Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Các đại biểu cần chất vấn đúng và trúng những vấn đề trọng tâm, thời sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-10, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Hà Nội), Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2 theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung.

Dự kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn; các đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức thành 2 đợt (trực tuyến và tập trung). Dự kiến kỳ họp sẽ bế mạc vào ngày 13-11. Trước khi bước vào phiên làm việc chính thức, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng và 62 điểm cầu trong cả nước đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì dịch Covid-19.

Quang cảnh kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn


Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống Nhân dân.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp); xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.  

Liên quan đến nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, báo cáo tại kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nỗ lực vượt qua các khó khăn của dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ. Ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng-chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn.

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%... Chính phủ cũng nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện 16 chỉ tiêu nêu trên. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng-chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Cùng với đó, trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân. Xây dựng kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, tiêm chủng vắc xin một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, hợp lý cho năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó có vắc xin cho trẻ em. Đặc biệt, Chính phủ sẽ ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe các báo cáo: thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; thẩm tra về công tác phòng-chống Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV...       

Theo kế hoạch, chiều 20-10, Quốc hội sẽ nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán và phương án phân bổ năm 2022; kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê...

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm