Phóng sự - Ký sự

Kỳ 5: Gương sáng để noi theo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làm theo lời Bác Hồ dạy, nhiều cựu chiến binh bằng nghị lực phi thường đã nỗ lực vươn lên, trở thành tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho xã hội
Ở tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Hồng Sơn (58 tuổi, bệnh binh 2/3; ngụ thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) được tuyên dương là gương người có công với cách mạng, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất.
Không bao giờ sợ thất bại
Năm 1980, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Sơn cùng 50 thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Ông được phân vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 142 thuộc Sư đoàn 315. Đơn vị của ông giữ chốt Đầm Rây (Dangreak) dưới chân núi Cụt ngay ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia. Nơi đây là căn cứ hậu cần, huấn luyện, kho tàng của quân Pol Pot lớn nhất Bắc Campuchia, giao tranh thường xuyên xảy ra.
 Ông Nguyễn Hồng Sơn bên vườn cam trĩu quả.
Ông Nguyễn Hồng Sơn bên vườn cam trĩu quả.
Suốt 4 năm cầm súng giữ biên cương nơi rừng sâu nước độc, điều ông Sơn sợ nhất không phải là quân Pol Pot tàn ác mà chính là bệnh sốt rét. Nhiều đồng đội rồi đến lượt ông ngã bệnh, mang di chứng nặng nề đến ngày nay. Khi xuất ngũ, ông Sơn được cấp giấy chứng nhận bệnh binh, ghi rõ: "Sốt rét dai dẳng, suy nhược cơ thể, cơn kích động do Histeria dày. Tỉ lệ suy giảm khả năng lao động 61%".
Về quê với bệnh tật hành hạ, trên vai là gánh nặng người con cả của một gia đình nghèo, ông Sơn phải lao vào cuộc mưu sinh. Thời gian ấy, phong trào đi làm kinh tế mới lan rộng khắp địa phương và một lần nữa, ông Sơn lại xung phong làm "chiến sĩ diệt giặc đói", lên vùng kinh tế mới ở huyện Khánh Vĩnh.
Cựu binh Nguyễn Văn Thắc bên xưởng gỗ của gia đình
Cựu binh Nguyễn Văn Thắc bên xưởng gỗ của gia đình
Ông Sơn bắt đầu công việc của mình bằng khai hoang, phát nương trồng bắp và lúa rẫy. Nhờ siêng năng cần cù, năm 1986, ông có 11 ha đất trồng trọt ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Đến năm 1990, khi ngành mía đường phát triển, ông mạnh dạn phá nương bắp trồng mía. Thấy ông Sơn phất lên với giống mía cao sản, nhiều nông dân trong vùng làm theo, chuyển đổi cây trồng.
Thế nhưng, năm 1994, mía rớt giá thê thảm, buộc ông phải bán 8 ha đất để trả nợ. Thêm một lần nữa, ông bắt tay làm lại từ đầu, nuôi cá trắm cỏ và rô phi nhưng rồi trận lũ tháng 6-1996 đã cuốn sạch tài sản theo dòng nước.
Khi hay tin tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng, ông Sơn như bắt được vàng, vay vốn đầu tư 230 gốc. Ông còn trồng thêm 250 cây xoài cát Hòa Lộc kết hợp trồng xen canh cây ngắn ngày trên 3 ha đất còn lại. Nhờ miệt mài lao động và thành công với mô hình này, ông Sơn trở thành "vua" cây ăn trái, "vua" sầu riêng ở vùng đất Khánh Vĩnh. "Mỗi năm, chỉ riêng sầu siêng, tôi đã thu gần 500 triệu đồng. Nhiều bà con làm như tôi cũng khá lên, thoát được cảnh nghèo" - ông Sơn kể.
Nhưng đó là cách đây một năm. Cuối năm 2017, bão số 12 đã quét sạch vườn cây ăn trái của ông Sơn, 230 gốc sầu riêng bật gốc chết héo. "Tôi phải bán đi vườn xoài để lấy tiền cho con đi học đại học và đầu tư mới 300 gốc bưởi da xanh. Hơn 200 gốc cam cũng đang đến mùa thu hoạch. Chắc lần này ông trời thương..." - người lính già lạc quan.
Nhận xét về ông Sơn, ông Phan Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu, cho rằng đó là một cựu chiến binh không bao giờ sợ thất bại. Những việc làm của ông đã tạo tiền đề để người dân Sông Cầu làm giàu với nông nghiệp.
Từ người làm thuê thành doanh nhân
Rời quân ngũ, nhiều cựu binh ở tỉnh Quảng Bình miệt mài, nỗ lực vượt khó làm giàu cho bản thân, kiến tạo diện mạo quê hương và trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế giữa đời thường, phát huy truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Trong số đó có cựu chiến binh - doanh nhân Nguyễn Văn Thắc (56 tuổi; ngụ thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Năm 1978, người thanh niên Nguyễn Văn Thắc với nhiệt huyết tuổi trẻ đã tình nguyện nhập ngũ, tham gia lực lượng TNXP bên dòng sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau hơn 2 năm, ông được điều động vào Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật không quân tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa học tập và trở thành kỹ thuật viên sửa chữa máy bay tại Trung đoàn 910. Năm 1984, ông xuất ngũ về quê, xin vào làm việc tại Lâm trường Đồng Hới đóng tại xã Thuận Đức.
Tại đây, ông Thắc gặp nữ nhân công Hoàng Thị Hương rồi nên duyên chồng vợ. Đôi vợ chồng trẻ xin nhận 20 ha rừng thông từ lâm trường để làm khoán, thay nhau chăm sóc, khai thác nhựa. Nhiều năm gắn bó với rừng thông, cuộc sống gia đình ông chẳng khá lên do hiệu quả kinh tế của việc lấy nhựa thông rất thấp.
Mãi đến năm 2006, khi lâm trường bàn giao một phần diện tích đất, vợ chồng ông Thắc quyết định mở một xưởng cưa xẻ gỗ tại nhà. Ăn nên làm ra, năm 2014, ông lập Công ty TNHH Tấn Phương, mở rộng sản xuất đồ gỗ gia dụng, mộc mỹ nghệ.
Sau nhiều năm khởi nghiệp, ông Thắc bây giờ đã là tỉ phú. Công ty của ông giải quyết việc làm cho hơn 10 nhân viên cùng hàng chục lao động thời vụ với mức lương ổn định 6-20 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Thắc còn đầu tư xây dựng, kinh doanh siêu thị mini, tạo thêm việc làm cho nhiều người. "Sắp tới, tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn nghỉ dưỡng, nhằm phát triển dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em địa phương" - ông Thắc dự tính.
Ông Cao Thanh Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Đức, đánh giá: "Ông Thắc là một điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Ông còn tích cực tham gia xây dựng, phát triển hội cơ sở và các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ tạo việc làm cho cựu chiến binh. Ông Thắc xứng đáng là tấm gương để thanh niên nhìn vào mà phấn đấu làm ăn". 
"Đối mặt cái chết mình còn không sợ thì sợ gì thất bại" - ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắc bày tỏ: "Những năm quân ngũ đã rèn luyện cho tôi ý chí kiên cường, quyết tâm không bỏ cuộc nên mới thành công như hôm nay".
Kỳ Nam - Hoàng Phúc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm