(GLO)- Nhớ những năm 1980 của thế kỷ trước, các tỉnh có chung biên giới với nhau là Gia Lai-Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào), Rattanakiri (Campuchia), lãnh đạo của các tỉnh này hàng năm luân phiên đăng cai tổ chức các cuộc làm việc liên tịch, trong đó điều chú ý nhất là việc hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên vùng biên giới của nhau. Cho dù là mỗi tỉnh có sự khác biệt về một số lĩnh vực, song khi cùng ngồi lại thì mục tiêu là thống nhất hướng đến sự bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng vùng biên giới bình yên, hữu nghị, phát triển. Một trong những lần làm việc như vậy tại Attapeu (Lào), tôi được phiên chế vào đoàn công tác của tỉnh Gia Lai-Kon Tum.
Một góc thị xã Attapeu hôm nay. Ảnh: Bích Hà |
Bước chân đến xứ sở Triệu Voi lần đầu ấy, với tôi bao điều bỡ ngỡ... những cuộc làm việc được chia theo nội dung cụ thể và từ đó thành phần làm việc của mỗi bên (tỉnh) phù hợp với nội dung, rất hợp lý và khoa học.
Lãnh đạo Attapeu làm tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong các cuộc họp, làm việc họ hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ của dân tộc họ, có phiên dịch bài bản, nhưng khi vào bàn tiệc, tiếng Việt lại là ngôn ngữ chính. Té ra đa số các bạn ấy học từ các trường ở Việt Nam và rất chịu học tiếng Việt. Trong khi chúng tôi, chẳng ai trong đoàn có hơn 20 thành viên biết được vài từ y tờ ngôn ngữ của bạn, trừ người phiên dịch của phía ta.
Chợ do bà Đào Hương đầu tư xây dựng ở Pakse. Ảnh: Bích Hà |
Rồi nữa, nhiều cán bộ chúng ta đôi khi quên nghĩ tới việc tự tôn, tự hào dân tộc, khẩu hiệu hô thì nhiều nhưng trong thực tế lại không làm theo khẩu hiệu. Bạn chẳng hô hào, khuếch đại chuyện gì, nhưng khi làm thì khỏi chê. Một ví dụ, trong những bữa tiệc khá thịnh soạn, họ dành một cái bàn lớn kê bên tường, ở đấy nhiều loại rượu, bia ngoại có danh, nhưng trên bàn ăn thì chỉ duy nhất những thức uống của Lào làm ra. Cho tới bây giờ cũng vậy, trong những chuyến đi mới đây, cái “nếp nhà” ấy vẫn thế, trong khi lãnh đạo ngày nay của họ không ít người ở thế hệ 7x, 8x.
Trong một cuộc trà dư, tửu hậu tôi gợi ý về chuyện có một chỉ thị, nghị quyết nào về... người Lào ưu tiên dùng hàng Lào không, nhận ngay được câu trả lời cũng chân tình không kém câu hỏi, một bạn bảo rằng: Không, trừ nhiều thứ mà cho tới ngày nay nước Lào chưa làm được thì phải nhập khẩu thôi. Còn tôi, ngẫm lại cái thói quen sùng ngoại mà thấy xấu hổ so với người anh em láng giềng, thân thích này.
Một số mặt hàng của Việt Nam được bày bán ở nhiều chợ, siêu thị của Lào. Ảnh: Bích Hà |
Cùng bước chân ra khỏi chiến tranh, chung những khó khăn do hậu quả của nghèo nàn, lạc hậu vì cuộc chiến kéo dài để lại, hơn thế, từ xưa hai nước láng giềng bên nhau có những mối tình không gì sánh được mà Bác Hồ đã từng nói đến “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”-khi cùng ôn nghèo kể khổ, cô phiên dịch người Champasak thế hệ 8x nhắc lại với tôi câu của Bác vừa nói trên.
Bạt ngàn rừng cọ. Ảnh: Bích Hà |
Trở lại chuyện của chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Lào năm ấy, một chuyến đi đáng nhớ, chẳng cứ gì phía bạn Attapeu, ngay con đường từ Pleiku đi biên giới (giờ là Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Kon Tum) cũng trần ai lắm, một lần đi là một lần khó, lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum phải tìm hiểu xem phía bạn cần gì và cái gì thì ta có thể đáp ứng để “gồng gánh” đem theo giúp bạn.
Một Attapeu hiện ra sau hai ngày quần nhau với những chiếc xe U-oát, Zin 3 cầu có tời trên những con đường “đau khổ”, điều tôi chú ý là hai nơi, chợ và chùa. Người dân ở đây nghèo lắm, ngoài chợ thì cũng chỉ những thứ tự làm ra từ rẫy, từ nhà, từ sông suối, núi rừng... là chủ yếu mà bà con mang đến góp thành chợ, cái dáng dấp bao cấp nó cứ như là của một phố nghèo bên Gia Lai-Kon Tum vậy. Cả thị xã chưa có lấy một con đường trải nhựa; phố xá chủ yếu là những căn nhà cấp bốn và tạm bợ đến không ngờ. Còn chùa, khác bên ta một trời một vực, nhiều điều để học, để nhớ, sẽ nói ở dịp khác vậy.
Khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su của tập đoàn HAGL ở Attapeu-Lào. Ảnh: Bích Hà |
Giờ, sau ngần ấy năm kể từ lần đầu đến với Attapeu, trong chuyến rong ruổi cách nay chưa lâu, tôi không thể hình dung được về sự thay đổi đến chóng mặt. Mà nói đâu cho xa, chỉ cách đây gần một năm, giờ trở lại đã thấy ngỡ ngàng với những thay đổi, có thể nói như những người ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sự thay đổi vươn lên của bạn tính theo ngày tháng. Còn các bạn Attapeu, thì bảo có được như hôm nay là nhờ sự đồng cam cộng khổ của Việt Nam, mà cụ thể là của Tập đoàn HAGL.
Ngoài bạt ngàn rừng và trập trùng núi ra, còn lại là một vùng đất mênh mông khô cằn, sỏi đá tưởng như chẳng thể trồng cây gì, nuôi con gì cho mau cải thiện được đời sống người dân, thì đùng một cái, Tập đoàn HAGL bước vào, “biến sỏi đá thành cơm”. Với diện tích tự nhiên trên 10.300 km2 của tỉnh này, HAGL đã cắm vào đấy mấy vạn ha các loại cây trồng chất lượng, giá trị vượt trội như bắp, cỏ cho chăn nuôi bò, mía, cọ dầu, cao su; hàng chục ngàn con bò thịt nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài, theo đó cũng hàng loạt các nhà máy chế biến mọc lên.
Trại chăn nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Bích Hà |
Công việc đầu tư cho dân sinh, xã hội được địa phương và doanh nghiệp chú ý đúng mức, cả một hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh như điện lưới, giao thông, không chỉ cho mặt đất mà còn có cả sân bay quốc tế với tầm khu vực và nước sinh hoạt, nhà ở cho công nhân, việc làm cho người lao động, trường học cho trẻ em, bệnh viện cho người ốm... cũng ngày một đáp ứng theo nhu cầu. Hệ thống dịch vụ phát triển nhanh chóng làm cho một đô thị ở tầm... thị trấn nghèo thuở nào, giờ thành một thị xã chẳng thua chị kém em trong khu vực là bao.
Nước CHDCND Lào có diện tích tự nhiên 236.800 km2, dân số trên 7,017 triệu người; 17 đơn vị hành chính cấp tỉnh; chung đường biên giới với Việt Nam dài 2.069 km, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và cùng có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân hai nước đã sát cánh bên nhau, viết nên những trang sử hào hùng và cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Souphanouvong dày công vun đắp. Và ngày nay, các thế hệ lãnh đạo của hai quốc gia láng giềng tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, xây dựng mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. |
Tham dự những sự kiện quan trọng diễn ra ở đây, được nghe những ghi nhận của chính những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và địa phương của bạn về điều tôi vừa kể trên và sẽ kể kỹ hơn ở phần tiếp sau. Một trong những ghi nhận, đó là Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu Khamphan Phommathath, cho biết: “Cơ cấu kinh tế của tỉnh Attapeu đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ nông nghiệp đơn thuần sang công nghiệp chế biến, nông nghiệp kỹ thuật cao… nhất là khi các nhà đầu tư Việt Nam mà điển hình là Tập đoàn HAGL đầu tư vào dự án”.
Tỉnh trưởng khẳng định: “Hiện GDP đầu người của tỉnh Attapeu là 1.300 USD và dự kiến sẽ đạt mức 1.700 USD vào cuối năm 2015”-(phát biểu của Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Choummaly Sayason thăm và làm việc tại Attapeu và Trung tâm điều hành của Tập đoàn HAGL tại Nam Lào, ngày 12-4-2014).
Bích Hà