Kỳ 1: Giúp học sinh trung bình thành trò giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điểm chung của các thầy-cô giáo ấy là đều hết lòng vì học trò nghèo, giúp các em chuyên tâm đến trường và gặt hái những thành công, thậm chí làm nên những điều kỳ diệu. Và điều đáng nói là, những tấm gương ấy đều xuất phát từ trường huyện, nơi mà môi trường giáo dục hiếm khi được xem là lý tưởng.  
      
Đầu năm học lớp 10, Hùng đã từng có ý định... bỏ học. Hùng bị bệnh tim bẩm sinh, gia cảnh lại rất nghèo. Việc học đối với Hùng tuyệt nhiên chẳng mang lại niềm vui thích nào. Suốt những năm trước đó, Hùng là học trò có học lực trung bình, không có gì nổi bật ngoài tính cách hiền như đất. Quyết định nghỉ học của Hùng đến ngay khi vừa bắt đầu năm lớp 10 được vài tuần. Hùng thật thà nói với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Nga rằng: “Cô ơi, chắc em nghỉ học”.

 

Cô Nga (ngoài cùng bên phải) luôn rất quan tâm đến học trò. Ảnh: N.G

Hành động vì trò nghèo

“Lúc nghe Hùng nói nghỉ học, tự nhiên tôi bật khóc vì thương em. Hiền và thật thà như Hùng, tôi rất quý. Tôi khuyên Hùng cố gắng học để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT nhưng có vẻ như em đã rất quyết tâm bỏ học. Hùng nói giờ em lớn rồi, muốn ở nhà làm việc gì đó để phụ giúp bố mẹ. Tôi động viên em hãy cố gắng đi học thêm vài tuần nữa rồi cô sẽ nghĩ cách giúp, nhưng nói thật là ngay lúc đó tôi cũng chưa biết giúp như thế nào”-cô Mỹ Nga, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trường Chinh vẫn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại chuyện cách đây đã gần 2 năm học.

Băn khoăn trước nhiều phương án, cuối cùng cô Nga quyết định: Từ vườn rau thanh niên với diện tích khoảng 500 m2 mà nhà trường đã gây dựng được, cô sẽ xin cho Hùng cùng một số em khác cũng có hoàn cảnh khó khăn trong lớp đảm nhận việc chăm sóc để lấy tiền thu hoạch trang trải việc học tập. Bản thân cô cũng dành thời gian cùng học trò làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch. Sản phẩm rau sạch làm ra chủ yếu cung cấp cho giáo viên và học sinh trong trường, số dư ra cô Nga đăng bán online cho bạn bè, người quen khu vực thị trấn Chư Sê. Vốn là người yêu lao động nên công việc này khiến Hùng rất thích thú. Giờ ra chơi, sau giờ học hay những ngày cuối tuần, Hùng đều đặn chăm sóc vườn rau với sự hỗ trợ của cô Nga và bạn bè. 2 vụ thu hoạch mỗi năm cũng mang lại một khoản kha khá (gần 2 triệu đồng/vụ) để Hùng và các bạn đỡ đần bố mẹ phần nào lo chi phí học tập.

Nhưng quan trọng hơn, đây chính là động lực để em tiếp tục đến trường, có hứng thú học tập. “Lao động nhẹ nhàng và đều đặn nên em thấy sức khỏe tốt lên. Hình ảnh cô Nga mang theo con gái mới hơn 2 tuổi ra vườn rau giúp đỡ em vào những ngày cuối tuần khiến em không bao giờ quên. Em đã nỗ lực học tập vì sợ làm cô Nga buồn và kết quả đạt được cũng khiến em bất ngờ, đó là trở thành học sinh giỏi và đạt giải tại một kỳ thi cấp tỉnh. Nếu năm đầu cấp THPT không được gặp cô thì chắc em đã không được như bây giờ. Năm nay, dù cô Nga không còn chủ nhiệm nhưng cô vẫn luôn quan tâm giúp đỡ em. Cảm ơn cô, cô giáo của em”-Rmah Hùng nói về cô giáo chủ nhiệm cũ của mình.

Người “không bao giờ trách phạt học trò”

Không chỉ với Rmah Hùng mà cô Nguyễn Thị Mỹ Nga còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng rất nhiều học sinh khác. Cô là giáo viên tâm huyết với nghề, vững chuyên môn, truyền đạt lôi cuốn, yêu thương học trò. Thông thường, tiết sinh hoạt cuối tuần là tiết “đáng sợ” đối với những cô cậu học trò ham chơi, lười học, nhưng ở lớp cô Nga chủ nhiệm thì mọi chuyện rất khác. Em Đinh Liu (lớp 10A4) kể: “Tiết sinh hoạt là thời gian cô dành để tuyên dương những bạn có thành tích học tập tốt, đi học chuyên cần. Thứ bảy cuối cùng của tháng, cô còn mời đại diện phụ huynh của lớp lên tặng quà cho các bạn, đó có thể là những cuốn sách hay hoặc đồ dùng học tập. Cả lớp ai cũng vui, những bạn học chưa tốt nhìn vào đó để tự mình cố gắng, cứ thế đến nay bạn nào cũng nhận được quà của cô. Được cô chủ nhiệm, chúng em thực sự vui lắm”.

Không trách phạt mà luôn tìm cách động viên học trò, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để giúp đỡ kịp thời, thường xuyên phối hợp với gia đình học sinh để tạo cho phụ huynh thói quen quan tâm đến việc học của con... là cách cô Nga duy trì sĩ số lớp học một cách hiệu quả, truyền cho các em niềm yêu thích khi được đến trường. “Phương pháp khích lệ trong giáo dục có tác dụng rất tốt, bởi học trò sẽ vì những lời động viên, niềm tin tiến bộ của thầy-cô giáo mà tự mình cố gắng vươn lên”-cô Nga bày tỏ. Không những thế, cô còn dành rất nhiều thời gian hướng dẫn  học trò làm thiệp, bán hoa tươi gây quỹ giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp vào những dịp đặc biệt như 8-3, 20-10, 20-11, Tết nguyên đán... Với cách làm này, cô đã dạy cho học trò tình yêu thương, sự chia sẻ, tình đoàn kết và giúp các em biết trân trọng giá trị của sức lao động.

 

Hai năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, đạt giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2018 là những thành tích mà Rmah Hùng (lớp 11A6, Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê) chưa bao giờ nghĩ sẽ đạt được nếu không có sự xuất hiện của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Nga.

Phương pháp của cô Nga tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì, thời gian và quan trọng nhất là phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương học trò. Là giáo viên hướng dẫn em Rmah Hùng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học vừa qua, cô Nguyễn Thị Diệu Hạnh (giáo viên bộ môn Sinh học, Trường THPT Trường Chinh) cho biết: “Hùng là học sinh có trách nhiệm, chịu khó. Từ chỗ có ý định bỏ học, Hùng trở thành trò giỏi, đó chính là nhờ vào phần lớn công sức của cô Nga. Hùng là một điển hình trong số hàng chục học trò của nhà trường được cô Nga dìu dắt tiến bộ. Tôi thực sự tự hào khi có một đồng nghiệp như cô Nga”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm