(GLO)- Để phòng bệnh khảm lá vi rút trên cây mì, ngành nông nghiệp và nông dân huyện Krông Pa (Gia Lai) đã chủ động đưa giống mới sạch bệnh vào sản xuất, chú trọng khâu xử lý đất và nguồn thuốc bảo vệ thực vật.
Mì là cây trồng chủ lực được nông dân huyện Krông Pa lựa chọn để phát triển kinh tế. Những năm qua, diện tích mì của huyện liên tục tăng và hiện đạt hơn 22.000 ha. Tuy nhiên, do phần lớn người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất cây mì đạt thấp. Đặc biệt, vài năm gần đây, bệnh khảm lá vi rút xuất hiện làm giảm năng suất cây mì, thậm chí có diện tích mất trắng, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng. Riêng năm 2019, toàn huyện có hơn 1.500 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Nguyên nhân là do người dân chưa chủ động trong việc phun thuốc phòng trừ bệnh, xử lý đất chưa đảm bảo, nhất là sử dụng giống mì HL-S11 bị nhiễm bệnh và nguồn giống bán trôi nổi trên thị trường.
Nông dân Krông Pa chăm sóc cây mì. Ảnh: Đ.T |
|
Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa đã hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mì gây hại tại vùng trồng mì trọng điểm”. Mô hình có diện tích 20 ha với 10 hộ dân xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 298 triệu đồng (người dân đối ứng 97 triệu đồng), thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2020. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống mì sạch bệnh KM140, phân bón, thuốc xử lý hom giống, thuốc bảo vệ thực vật trừ bọ phấn trắng. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Đến nay, Trung tâm đã cấp xong giống mì KM140, thuốc diệt mầm bệnh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho người dân. Giống mì KM140, thuốc xử lý hom giống, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh phấn trắng được Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (tỉnh Đồng Nai) cung cấp. Đây là giống mì có khả năng kháng bệnh tốt, thân cây ngắn, ít ngã đổ, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 8-10 tháng, năng suất đạt khoảng 30 tấn củ tươi/ha. Hiện người dân đã xuống giống xong và đang tiến hành chăm sóc, phun thuốc diệt mầm bệnh, diệt bọ phấn trắng.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng (tổ 6, thị trấn Phú Túc) cho biết: “Từ giữa tháng 5, trên địa bàn huyện có mưa đều, đất đủ ẩm nên tôi đã cày đất. Ngày 3-6, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp giống, thuốc xử lý hom giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Nhờ xử lý kỹ đất, giống đảm bảo nên cây mì phát triển tốt. Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm hệ thống béc phun mưa để tưới nước cho cây mì”.
Tương tự, ông Ksor Suôn (buôn Bluk, xã Phú Cần) cho hay: Năm nay, gia đình tôi trồng 2 ha mì giống KM140 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp. Cây mì trồng khá dễ, tỷ lệ sống đạt trên 90% và phát triển rất tốt. Chúng tôi rất phấn khởi vì giống mì này chỉ trồng 8-10 tháng là cho thu hoạch, trong khi giống cũ phải mất hơn 1 năm.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết thêm: Để giúp người dân sản xuất bền vững, ngay từ đầu vụ, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng giống sạch bệnh, không mua giống trôi nổi trên thị trường, tuyệt đối không sử dụng giống mì HL-S11. Trung tâm cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đại lý cung cấp giống mì trên địa bàn huyện.
LÊ NAM