Kỳ 2: 192 ngày trên đất khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-6-2015, 4 người ở huyện Chư Pưh về đến Việt Nam, kết thúc chuỗi ngày lang bạt kiếm sống trên đất Thái Lan. Trở về làng, họ đã kể cho người thân, bà con nghe rất nhiều điều về chuyến đi của mình-một hành trình đầy gian nan, tủi nhục... Trong ngôi nhà gỗ đầy ắp tiếng cười con trẻ, với một giọng buồn, đôi mắt như vô định nhìn về khoảng trời xa xăm qua ô cửa, Rmah Thoát (thôn Ia Tong, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) kể:

Nhà tôi ở gần nhà Siu Lomôn (thôn Ia Tong, xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Nó từng vượt biên một lần nên thường cùng chính quyền đi nói với mọi người đừng ai nghe theo lời bọn xấu dụ dỗ trốn sang Thái Lan để đi Mỹ. Nhưng viễn cảnh về một cuộc đời mới-nơi có những ngôi nhà cao tầng, nhiều ô tô, nhiều đèn sáng lóa về đêm và một công việc nhẹ nhàng, áo quần đẹp đẽ vẫn hấp dẫn tôi hơn. Ngày ngày tưởng tượng về một nơi như thế, tôi thấy làng mình, nhà mình sao buồn tẻ quá!
 

Rmah Thoát cùng vợ con thăm vườn tiêu đã bắt đầu héo úa vì không có người chăm sóc. Ảnh: T.N

Ngày 14-12-2014, tôi và Siu In (SN 1997, ở cùng làng) rủ nhau quyết đi Thái Lan một chuyến. Cầm trong tay số tiền 20 triệu đồng hôm trước vừa bán bắp, lúa, tôi rất áy náy với vợ. Kpă Year mà biết tôi bỏ nhà đi, liệu nó có tha thứ cho tôi không? Mặc kệ... Rồi tôi sẽ trở về và đón mẹ con nó đi máy bay qua Mỹ.

Tôi và Siu In mất mỗi người 17 triệu đồng và 2 ngày đêm thì đến được thủ đô Băng Cốc (Thái Lan). Người dẫn đường bỏ chúng tôi ở ngoại ô thành phố cùng lời dặn dò chớ để bị Cảnh sát Thái Lan bắt được. Nhìn những ngôi nhà chọc trời ở đó, một thoáng, tôi và Siu In ngỡ đã chạm được đến miền “cổ tích”. Nhưng chúng tôi sớm vỡ mộng... Không gặp một ai quen biết, tôi và Siu In phải tự xoay xở với cái bụng đói sau chặng đường dài. Hành lý của chúng tôi chỉ là vài bộ quần áo. Với 3 triệu đồng còn lại, tôi đổi được hơn 4.000 bạt Thái. Tiền thuê một phòng trọ trống chừng 12 m2 mất 3.000 bạt/tháng. Cả hai góp tiền mua ít đồ dùng và lương thực. Ở đây cái gì cũng đắt đỏ; gạo cũng đắt gấp đôi ở Việt Nam. Chúng tôi chỉ dám mua thứ gạo bình thường, rất khô và cứng để nấu cơm. Thỉnh thoảng, ông chủ người Thái bảo chúng tôi đi trốn ở đâu đó vì Cảnh sát sắp đến kiểm tra. Tôi và Siu In ra chợ, đó là nơi ít bị phát hiện. Người Thái Lan không giống người Việt Nam. Ở chợ, ai cũng cắm cúi đi, không nhìn loanh quanh, cũng ít nói chuyện. Nỗi lo bị Cảnh sát Thái Lan bắt gặp ám ảnh tôi và Siu In. Chúng tôi cứ quanh quẩn trong phòng trọ chật hẹp, hết ăn lại nằm. Lay lắt như thế đến ngày thứ 30, tiền trong túi đã cạn thì tôi có việc làm.

Một người đàn ông Thái Lan đến bảo tôi đi theo ông ta (sau này, tôi mới biết ông ta là “cò” việc). Ông ta dẫn tôi đến công trường làm phụ hồ cùng những nhân công người Thái. Cuối ngày, người đàn ông ban sáng trả cho tôi 300 bạt (tương đương 200.000 đồng). Đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được ở đất Thái. Những ngày sau đó, tôi buồn bực khi biết rằng cùng làm việc như nhau, thậm chí chúng tôi phải làm việc nặng nhọc hơn nhưng nhân công người Thái Lan đều nhận được 1.000 bạt mỗi ngày. Số tiền của chúng tôi đã ít hơn, lại còn bị “cò” việc cắt xén. Siu In cũng giống tôi. Nó buồn bã: “Biết làm sao được, mình ở chui, không biết tiếng của họ thì họ muốn đưa bao nhiêu thì đưa, muốn nói sao thì nói thôi”. Nhưng sau đó, tôi mới biết rằng những người trả công như thế vẫn còn tử tế.

 

Ảnh: T.N

Chẳng là tôi nhận làm công tháng ở khu biệt thự. Khi hoàn thành, người chủ quỵt luôn tiền công. Tôi không biết đường tìm đến họ, tiếng Thái cũng không biết. Hơn nữa, một kẻ sống chui lủi không giấy tờ như tôi làm sao dám đến đòi nợ? Tôi cay đắng, chán nản cùng cực, tiếc công sức 30 ngày ròng rã dưới cái nắng như thiêu đốt ở Băng Cốc. Đến lúc này, tôi chua xót nhận ra “cuộc sống sung sướng” mà tôi được rỉ tai khi còn ở nhà chỉ là dối trá. Tôi nhớ những lời Siu Lomôn nói về những kẻ xúi giục kia, bọn chúng đúng là kẻ xấu. Tôi quên hẳn ý định đi Mỹ, nuôi quyết tâm trở lại quê hương.  

Rút kinh nghiệm, thời gian sau, tôi chỉ làm công nhật và hết sức tiết kiệm chi tiêu. Một hôm, cuối tháng 5, khi đi làm, tôi gặp Siu Bêch ở cùng xã. Bêch nói sang đây từ tháng 3-2014, đã gặp UNHCR nhưng họ từ chối, không giải quyết các trường hợp qua Mỹ vì mục đích kinh tế như chúng tôi. Bêch rủ tôi cùng 2 người khác gom góp tiền tìm người dẫn đường hồi hương. Chúng tôi nộp mỗi người 14.000 bạt cho một người lái xe ở Thái Lan để ông ta đưa chúng tôi đến biên giới. Siu In và một số người khác biết kế hoạch của chúng tôi nhưng vì không đủ tiền nên đành ở lại. Chúng tôi vừa đi, vừa phấp phỏng lo âu vì sợ người dẫn đường lại là kẻ lừa đảo. Rất may, sau hành trình gian nan suốt 3 ngày đêm, bằng xe, bằng thuyền qua sông Mê Kông, cả nhóm về đến Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp chúng tôi đón xe về Gia Lai.

Tôi và cả bọn xấu hổ, lo sợ vì việc làm của mình nhưng Công an Gia Lai không giam giữ, tạo điều kiện cho chúng tôi sớm trở về làng đoàn tụ gia đình và dặn dò đừng bao giờ lặp lại sai lầm. Gặp lại vợ Kpă Year, tôi không biết nói gì. Nó nhìn tôi vừa trách móc, vừa vui mừng. Ba đứa con tôi chạy nhào vào lòng bố. Ngôi nhà nhỏ, con đường, vườn tiêu đối với tôi chưa bao giờ đẹp như lúc ấy…

Thoại Nhân

Có thể bạn quan tâm