Kỳ 1: Số lượng nhiều, chất lượng chưa cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 4 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho trên 16.000 lao động nông thôn, trong đó lao động dân tộc thiểu số và người nghèo chiếm hơn 80% trên tổng số người được đào tạo nghề. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy số lượng nhiều nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Tạo việc làm, nâng cao thu nhập

Chúng tôi theo đoàn kiểm tra có mặt tại lớp học nghề sửa chữa xe máy ở làng Rbai, xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) vào một ngày cuối tháng 9-2014. 30 nông dân của 2 làng: Rbai và Ksing A đang say sưa tháo lắp phụ tùng xe máy để thực hành sửa chữa. Là người chăm chỉ nhất trong lớp học, anh Nay Soái, cười tươi khoe: Được tham gia lớp học nghề này mình rất mừng. Sau gần 2 tháng vừa học lý thuyết vừa thực hành, mình đã biết tháo lắp bộ phận máy của xe, chỉnh bộ đề, tháo lắp lốp, săm xe. Trước đây chưa học chưa biết, nay học rồi khi không may xe bị thủng săm là có thể tự vá được, không tốn tiền công vá nữa.

 

 Lớp học nghề sửa chữa xe máy ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đinh Yến
Lớp học nghề sửa chữa xe máy ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đinh Yến

Còn tại xã Ia Peng (huyện Phú Thiện), qua trao đổi với những học viên vừa học xong lớp nghề chăn nuôi và phòng bệnh cho bò, anh Siu Hem, buôn Xom Heng A, kể: Mình đã học được nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc cho bò. Nhà mình có 7 con bò. Thầy giáo hướng dẫn khi thấy bò sình hơi, ốm thì nên mua thuốc chữa trị cho bò, cách tiêm là vào vai và mông. Mình còn biết cách tạo được thức ăn tinh, như: cám, bột bắp, bột mì cho bò ăn vào buổi sáng; rơm, cỏ để bò ăn vào buổi trưa và tối.

Mục đích lớn nhất của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân ngay chính những nghề bà con đã biết. Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Vui-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa, cho biết: Là đơn vị được các địa phương tin tưởng ký kết hợp đồng dạy nghề nông cho bà con trên địa bàn các huyện phía Đông tỉnh. Phương pháp dạy nghề lao động nông thôn của nhà trường là chủ yếu trang bị những kiến thức kỹ năng nghề theo yêu cầu của bà con; chủ yếu là giúp  bà con về kỹ thuật và cách chăm sóc và phòng bệnh, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi để mang lại giá trị kinh tế cao hơn và giảm được chi phí sản xuất.

Chất lượng còn hạn chế

Qua kiểm tra thực tế ở một số địa phương, tại các huyện: Kbang, Chư Prông, Chư Sê, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 nhận định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh còn có những bất cập, vẫn còn tình trạng một số lớp học nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng chưa cao.

Tại xã Nghĩa An và xã Đông (huyện Kbang), từ đầu năm đến nay mỗi xã mở được lớp nuôi và phòng bệnh cho gà. Tại xã Nghĩa An lớp học nuôi và phòng bệnh cho gà đã kết thúc, bà con cũng biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho gà, vệ sinh chuồng nuôi. Nhưng để mở rộng, nuôi gà bán ra thị trường tạo công ăn việc làm từ việc học nghề thì lại không có vốn để đầu tư. Còn tại lớp học nghề ở làng Tờ Mật, xã Đông có 28 học viên thì phần đông là học sinh. Theo lời giải thích của thầy dạy thì để cho đủ sĩ số mở lớp nên phải vận động học sinh học nghề. Về vấn đề này, ông Dương Văn Thọ-Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên huyện Kbang, cho rằng: Do người học không muốn đến làng khác để học nên đành phải huy động cho đủ sĩ số để mở lớp.

Bên cạnh đó, việc duy trì sĩ số của lớp học nghề cũng đang là vấn đề đáng bàn. Khi mở lớp phải vận động đủ người (quy định là 30 người) mới được khai giảng. Song có điều, mấy ngày đầu bà con đi học đông đủ, sau vài ngày bà con bỏ dần đến khi tốt nghiệp cấp chứng chỉ mỗi lớp chỉ còn được 20 đến 22 người. Nhận định về vấn đề này, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nói: Vì một số nghề học chưa sát thực tế, người học không mặn mà học nên trong quá trình đăng ký học nghề đến khi học không thấy phù hợp nên một số học viên tự bỏ.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm