Kỳ I. Làm giàu từ những vùng đất nghèo… có tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh cho biết: Đến cuối năm 2010, Gia Lai còn 10,82% hộ nghèo (tiêu chí cũ). Thật đáng mừng, bởi trước đó, năm 2005, con số này là 29,82%. Nếu nói đến thời xa hơn, những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì những con số làm ta không chỉ buồn mà xót xa vô cùng-gần như cả tỉnh, hộ giàu và khá giả đếm được cũng chỉ là hàng… trăm!

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Chiến tranh đi qua, loại giặc ngoại bang chúng ta đã quét sạch, nhưng cùng “giặc” dốt, “giặc” đói là cái mà có thể nói hậu quả của nó để lại cho vùng cực Bắc Tây Nguyên-Gia Lai này không thể một sớm một chiều là giải quyết xong. Thời ấy, không dưới 90% nông dân trong tỉnh thiếu ăn, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn đói kinh niên và kéo dài cho đến những thập niên tiếp theo. Thủ phạm gây ra sự nghèo đói không ai khác là chiến tranh. Vùng tạm chiếm thì bị Mỹ-ngụy kìm kẹp, lập ấp chiến lược, càn quét, đàn áp, vơ vét của cải và bắt bớ thanh-thiếu niên đi lính cho chúng, nơi đô thị thì biến thành những chốn trụy lạc, những đồn bót, những địa bàn phục vụ cho chiến tranh xâm lược. Còn vùng giải phóng và căn cứ của cách mạng thì nhân tài vật lực cũng được huy động cho công cuộc giải phóng đất nước và ở đấy ngày đêm Mỹ-ngụy ném bom, đánh phá, rải cả các chất diệt cỏ khai hoang… Vì thế cho nên sau ngày giải phóng sự đói nghèo ập xuống người dân là điều dễ hiểu và  cũng có thể nói là tất yếu của thời hậu chiến mà không chỉ ở ta mới có. Nhắc lại câu chuyện cũ để thấy sự vươn lên của vùng đất này chỉ sau vài thập niên kể từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước lại đây.


Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Cho đến bây giờ, một trong những người có thể nói khá gần gũi với nông thôn, nông dân, với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hay đi, hay nhìn, hay hỏi những điều mình chưa hiểu, tôi thấy thật sự vui. Có ai được chứng kiến những gì ở vùng đất này ngay từ sau ngày giải phóng và đem so sánh với bây giờ, thì mới thấu được niềm vui. Công trình thủy nông lớn vào bậc nhất Tây Nguyên-Ayun Hạ đưa vào khai thác sau nhiều năm được Nhà nước đầu tư xây dựng, mở ra cho một trong những vùng nghèo đói, khô khát phía Đông Nam tỉnh những cánh đồng phù sa bát ngát lên đến hơn một vạn ha. Ở đó, bà con người Kinh cũng như Jrai, Bahnar đã vẽ nên bức tranh làng quê trù phú, yên bình. Hàng ngàn hộ sở hữu cho gia đình mình những cánh đồng đem lại năng suất lúa lên đến hàng 5, 7 tấn, thậm chí hàng chục tấn cho mỗi vụ/ha và trong số đó không ít hộ là người Jrai, Bahnar- mà thói quen trước đó bao đời với lối canh tác giản đơn, độc canh cây lúa rẫy một vụ trong năm. Ở đấy-vùng đất một thời được mệnh danh là chảo lửa, là vùng đất khát, là sự đói nghèo “có tiếng”, giờ đây sự đói đã được đẩy lùi từ lâu, cái giàu lên ngôi cũng đã từ lâu!


Còn với bao vùng quê khác, kể cả những vùng mà trước đây trong chiến tranh giặc tàn phá đến cạn kiệt nguồn sống của người dân; dọc các xã vùng biên giới trên 90 km giáp với phía Rattanakiri-Campuchia là một đơn cử. Nhưng những năm lại đây, đặc biệt bây giờ có dịp trở lại, chứng kiến những gì ở vùng đất này đang có, chúng ta không khỏi khấp khởi vui mừng. Khoảng gần 150.000 ha cây công nghiệp dài ngày các loại mà hiện Gia Lai đang có, thì 3 huyện biên giới này (Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông) sở hữu không dưới 2/3. Nơi đây có những doanh nghiệp có trong tay hàng vạn ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh và vẫn đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Theo đó, từ cách làm ăn còn ở thời tự cung tự cấp, hàng vạn người lao động Jrai đã trở thành công nhân, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sở hữu cho mình hàng chục ha mỗi hộ các loại cây trồng có giá trị như cao su, tiêu, cà phê… Họ đã biết làm chủ thật sự trên mảnh đất của mình và cật lực lao động đem lại sự giàu có cho chính gia đình, bản thân mình…

Những cơn mưa đầu mùa của Tây Nguyên mới đây đã phủ một màu xanh ngút ngàn cho vùng đất biên cương vừa qua hơn 6 tháng nắng. Màu xanh ấy là của cao su, của cà phê, của những vườn tiêu đang thời sung sức… cứ như tầm mắt mình bị thôi miên vào cả một miền xanh vô cùng tận! Riêng với Chư Prông, như đã có lần tôi viết và dẫn lời của Chủ tịch UBND huyện, rồi đây, không lâu nữa huyện này sẽ vươn lên làm “á hậu” của Gia Lai, chứ không còn là Chư Sê- nơi đã giữ “vương miện” này mười mấy năm qua.
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Lãnh đạo huyện Chư Sê thì cho rằng, chẳng lẽ bà con nơi vùng “đất hứa” của họ vốn đã qua rồi một thời khốn khó, chỉ ngồi đợi “người anh em” liền kề qua mặt sao? Một câu hỏi mà theo tôi cả “hai người anh em này” đều phải trả lời. Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có “sách” riêng của mình cho việc xóa nghèo và hướng tới làm giàu. Chư Prông khẳng định vị trí của họ từ sự đầu tư của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển trên 2 vạn ha cao su trồng mới để nâng tổng diện tích lên con số… 30 ngàn; và nữa, gần 10.000 ha cây trồng sẽ được hưởng lợi từ nguồn nước hồ chứa Ia Mơr đang được đầu tư với nhiều ngàn tỷ đồng sẽ đưa vào khai thác trong nửa đầu thập kỷ này. Chư Sê lại đi con đường khác, cùng với giữ ổn định diện tích các loại cây trồng chất lượng cao hiện có thì đầu tư vào chiều sâu, đấy là lợi thế mà ít nơi có được-sự “quen tay, hay làm”, những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hàng thập kỷ qua trong phát triển kinh tế hộ, kinh tế tiểu điền với những loại cây trồng giá trị hàng hóa rất cao- cao su, cà phê và đặc biệt là hồ tiêu, loại cây mà hiện Chư Sê đang chiếm trên phân nửa diện tích của toàn tỉnh, năng suất lại đứng hàng số một trong vùng, mỗi năm cho sản lượng gần 1,5 vạn tấn. Cùng với đó là từ lợi thế về giao thông, địa lý, hạ tầng sản xuất và xã hội…
Chư Sê đặt vấn đề ưu tiên cho quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông- lâm sản và dịch vụ, thương mại. Dựa vào sơ đồ phát triển này mà lãnh đạo huyện Chư Sê khẳng định nơi họ không thể để tuột tay cái “vương miện á hậu” được, cho dù người láng giềng Chư Prông luôn ấp ủ và mong muốn giành nó về phía mình!

Trở lại vùng đất của cái nôi các loại cây công nghiệp ngắn ngày, đặc biệt là cây mía, cây mì, cây bắp lai và cây bông vải… Chưa tính đến các huyện phía Nam, vùng phía Đông tỉnh này có gần 2 vạn ha cây mía, trên 1 vạn ha cây mì. Những loại cây này đã vực dậy một vùng đất nghèo, tạo ra cơm no áo ấm cho hàng chục vạn người. Những Kông Chro, Đak Pơ, Kbang thoát đói đã từ những năm cuối thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, một An Khê chỉ còn vài phần trăm hộ nghèo. Ở những nơi ấy, giờ trở thành một diện mạo khác hẳn của một thời chiến tranh khốc liệt, nơi mà Mỹ chọn đặt căn cứ của một sư đoàn không vận, có tầm chống phá cách mạng khét tiếng trên vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Và vì thế mà vùng này đã trở thành một chiến trường ác liệt, sự tàn phá của chiến tranh để lại không dễ khắc phục ngày một ngày hai. Vượt lên những hậu quả nặng nề ấy, người dân ở xứ Thượng đạo của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung- Nguyễn Huệ, đã làm nên những kỳ tích trong xây dựng hòa bình, đặc biệt là chống đói nghèo-loại giặc thời hậu chiến!

Bức tranh toàn cảnh của công cuộc giải phóng đói nghèo mà người dân Gia Lai làm nên thể hiện bản chất của chế độ, chế độ mà mục tiêu luôn hướng đến dân giàu, làm cho dân giàu thì nước mới mạnh và hòa bình, độc lập mới có ý nghĩa đích thực. Những con số nói ở phần đầu chứng minh cho điều đó- từ một Gia Lai ra khỏi chiến tranh với một nền kinh tế tự cung tự cấp, đói nghèo đeo bám, cộng một thời dai dẳng đeo đẳng với những cơ chế chính sách quan liêu bao cấp đã bó buộc những tiềm năng mà lẽ ra nó được khai thác từ lâu, để cho những vùng đất nghèo… nổi tiếng trở thành một bộ mặt Gia Lai ngày nay sớm hơn!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm