Kỳ cuối: Niềm vui còn phía trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối Đông, sau hàng loạt trận bão lũ khác thường trút xuống vùng đất phía Đông Trường Sơn, gây ra cho bà con nơi đây những thiệt hại về người và của với một con số thống kê ban đầu là không nhỏ. Đồng thời với việc lo cùng người dân khắc phục hậu quả của thiên tai, lãnh đạo Đak Pơ đang chuẩn bị cho ngày kỷ niệm mười năm “ra riêng” của huyện.

 

Từ trên đỉnh đèo Mang Yang, đưa hết tầm nhìn về phía Đông, thung lũng Đak Pơ trải dài theo dọc hai bên quốc lộ 19, nối với các vùng trọng điểm của các loại cây trồng “chủ lực”, ngút ngàn những đồi mì, ruộng mía đang mùa khẩn trương thu hoạch, phơi mình dưới nắng hoa/cờ cứ trắng phau phau như những đồi lau lay mình trong gió, trong tôi không giấu nổi một niềm vui khi nghĩ về một tiềm năng no ấm của vùng đất gian lao mà anh dũng này...  

Đúng vậy, có một số tài liệu khi đề cập đến tình hình của Đak Pơ, ghi rằng: “Ngày mới thành lập, Đak Pơ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, dân cư thưa thớt, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trong khi trình độ canh tác lạc hậu, quanh năm đối mặt với đói nghèo. Bắt tay xây dựng Đak Pơ từ con số không, quyết tâm đi lên bằng nội lực, bây giờ bộ mặt của huyện đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt trên 13%, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra cho hàng năm đều đạt và vượt. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 11,2 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông-lâm nghiệp từ 55,5% (năm 2005) giảm xuống còn 37,4%. Nhờ có chính sách linh hoạt ưu đãi, Đak Pơ đã bước đầu thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…”.

Công nghiệp và dịch vụ là hai lĩnh vực mà lãnh đạo huyện Đak Pơ cho rằng có mức tăng trưởng đáng khích lệ: tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế tăng từ 28,1% (2010) lên gần 31,4%, giá trị sản xuất từ 24,2 tỷ đồng năm 2005 tăng lên trên 326 tỷ đồng (2013), tổng giá trị đầu tư trên địa bàn huyện trong 5 năm lại đây đạt trên 340 tỷ đồng. Thương mại-dịch vụ cũng phát triển nhanh từ 25,2% năm 2005 tăng lên 31,2%, tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường từ 61,5 tỷ đồng năm 2005 lên trên 85 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 36 doanh nghiệp và hơn 1.200 cơ sở kinh doanh cá thể.

 

Ảnh: Đức Thụy

Cùng với đó, trên nhiều lĩnh vực như việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân được quan tâm; giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe được đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Ngoài con đường 19 chạy qua, Đak Pơ còn có hàng mấy chục cây số của đường Trường Sơn Đông nối từ các tỉnh phía Bắc đến Đông Nam bộ cũng đã sắp hoàn thành, tất cả các xã và nhiều thôn, làng có đường ô tô đến nơi. Bộ mặt nông thôn, với việc phấn đấu xây dựng trở thành “nông thôn mới” theo các tiêu chí quy định, nhiều làng của bà con dân tộc thiểu số đã được định cư gắn với định canh, tình trạng đói và mù chữ đã được khắc phục.

Tuy vậy, nhưng hướng đi nào cho Đak Pơ trong một tương lai bền vững và theo kịp các địa phương trong vùng vẫn là vấn đề nan giải của những người lãnh đạo ở đây. Một quy hoạch và định hướng trong tương lai gần- 2015, Đak Pơ đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu cao hơn: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,2%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng nông-lâm nghiệp tăng 7,33%, công nghiệp-xây dựng tăng 17,73%, thương mại-dịch vụ 17,11%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 26.130 tấn, diện tích gieo trồng sẽ đạt trên 22.000 ha. Bình quân thu ngân sách hàng năm 24,5 tỷ đồng. Thu nhập đầu người bình quân đạt trên dưới 12 triệu đồng/năm, gấp 1,65 lần so với năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15%, tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sạch là 90%, tỷ lệ xã có bác sĩ là 50%.

 

Hiện, Đak Pơ có 1.171 đảng viên, sinh hoạt trong 38 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện. Đây là nền tảng, là đội ngũ tiên phong trong việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, là chỗ dựa, là tấm gương trong thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phấn đấu để Đak Pơ nối tiếp truyền thống vinh quang, vẻ vang của mình trong thời kỳ mới, thời kỳ mà không thể chấp nhận thụt lùi trước sự đòi hỏi phát triển, vươn lên của một vùng đất vốn có những tiềm năng, lợi thế cho cây trồng và vật nuôi cần được đầu tư chiều sâu, coi trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa dần sự cách biệt giữa các vùng-(Bí thư Huyện ủy-ông Trần Hữu Đức nói với chúng tôi như vậy). Người viết bài này tin điều đó!

Có thể nói với một sự quyết tâm đưa một huyện từ nghèo để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu như nói trên là một sự dũng cảm của những người đứng đầu nơi đây. Với một diện tích tự nhiên gần 50.000 ha, tiềm năng cho cây nông nghiệp và lâm nghiệp là khả dĩ, nhưng với lợi thế không nhiều cho sự phát triển các loại cây trồng có giá trị cao thì việc đầu tư cho lĩnh vực này trong nhân dân là việc họ phải tính toán. Sở hữu một vùng đất nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch là rất đáng quan tâm. Nằm trong vùng thuộc “bản đồ du lịch” của tỉnh, có những nơi dành cho những người ưa khám phá về tự nhiên, văn hóa cộng đồng và lịch sử kháng chiến, lại có những chỗ cho người về với du lịch tâm linh. “Phác thảo” một sơ đồ du lịch cho Đak Pơ, người viết bài này đã có lần đề cập đến (báo Gia Lai điện tử, ngày 23-4-2009).

Thế nhưng cho đến nay, những điều ấy vẫn còn là trong tiềm năng. Sự khó có thể “bó cái khôn”, nền kinh tế chung của cả nước liên tục mấy năm liền trượt dài vào khủng hoảng, khó khăn đè lên doanh nghiệp, bởi thế mà sự đầu tư cho những ngành dịch vụ-công nghiệp không khói này dường như bị bỏ ngỏ, và tác động không chỉ với Đak Pơ.

Tôi nhận biết cho dù khó khăn chồng lên khó khăn nhưng Đak Pơ rồi đây sẽ có bước phát triển. Là vùng “đất rẻo”, được “sinh sau đẻ muộn”, nhưng lại có những lợi thế mà nhiều nơi khác phải khát khao, đó là nơi mang trong mình một nền văn hóa, lịch sử, đặc biệt là lịch sử trong đấu tranh vệ quốc, lòng người dân thuận hòa chăm chỉ trong lao động, biết chịu thương chịu khó vượt qua đói nghèo. Cách đây chưa lâu, trong một chuyến về một làng Bahnar ở Yang Bắc, nằm cạnh đường Trường Sơn Đông, tôi thật sự lấy làm vui khi mà làng đã không còn nhà tranh vách nứa, những con đường chạy dọc ngang trong làng sạch sẽ và tăm tắp thẳng, lớp học khang trang, điện về với tất cả mọi nhà..., tôi trộm nghĩ, giá mà (hay có lẽ) chừng phân nửa số làng của cả tỉnh ta được vậy thì, “nông thôn mới” chẳng thiếu tiêu chí nào.

Trao đổi với chúng tôi, các lãnh đạo huyện tâm đắc với những gì họ đã làm được trong mười năm qua, nhưng cũng không khỏi trăn trở về con đường đi lên còn ở phía trước. Trở lại chuyện về một giải pháp cho sự đầu tư tiền của, nhân lực để tìm kiếm, cất bốc, an táng hài cốt các liệt sĩ nằm lại sau trận đánh Đak Pơ và việc xây dựng nhà tưởng niệm ở nơi này, các anh cho hay (tuy vẫn còn trong... lời hứa) đã có một nhà tài trợ chính với một khoản tiền đáng kể cho việc này. Mừng thay, và đợi vậy, khi mà công văn xin chủ trương của tỉnh đã được trình nhưng chưa nhận được phản hồi. Hy vọng niềm vui cho dù còn ở phía trước, nhưng phía trước ấy đừng quá dài lâu cho một Đak Pơ phát triển, cho công việc nghĩa nặng tình sâu với đồng đội, đồng chí từ ước mơ sớm được trở thành hiện thực!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm