Phóng sự - Ký sự

Kỳ bí 'đá thiêng' của người Tày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở vùng rẻo cao quanh năm mây phủ của tỉnh Cao Bằng, đồng bào dân tộc Tày đã tồn tại tục lệ thờ “ma bếp lửa” rất độc đáo.

Đối với người dân nơi đây, bếp lửa vừa là chỗ đun nấu vừa hong khô lương thực bảo quản trên bếp mà đến ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng còn là nơi thắp hương thờ “thần bếp lửa” để xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, làm ăn thuận lợi.

Độc đáo tục thờ “thần bếp lửa”

Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà sàn được làm xong, việc đầu tiên là rước thần lửa về nhà. Theo các cụ cao niên người Tày ở xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng), lửa được sinh ra từ đá nên trước khi về nhà mới phải lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa từng giẫm chân vào. Sau khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần.

 

Bếp lửa không những sử dụng để nấu nướng mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày
Bếp lửa không những sử dụng để nấu nướng mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày


Hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Tuy nhiên, ngày nay những thế hệ trẻ đã thay thế hòn đá bằng một ống tre để có thể dễ dàng cho việc thắp hương cúng thần bếp lửa vào ngày rằm, mùng một hàng tháng hay những ngày lễ, tết.

Cụ Lưu Văn Sú (76 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chia sẻ: “Tôi dựng căn nhà sàn này cách đây mấy chục năm rồi, từ đó đến nay tôi vẫn đặt bếp lửa ở giữa nhà theo đúng phong tục ngày xưa. Nhiều lần con cháu muốn chuyển bếp đi chỗ khác bởi khói bếp nhuốm đen mái nhà nhưng tôi không chịu. Nhà sàn thì phải vậy chứ, mùa đông đến nữa nếu không có bếp lửa thì sao ở được. Trước đây khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc thì mọi sinh hoạt đều ở quanh bếp lửa từ việc ăn uống đến tiếp khách, chỉ trừ lúc đi ngủ và đi nương rẫy còn lúc nào cũng ngồi bên bếp lửa. Giờ mà bỏ đi thì trống trải lắm”.

Theo tập tục truyền thống của đồng bào Tày, việc chăm sóc bếp lửa chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm. Đối với người Tày, bếp không chỉ là nơi nấu chín thức ăn mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ Tày là nhóm lửa đun nước cho cả nhà rửa mặt, đánh răng. Những ngày đầu năm mới, ngày lễ tết việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn vị thần bếp, lòng thành kính đối với tổ tiên. Không gian bếp cũng là nơi những người phụ nữ trong nhà trò chuyện, bàn tính chuyện làm ăn chăn nuôi, trồng trọt.

“Bếp của người Tày rất quan trọng và hòn đá là biểu tượng của thần bếp. Trong mắt người Tày chúng tôi, lửa trông rất hiền hòa và mang tính nữ bởi ngày xưa chỉ có phụ nữ mới được chăm sóc “thần bếp lửa” này. Cứ đến ngày đầu năm mới, cuối năm  bao giờ người phụ nữ trong nhà cũng cho vị thần đá này uống ít rượu, ăn bánh và thịt”, cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) ở xóm Bản Khuông chia sẻ.

 

Cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) thường xuyên cắt những tờ tiền giấy bản để cúng thờ “thần bếp lửa” dịp lễ, tết
Cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) thường xuyên cắt những tờ tiền giấy bản để cúng thờ “thần bếp lửa” dịp lễ, Tết


Với quan niệm như vậy, mỗi khi dựng ngôi nhà sàn mới, chủ nhà bao giờ cũng mổ lợn để dâng cúng bàn thờ tổ tiên, “thần bếp lửa” và mời bà con, họ hàng đến cùng chung vui. Không chỉ vậy, mỗi dịp lễ tết đồng bào Tày còn làm vài chiếc bánh dày mục đích là thờ cúng tổ tiên và thần “thần bếp lửa” để tỏ lòng biết ơn vì mang đến sự linh thiêng, ấm áp cho ngôi nhà. Chính bởi vậy, bếp của người Tày là không gian linh thiêng và thường gắn với nhiều tập tục kiêng kỵ.

Nơi linh thiêng với những điều cấm kỵ

Riêng đối với đồng bào người Tày, ngoài nấu chín thức ăn thì bếp lửa còn là nơi để tiếp khách, là nơi thiêng liêng thờ “thần bếp”, ‘thần lửa”. Chính vì vậy có rất nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không được đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá và ống tre cắm que hương vì theo quan niệm của người Tày, đây là nơi trú ngụ của “thần lửa”. Các thế hệ đồng bào Tày đều dặn nhau khi đặt quai nồi lên bếp thì phải đặt theo chiều dọc của ngôi nhà khi đun nấu, bởi đặt chiều ngang là hường nằm của người chết.

Một điều kiêng kỵ khác của người Tày là khi đưa củi vào bếp nhất định không đưa ngọn vào trước vì họ quan niệm, làm như vậy sẽ khiến con gái của gia chủ ngôi nhà đó sinh ngược. Việc làm bếp lửa cũng phải thật chu toàn, cẩn thận không để phạm đến thần linh, gia chủ phải chọn được ngày lành tháng tốt để tiến hành làm bếp. Thông thường, các ngày lẻ tháng chẵn và ngày chẵn tháng lẻ âm lịch đều là các ngày có thể đắp bếp hoặc tu sửa vì họ cho rằng những ngày đó “thần bếp” sẽ về chầu trời.

Khi đắp bếp phải chọn những thanh gỗ lim thẳng và chắc chắn gồm 4 tấm ván gỗ dài 1 mét, rộng 60 cm để tạo thành khuôn. Bếp hình chữ nhật cao 50 phân được hình thành khi được khoét hai lỗ đặt nồi nấu ăn và hai cửa bếp được khoét vừa phải, kín gió khi đun mới không tốn củi.

 

Gác bếp lửa nhiều tầng của người Tày dùng để sấy khô, bảo quản thịt trâu, bò, lợn, giống cây…
Gác bếp lửa nhiều tầng của người Tày dùng để sấy khô, bảo quản thịt trâu, bò, lợn, giống cây…


Ông Lưu Văn Nghiệp ở xóm Nà Pò, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết: “Để đắp bếp, phải chọn loại đất sét màu vàng mịn, đất mà có lẫn sỏi thì khi đốt lửa hay bị nứt bếp do đá nổ. Có làm cầu kỳ như vậy bếp mới không tốn củi và dùng được lâu dài, mới mong “thần bếp” phù hộ gia đình con cháu mạnh khoẻ, ấm no. Kiến trúc bếp lửa của người Tày rất tiện trong sinh hoạt, và là một nét văn hoá riêng của chúng tôi đã có từ lâu đời. Cho dù ngày nay có bếp ga, bếp điện tiện lợi hơn nhiều. Nhưng bà con vẫn thích và có thói quen sử dụng bếp củi của dân tộc mình”.

Mỗi khi mưa to, gió lớn, người phụ nữ Tày lập tức cầm một nắm đũa đặt vào cạnh bếp lửa, ngụ ý mong “thần bếp” phù hộ cho ngôi nhà được vững chãi trước mưa gió. Đây là cách tổ tiên họ truyền dạy lại để thức tỉnh “thần bếp”, giúp họ tránh khỏi điều không may mắn. Vào mùa đông lạnh giá, khi sưởi lửa đồng bào cũng kiêng không đặt chân lên kiềng, cũng không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với “thần bếp”. Ngoài ra, khi đưa củi vào bếp đun nấu, bao giờ người Tày cũng để trống “cửa” sau của bếp để đề phòng khi có kẻ xấu đến hại “thần bếp” sẽ phù hộ cho người nhà có lối thoát thân.

Ngày nay, dù cuộc sống của người Tày có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập nhiều nét văn hoá các dân tộc khác. Tuy nhiên, nhiều phong tục tập quán, tập tục thờ “thần bếp” của người Tày vẫn được duy trì, tạo nên nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp tới thăm bản làng của người Tày. Nhưng trên hết những điều kiêng kị đó, người vùng cao coi bếp lửa là nơi để họ gặp gỡ, chuyện trò bởi giữa không gian của vùng núi cao quanh năm lạnh giá ấy có nơi nào ấm cúng hơn bếp lửa.

Căn nhà của người vùng cao bao giờ cũng ấm cúng bởi bếp lửa lúc nào cũng có ánh lửa hồng. Bên bếp lửa những người già vẫn kể cho con cháu nghe về bản làng, về dòng họ, về phong tục tập quán… như muốn truyền tiếp ngọn lửa của thế hệ cha ông cho thế hệ sau.

Theo PLO

Có thể bạn quan tâm