay, thị trấn Phú Túc đã xảy ra 3 đợt dịch Covid-19 buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, cuộc sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Qua rà soát, trên địa bàn thị trấn có 592 đối tượng buôn bán nhỏ, lái xe, phụ xe, người lao động tự do hoặc làm thuê, thợ cắt tóc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Anh Quách Hoàng Công Quý (tổ 8) cho hay: “Một thời gian dài tiệm đóng cửa nên gia đình không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Giờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước được 1,5 triệu đồng, tuy số tiền không nhiều nhưng cũng là sự động viên giúp gia đình trong lúc khó khăn. Tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời”.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh Quách Hoàng Công Quý (bìa trái; tổ 8, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) phải đóng cửa tiệm cắt tóc. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Thanh Vân-Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Túc-cho biết: Khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND thị trấn đã thành lập các tổ rà soát, xác minh, lập danh sách đối tượng bị ảnh hưởng. Đến nay, tổng số tiền đã hỗ trợ là hơn 820 triệu đồng. Thị trấn đang tiếp tục rà soát thêm các đối tượng bị ảnh hưởng là xe ôm, bán hàng rong để đề xuất hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn cũng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 320 hộ dân trong khu phong tỏa và hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng.
Với phương châm rà soát, thẩm định đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó, UBND huyện Krông Pa đã ban hành 14 quyết định phê duyệt danh sách, kịp thời hỗ trợ cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chị Phạm Thị Thu (buôn Chư Bang, xã Chư Gu) cho hay: Gia đình chị kinh doanh quán cà phê, nước giải khát. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán của chị tạm đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền địa phương để phòng-chống dịch. “Vừa qua, UBND xã hướng dẫn tôi làm hồ sơ và được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Đây là động lực giúp gia đình vượt qua những lúc khó khăn. Tôi cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm!”-chị Thu chia sẻ.
Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Nam
Theo báo cáo của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa, từ ngày 1-5 đến nay, toàn huyện có 69 hộ kinh doanh được hỗ trợ (3 triệu đồng/hộ) với tổng kinh phí 207 triệu đồng; hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp cho 41 doanh nghiệp/323 người lao động với tổng kinh phí hơn 18,8 triệu đồng; hỗ trợ 1 hợp tác xã vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất 36 triệu đồng. Hỗ trợ theo Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho 985 lao động không có giao kết hợp đồng với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người).
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Đức-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đến với người dân trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn người dân kê khai, hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chuyên môn tiếp nhận, thẩm định đảm bảo việc thực hiện chính sách đến đúng đối tượng, đúng chế độ, kịp thời. Đến nay, các địa phương đã thực hiện được 14 đợt chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm động viên, chia sẻ khó khăn, giúp người dân yên tâm chấp hành các quy định phòng-chống dịch.
“Thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác rà soát đối tượng, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện chính sách mà chưa làm hồ sơ, chưa được xem xét, giải quyết hưởng chính sách. Theo chúng tôi, UBND tỉnh cần xem xét mở rộng, bổ sung thêm nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ như: dịch vụ kinh doanh karaoke, massage, xông hơi, spa, trò chơi điện tử, bida và các câu lạc bộ thể thao, phòng tập gym cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”-ông Đức nói.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm