Trong những ngày đầu tháng 9 chúng tôi có dịp theo chân những người làm “vàng trắng”, đó là đoàn cán bộ của Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom sang đất bạn Campuchia. Dù đây là lần thứ hai chúng tôi được vinh dự có mặt trên đất nước Chùa Tháp, nhưng mỗi lần đến là thêm một lần nhận ra bao điều mới lạ trên mảnh đất đang từng ngày hồi sinh sau hơn 30 năm thảm họa diệt chủng thời Pol Pot…
Gần giống Tây Nguyên chúng ta, thời tiết mùa này trên xứ Angkor cũng lúc mưa lúc nắng. Nói chuyện với chúng tôi, anh lái xe Trần Lợi- người đã hai năm “cầm lái” cho doanh nghiệp “con đẻ” của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê trên đất bạn cho hay là khí hậu chẳng khác gì bên mình nên các anh sang đây đã nhanh chóng thích nghi, hơn thế nữa là cây cao su trồng trên đất này phát triển chẳng kém gì bên ta. Năm ngoái Công ty trồng trên 2.000 ha, nay cây cao đã vượt đầu người, tốt xanh mơn mởn, tỷ lệ cây sống gần như 100%, anh em mừng lắm… Điều anh Lợi nói được Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Duy Linh xác nhận là sự thật!
Ảnh: Bích Hà |
Nói chuyện với chúng tôi, anh hướng dẫn viên kiêm phiên dịch vui vẻ cho biết, trong số hàng triệu lượt khách tham quan đền Angkor Wat mỗi năm thì 2/3 số đó là người đến từ các nước lân cận, đặc biệt là người Việt Nam. Anh ví dụ, chỉ trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa rồi của Việt Nam đã có hàng chục ngàn lượt người Việt đến với Campuchia. Anh vừa chia sẻ vừa tự hào về điều đó, bởi theo anh, những người láng giềng cần gần gũi hơn, hiểu biết lẫn nhau hơn, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa và kinh tế.
Hôm tham quan các đền Angkor, một hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi chú tâm giới thiệu khá kỹ cả về sự hình thành, về kiến trúc, về “lịch sử” thăng trầm của cả quần thể các ngôi đền. Đền Angkor là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, nó thể hiện một trình độ sâu sắc về thể tích, không gian và sự tổ hợp kỷ hà. Thời bấy giờ, kỹ thuật, phong cách kiến trúc còn hết sức giới hạn- việc sử dụng đá lại có tính chất như sử dụng gỗ; những kết cấu có hình bán nguyệt và nóc vòm, là những kỹ thuật mà ngày nay chúng ta chưa thể biết- những hiệu quả toàn diện của nó làm cho mọi người trong thế giới hiện đại phải ngạc nhiên và thán phục, với một thời gian xây dựng kỷ lục, chỉ trong vòng 37 năm (1113-1150, dưới thời Suriya-warman II).
Ảnh: Bích Hà |
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những khó khăn, hạn chế của nhiều vùng quê là điều có thật. Những cơn mưa kéo dài trong mấy ngày đã làm cho nhiều khu dân cư, ruộng vườn, cây trái ngập sâu trong nước. Nhiều ngôi nhà sàn cho dù được xây cất khá cao và kiên cố dọc bờ sông Mê Kông nhưng nước vẫn ngập lên đến sàn nhà, còn những ngôi nhà xập xệ hơn thì khỏi nói. Nhiều con đường về vùng nông thôn ngập ngụa trong bùn lầy, người dân vô cùng khó khăn trong vận chuyển, đi lại. Phía sau những con đường phẳng lỳ trải bê tông nhựa có dải phân cách hoa kiểng rực rỡ, xinh đẹp ở những con phố trung tâm từ thành phố Phnom Penh, Siem Reap, Kampong Thom, Kratie, đến Ban Lung, Stung Treng…, những nơi chúng tôi đã có lần đến là những đường phố hẹp, chen chúc những căn nhà “không cấp”, mưa vừa đổ xuống nước đã ngập, tràn cả lên mép sân nhà, rác bẩn túa ra từ các con hẻm tấp cả lên mặt đường.
Buồn hơn thế nữa là hôm chúng tôi có mặt phía bờ bên này của Biển Hồ- Tonle Sap, cho tới thời điểm hiện tại mặt hồ đang trong mùa mưa nên đã đạt gần đến đỉnh điểm- 24 ngàn cây số vuông. Hồ thuộc tỉnh Siem Reap- một địa chỉ du lịch nổi tiếng. Ở đó có nhiều căn nhà nổi, nhà sàn tạm bợ, nhếch nhác; những ngôi nhà sàn ven bờ sau nhiều ngày mưa liên miên nước gần như ngập đến một phần ba, mái và phên lợp che cho có lệ từ những vật liệu dường như không có trong danh mục nào của ngành xây dựng. Một số người dân có lẽ là ngoài việc đánh bắt cá tôm trong hồ còn kiêm thêm “nghề” ăn xin kiếm sống. Cũng như chúng tôi, quá nhiều du khách trên các chuyến đò qua lại trên mặt hồ vô cùng khó chịu trước cảnh người ăn xin là phụ nữ và trẻ em gầy guộc, đen đúa, trên thân chỉ mỗi mảnh vải che ở nơi “khó nhìn” cứ đeo bám khách từ trên bến xuống đến thuyền. Họ nhanh như cắt, thoắt cái từ những chiếc thuyền “lá tre” hoặc cái thau chậu bằng nhôm dùng làm phương tiện như thuyền để di chuyển trên mặt nước, vụt cái họ đã “bay” qua thuyền của du khách khi con thuyền chưa kịp dừng hẳn và nhất quyết “không cho không rời”. Họ dùng khá nhiều ngôn ngữ để “phù hợp” với nhiều đối tượng có tiếng nói khác nhau với một vài cụm từ chỉ về sự “xin/cho”.
Ảnh: Bích Hà |
Ngược dòng Mê Kông từ Phnom Penh, chiều xuống nhanh trong cơn mưa rất to đang ập đến, chúng tôi ghé khách sạn Mekong, thành phố Kratie thuộc tỉnh cùng tên. Trước mặt khách sạn là dòng Mê Kông cuộn chảy, mặt sông có lẽ lên đến vài cây số, phía bờ bên kia, tầm mắt chỉ còn nhận ra những vệt dài xanh sẩm xa tít tắp mù trong mưa. Thế mà ở đó vẫn có những con thuyền gắn máy xuôi ngược chông chênh, chao đảo như những chiếc lá tre trôi trong dòng lũ. Trên bờ là dãy dài theo con phố là một chợ tạm mà theo người trong khách sạn cho biết là nó “ngự” ở đấy là do chợ vừa cháy cách đây chưa lâu, họ phải buôn bán tạm nơi này, chờ khi chợ cũ được xây lại. Đúng là “tạm” theo nghĩa đen của từ này. Chợ vô cùng tạm bợ bởi những chiếc lều, những cái dù, những tấm bạt rách mướp te tua làm “ki-ốt”; hàng hóa chủ yếu là những sản vật địa phương được bày bán cả trên mặt đường với giá cả rất mềm; còn chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm thì xin miễn bàn! Duy chỉ có điều chúng tôi thấy lạ là những người mua bán cứ thầm thì, nhỏ nhẹ, lặng lẽ, chậm rãi, thư thái như chuyện chẳng phải diễn ra ở chợ. Chẳng biết có hiểu mô tê gì sau câu dài bằng tiếng Việt của tôi, cô gái còn khá trẻ- chủ nhân một “sạp” hàng nhoẻn nụ cười thật là… con gái.
Mấy ngày “cưỡi ngựa xem hoa” trên xứ Angkor để lại trong tôi bao điều suy ngẫm buồn vui. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất là cho dù có những thuận lợi, thành tựu, cả khó khăn, bất lợi trong xây dựng và phát triển của đất nước láng giềng này trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi khu vực và thế giới, người dân nơi đây vẫn chung thủy với quốc gia, dân tộc mình, vẫn lặng lẽ cần mẫn chung tay góp sức xây dựng quê hương vượt qua đói nghèo từ những gì mình đang có- tiềm năng!
Bích Hà