Kinh tế

Nông nghiệp

Kỳ 1: Nghịch lý cung-cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khái niệm “rau sạch” không còn quá xa lạ với người tiêu dùng hiện nay nhưng hầu như chưa được sản xuất và sử dụng nhiều. Bởi lẽ, trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, người mua trở nên dè dặt, thiếu sự tin tưởng, kéo theo người bán cũng chẳng dám mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ.

“Vàng thau lẫn lộn”

Mỗi lần đi chợ, chị Trần Thị Thanh Vân (hẻm 114 Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) luôn mong muốn mua được thực phẩm an toàn cho gia đình, nhưng những thông tin về rau phun thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật khiến chị cảm thấy bất an. Chính vì vậy, ngoài siêu thị, chị Vân thường chọn mua rau của những người dân tộc thiểu số gùi đi bán dạo. “Thì cũng chỉ biết mua vậy chứ không có cách nào kiểm chứng”-chị Vân nói.

 

Thu hoạch rau an toàn ở Công ty Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Thu hoạch rau an toàn ở Công ty Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Trong khi đó, một số cửa hàng rau sạch trên địa bàn tuy đã ra mắt khá lâu nhưng vẫn đìu hiu. Anh Thương-chủ cửa hàng thực phẩm sạch Vạn Trí (73 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) được xem là một trong những người đón đầu xu thế kinh doanh rau an toàn ở Phố núi. Sản phẩm rau, củ, quả của cửa hàng đều có tem chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng nhằm tạo sự yên tâm nơi người tiêu dùng. Dù vậy, theo chia sẻ của anh, cửa hàng chỉ lác đác người đến mua. Vì thế, “cũng muốn mở rộng quy mô nhưng chưa dám vì lượng khách còn cầm chừng lắm”-anh Thương trăn trở.

Trao đổi với P.V, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Việc quản lý chất lượng sản phẩm rau sạch hiện đang là vấn đề nan giải, chủ yếu dựa vào cam kết và tâm đức của người sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có đến hàng chục ngàn hộ sản xuất rau sạch kiểu nhỏ lẻ, chỉ có cộng đồng cùng liên kết giám sát, kiểm tra chất lượng lẫn nhau và xây dựng thương hiệu sản phẩm chứ ngành chức năng thật sự không thể quản lý hết được.

Ông Toàn nêu một ví dụ đơn giản: Theo hướng dẫn, khi phun thuốc thì 7 ngày sau mới được thu sản phẩm nhưng nếu chỉ 4-5 ngày họ đã nhổ bán thì nguy cơ tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chắc chắn sẽ có, chưa nói đến việc có sử dụng chất cấm hay không. Tuy nhiên, khâu quan trọng này đang bị buông lỏng, chẳng ai giám sát. “Rau sạch và rau không sạch lẫn lộn, người thật sự làm rau sạch thì người tiêu dùng không tin, mà ngược lại tin vào những người làm rau không sạch. Chính vì thế, những người sản xuất rau an toàn không bán được hàng hoặc không cạnh trạnh nổi với rau bẩn giá rẻ”-ông Toàn nêu nghịch lý.

Loay hoay tìm đầu ra

 

Cơ sở sản xuất rau công nghệ cao tại phường Hoa Lư (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Cơ sở sản xuất rau công nghệ cao tại phường Hoa Lư (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Ngoài cửa hàng thực phẩm sạch Vạn Trí, thời gian gần đây, tại TP. Pleiku, các cửa hàng bán thực phẩm sạch, trong đó có rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Thế nhưng, lượng khách hàng tìm đến các cửa hàng này còn hạn chế. Ngoài nghi ngại về chất lượng, giá bán các loại rau này khá cao cũng là nguyên nhân được đa số người tiêu dùng đưa ra để lý giải cho việc không lựa chọn mua hàng tại đây.

Trong khi đó, chủ nhân của những cơ sở sản xuất rau an toàn cho rằng, giá sản phẩm cao chẳng phải là điều khó hiểu. Bởi lẽ, để sản xuất rau sạch, vốn đầu tư ban đầu thường không ít. Đơn cử như vườn rau của Công ty Hương Đất An Phú, chỉ với 3 ha, đơn vị này phải mất gần 6 tỷ đồng cho việc đầu tư khép kín nhà lồng cùng các công trình phụ khác gồm: giếng khoan, đường đi nội bộ, béc phun tưới tự động, hệ thống điều hòa nhiệt độ, làm mát... Đó là chưa kể thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch dài gấp 3-4 lần những vườn rau sử dụng thuốc kích thích, thậm chí có những loại rau trồng trên 2 tháng mới cho thu hoạch.

 

Đầu năm 2017, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản đã tiến hành lấy 246 mẫu rau để phân tích định lượng các chỉ tiêu cụ thể về thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy có 3/246 mẫu vượt quá giới hạn cho phép về thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (chiếm 1,2%). Mặc dù tình trạng này có giảm so với năm 2016 (3,4%) nhưng vẫn là con số đáng lo ngại

Những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan trên đã khiến sản phẩm rau sạch được tiêu thụ rất ít trên chính mảnh đất trồng ra nó. Thực trạng ấy bắt buộc các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường ở các tỉnh thành khác. Ông Võ Việt Hùng-Giám đốc Công ty TNHH Quế Lâm Tây Nguyên cho biết, sản phẩm rau sạch của Công ty chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty Hương Đất An Phú thì khẳng định: Sắp tới, Công ty sẽ liên kết với một số hộ nông dân mở rộng diện tích nhằm xâm nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Công ty sẽ mở các lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ trồng rau tại đây xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm có nguồn sản phẩm ổn định, đáp ứng những đơn hàng lớn.

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm