Krông Pa: Người dân quay quắt vì nắng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ hứng chịu cái nắng như thiêu đốt mà hàng ngàn hộ dân ở vùng "chảo lửa"  Krông Pa (Gia Lai) đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch. Cùng với đó, vụ mùa bị mất trắng nên nguy cơ đói là rất cao.

Theo báo cáo mới nhất từ huyện Krông Pa, tình hình hạn hán trên địa bàn đang gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây. 4 đập dâng, 2 trạm bơm và 3 hồ chứa nước hầu như bị khô cạn, không đảm bảo cung cấp cho sản xuất và chăn nuôi. Tổng diện tích thiệt hại do hạn hán tính đến ngày 15-3 là trên 390 ha, trong đó lúa 123 ha, bắp 12 ha, thuốc lá 140 ha, đậu các loại 0,5 ha. Ước thiệt hại gần 7 tỷ đồng.
 

Người dân xã Phú Cần chắt chiu từng can nước. Ảnh: N.G

Nông dân quay quắt với khô hạn

Tại cánh đồng buôn Ju A (xã Ia Mláh), những hom mì được người dân chuẩn bị sẵn để trồng ngay khi có mưa. Tuy nhiên qua bao tháng chờ mãi, mưa chẳng thấy, nắng hạn ngày một gay gắt hơn, những hom mì theo đó cũng khô héo, hư hại và sẽ không đủ để nông dân trồng trong vụ mùa sắp đến.

Anh Ksor Choan cho biết: Mùa màng mất trắng hết, công sức cũng mất theo. Trời nắng nóng kéo dài nên cây mì cũng không lên nổi, củ trồng một năm chỉ to bằng ngón chân cái, sản lượng thì không bằng một nửa so với trước.

Để cứu rẫy mì cũng như bớt đi phần công nhổ, anh Choan cùng những hộ dân tại đây đang dùng máy nổ và hệ thống ống dẫn để tưới và tận dụng cho việc nhổ cây mì trong những ngày nắng hạn gay gắt đang đổ xuống vùng đất khô cằn này.

 

Ao hồ trơ đáy vì hạn hán. Ảnh: N.G

Cận kề với xã Ia Mláh, xã Đất Bằng được đánh giá là vùng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do nắng hạn gây ra. 7 buôn thuộc xã Đất Bằng đều thiếu nước không đủ cung cấp cho đàn gia súc, hệ thống các con suối nhỏ tại đây đều khô cạn, trơ đáy khiến cho gần 5.000 con bò trong tổng đàn gia súc bị thiếu nước, có nguy cơ bị chết do không đủ nước uống. Không riêng về nguồn nước phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất mà những công trình nước sạch nơi đây gần như cũng cạn khô, giếng nước sinh hoạt không đủ phục vụ nhu cầu cho người dân. Toàn xã hiện có 373 giếng đào phục vụ cho 955 hộ với trên 4.200 khẩu  thì hầu như lượng nước tại các giếng đã hạ thấp và sẽ không còn giọt nước trong vài ngày đến.

Bà Nguyễn Thị Thơm (trú tại buôn Ma Giai, xã Đất Bằng) nói: Những ngày qua, huyện cho xe vận chuyển nước sinh hoạt để người dân dùng cho việc ăn, uống hàng ngày. Nhưng còn nước sinh hoạt, đặc biệt là nước cho gia súc vẫn chưa thể đảm bảo.
Cùng hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng đất khó, hàng ngàn hộ dân sinh sống tại khu vực các xã Đông Nam của huyện: Chư Drăng, Uar, Ia Rmok, Krông Năng đang ra sức tìm cách chống hạn, cứu đàn gia súc và tìm nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống hàng ngày cho gia đình.

Tranh thủ tìm nguồn nước đưa về phục vụ sinh hoạt cho gia đình bớt đi cơn khát do nắng nóng, anh Nay Thin (trú tại buôn Mlái, xã Ia Rmok) nói: Nắng hạn kéo dài, những giếng trong làng mất dần nước rồi, chỉ còn mấy nơi có nước thôi, nhưng không biết sẽ hết lúc nào. Lũ trẻ đi học về cũng phải giúp mẹ đi lấy nước để dùng. Năm trước cũng nắng nóng nhưng nước không cạn như bây giờ, nay phải đi xa để lấy nước, còn chuyện tắm giặt mỗi ngày phải ra sông Ba.

Ngoài chuyện  thiếu nước sinh hoạt thì còn nhiều hộ dân khó khăn khi vụ mùa nhiều năm liền mất trắng, đứng trước nguy cơ thiếu đói. Llũ trẻ thì đẵm mình trong ao tù đầy bùn đất để giảm bớt sức nóng oi bức nơi đây. Tại những cánh đồng đang khô cháy, các hộ dân đang cố gắng tìm cách bơm tưới cứu diện tích lúa ít ỏi mà mình đã gieo trước đó, mong chờ cơn mưa bất chợt nào đó đổ xuống vùng đất khô khát Krông Pa.

 

Phần lớn giếng nước tại xã Ia Rmok, Krông Năng đều khô cạn người dân phải đi lấy nước ở xa về sử dụng. Ảnh: N.G

Tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài tại huyện Krông Pa trong thời gian qua khiến cho sông suối khô cạn, giếng đào dân sinh cạn trơ đáy, điều này làm cho trên 14 ngàn người thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các hộ dân sinh sống tại các xã Chư Drăng, Đất Bằng, Krông Năng bị thiếu nước nghiêm trọng. Về nước sinh hoạt, trong số 60 công tình cấp nước tập trung toàn huyện thì chỉ có 34 công trình còn hoạt động cầm chừng, còn lại ngưng hoạt động và hư hỏng.

Nỗ lực giúp dân chống hạn, cứu đói

Trước những khó khăn người dân đang gánh chịu bởi hạn hán gây ra, liên tiếp trong thời gian qua, UBND huyện Krông Pa cùng các ban, ngành đang ra sức tìm giải pháp tối ưu để giúp dân phần nào vượt qua khó khăn trước mắt.

Huyện đã chỉ đạo tổ chức khai thác, phát huy năng lực 9 công trình thủy lợi hiện có và trên 1.100 máy bơn nước động cơ diezel để chủ động đối phó với các tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Các ban chỉ đạo sản xuất tích cực về các thôn, buôn kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp tiết kiệm nước; Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp các bộ phận liên quan đánh giá tình hình và đưa ra hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp để sản xuất. Kịp thời hỗ trợ giúp nhân dân ổn định cuộc sống không để xảy ra tình trạng thiếu đói; hỗ trợ dân kinh phí, cây, con giống cho nông dân chủ động sản xuất.

 

Nông dân xã Ia Rmok dùng giếng tưới nước cho diện tích lúa ít ỏi còn lại. Ảnh: N.G

Riêng về nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, để nắm sát tình hình khô hạn và đưa ra giải pháp chống hạn cho dân cũng như giúp dân cứu đàn gia súc tránh khỏi nguy cơ bị chết hàng loạt. UBND huyện Krông Pa đã điều các phương tiện nạo vét các hố lắng tại các suối nhằm đáp ứng phần nhỏ về nước cho bò và gia súc uống chống hạn. Tại xã Đất Bằng đã lắp đặt 3 bồn chứa nước dung tích 6.000 lít tại buôn Ma Giai và cho xe bồn chở nước sinh hoạt phục vụ 141 hộ tại đây với 120.000 lít mỗi ngày.

Với sự cấp thiết trên, ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa đã ra văn bản chỉ đạo các xã Đất Bằng, Krông Năng nạo vét, tu sửa các giếng đào để chủ động nguồn nước sinh hoạt, đào 20 ao lấy nước ở các suối cạn. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên toàn huyện tập trung chăm lo đời sống nhân dân với phương châm không để người dân nào bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán gây ra. Nếu có hộ thiếu đói chủ động sử dụng ngân sách để hỗ trợ và báo cáo về huyện kịp thời.

Bên cạnh các giải pháp và phương án hỗ trợ cho nhân dân kịp thời chống chọi tình hình hạn hán hiện tại, thì phía huyện Krông Pa kiến nghị hỗ trợ địa phương về kinh phí để mua giống, nạo vét kênh mương; đầu tư đào kênh bổ sung lưu vực các hồ chứa; đầu tư mở rộng hệ thống nước sinh hoạt tại xã Đất Bằng và hỗ trợ cứu đói về gạo cho trên 1.340 hộ với 4.967 khẩu. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 18 tỷ đồng.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm