Kỳ 1: Bao giờ cho hết nợ đọng bảo hiểm xã hội?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 8-2014, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh là 75,4 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH gần 52,9 tỷ đồng, nợ BHYT gần 19,4 tỷ đồng và gần 3,1 tỷ đồng nợ bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp trong thu nợ cũng như có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhưng vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục là… căn bệnh trầm kha.

Nhiều doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Theo BHXH tỉnh, ngoài một số đơn vị nợ đọng 1 đến 2 tháng do chậm trễ trong việc thanh-quyết toán thì đa phần còn lại là các đơn vị cố tình chây ì trong việc đóng BHXH. Trong danh sách các cơ quan, đơn vị nợ đọng BHXH do BHXH Gia Lai cung cấp (tính đến 30-6-2014) có đơn vị số tiền nợ đọng tuy không nhiều nhưng nợ dai dẳng từ năm 2009 đến nay. Nhiều đơn vị có số tháng nợ đọng kéo dài với số tiền nợ đọng hàng tỷ đồng…

 

Một trong những đơn vị nợ đọng BHXH. Ảnh: Nguyễn Giác

Trong danh sách này, một số doanh nghiệp nợ đọng nhiều tháng liền với số tiền nợ lớn, thời gian nợ đọng kéo dài như: Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Ia Ly (nợ từ tháng 10-2012 với số tiền nợ đọng trên 3,4 tỷ đồng); Công ty cổ phần Sông Đà 101 (nợ từ tháng 5-2013 với số tiền nợ trên 3,5 tỷ đồng); Công ty cổ phần Sông Đà 901 (nợ từ tháng 7-2013, số tiền nợ đọng trên 1,2 tỷ đồng); Công ty cổ phần Sông Đà 3 (nợ từ tháng 12-2013, số tiền nợ trên 1,9 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai (nợ từ tháng 3-2012, số tiền nợ đọng trên 2 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nợ đọng dai dẳng khác như: Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và Xây lắp Điện Gia Lai; Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh Lâm sản Gia Lai; Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai; Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 506; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 406; Công ty cổ phần Đông Hưng; Công ty TNHH KTC; Chi nhánh Công ty TNHH Vinh Quang I; Công ty TNHH một thành viên Địa chính Bình Nguyên…     

Vì đâu nợ đọng?

 

Ảnh: Đức Thụy

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đơn vị doanh nghiệp nợ đọng BHXH trong đó có thể kể đến nguyên nhân làm ăn thua lỗ, phá sản nhưng đa phần nguyên nhân chính vẫn là đơn vị, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Có đơn vị người lao động đã bị trừ các khoản đóng BHXH vào lương nhưng doanh nghiệp lại “quên” đóng BHXH cho người lao động. Người lao động chỉ phát hiện khi đến giải quyết các chế độ BHXH mới hay đơn vị, doanh nghiệp mình không đóng BHXH cho người lao động trong nhiều tháng liền. Và tất nhiên, việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động cũng vì thế bị ảnh hưởng, không giải quyết được. Ngoài ra công tác thu hồi nợ hiện nay còn mang tính thời điểm; chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh nên chưa phát huy hiệu quả; lãi suất chậm đóng thấp; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết...

Theo BHXH Gia Lai, trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đang rất khó khăn; nguồn lực của doanh nghiệp và thu nhập dân cư chưa tăng đáng kể. Đặc biệt các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su, cà phê giá cả giảm sút, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm. Một số công ty cao su trong thời kỳ cải tạo, trồng mới vườn cây, thu nhập công nhân chưa ổn định… Các đơn vị xây dựng thủy điện Sông Đà hạn chế sự hỗ trợ nguồn lực tài chính của chủ đầu tư; các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh nhưng không thực hiện hoặc trong quá trình hoạt động không có địa chỉ… Những nguyên nhân trên cũng góp phần dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH dây dưa, kéo dài.

Ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai cho biết: Tình trạng nợ đọng BHXH đã và đang diễn ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. BHXH tỉnh đã nhiều lần đôn đốc nhắc nhở cũng như có nhiều văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các đơn vị trong việc thực hiện việc đóng BHXH đầy đủ cho người lao động nên tình trạng nợ đọng BHXH đã được khắc phục một phần. Sau khi thực hiện các biện pháp như tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì thì biện pháp bất khả kháng cuối cùng là khởi kiện doanh nghiệp, đơn vị ra tòa.

Doanh nghiệp nợ đọng, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng là chuyện đã và đang xảy ra. Đã đến lúc người lao động phải biết đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm