(GLO)- Từ sau ngày giải phóng (3-1975), tình hình phát triển kinh tế, ổn định xã hội của Gia Lai được các cấp ủy và chính quyền rất quan tâm, gần như dốc toàn tâm, toàn lực cho việc khắc phục hậu quả nặng nề do chế độ cũ để lại nào đói, đau, bệnh tật và thất học mù chữ... Thế nhưng, bọn phản động FULRO và một số phần tử trong chế độ cũ không chịu cải tạo, ăn năn hối cải để thành người lương thiện như chính sách khoan hồng của Cách mạng mà bọn chúng ra sức chống phá chính quyền, chống lại sự hồi sinh, sự an bình hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy buộc chính quyền cách mạng phải ra tay tiêu diệt chúng tận gốc. Để làm điều đó, chủ trương của tỉnh Gia Lai là tăng cường lực lượng vũ trang để trấn áp chúng đồng thời cử nhiều cán bộ dân sự cắm xuống cơ sở làm hậu thuẫn cho nhân dân đấu tranh bóc gỡ các tổ chức phản động này...
Hồi đó chúng tôi tập hợp thành từng nhóm để thỉnh thoảng ngày nghỉ đi, về cho có bầu có bạn. Chỉ với một quãng đường chưa đầy hai mươi cây số, mà bằng phương tiện chủ yếu là những chiếc xe đạp cà tàng và con đường mưa ngập bùn, nắng ngập bụi nên luôn cảm thấy vời vợi… ấy là tỉnh lộ 664 bây giờ, nối giữa TP. Pleiku với thị trấn Ia Kha của Chư Pah thời đó.
Thị trấn Ia Kha hôm nay. Ảnh: Đức Thụy |
Thời đó, thời mà Ia Grai còn bao gồm gần như cả ba huyện ngày nay: Ia Grai, Đức Cơ và Chư Pah. Còn mang máng nhớ, hình như diện tích tự nhiên đâu chừng 240.000 ha thì phải, đơn vị hành chính cấp xã con số cũng đâu ngần ấy, nó bao bọc từ cửa khẩu biên giới Đức Cơ theo đường 19 đến giáp Hàm Rồng, vòng Tây Pleiku, ngoặt qua phía Bắc và Đông Bắc cho đến giáp Kon Tum ngày nay.
Tính ra Ia Grai (Chư Pah) là một trong những huyện to, rộng, dài đứng vào hàng nhì, ba so các huyện trong tỉnh khi ấy. Đất rộng, người chưa nhiều, những năm hậu chiến tranh huyện còn quá nghèo, kinh tế chưa có gì đáng để nói ngoài tình trạng du canh du cư trong đồng bào Jrai và một bộ phận bà con phía Bắc với một ít đồng bào các tỉnh miền Trung đi “kinh tế mới”, đói đau, thất học là chuyện “thường ngày” bàn đến của những người lãnh đạo bấy giờ. Hơn thế, an ninh chính trị vô cùng phức tạp, bọn FULRO nổi lên chống phá khắp nơi…
Cũng là câu chuyện cũ mà người viết xin mạn phép nhắc lại đôi điều để nói đến chuyện liên quan sự có mặt của anh em chúng tôi trên vùng đất này thuở ấy. Nếu là người một thời trong cuộc, chắc hẳn chúng ta còn nhớ về một sự kiện-Nghị quyết 5/85 của Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, không còn nhớ số mấy, chúng tôi gọi đích danh thời điểm nó ra đời là vậy. Và vì vậy mà anh em chúng tôi, những người đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành của tỉnh, có người chỉ là nhân viên, nhưng cũng có người đã là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tùy theo chức trách của mỗi người mà khi về với Chư Pah đảm đương một công việc thích hợp, nhưng chủ yếu là xuống xã, về làng; biết bao khó khổ nhưng vẫn vui vẻ lên đường theo tiếng gọi của 5/85...
Đợt đầu, trước đó ít tháng, cuối năm 1984, đã có đâu vài ba chục người xách ba lô ra đi; rầm rộ sau đấy là nhiều chục người khác tiếp tục bổ sung. Tiếp theo những năm sau nữa, Ia Grai liên tục nhận được “viện trợ” người từ tỉnh, đây là một trong những huyện được tỉnh ưu ái vào bậc nhất về chuyện bổ sung nhân lực từ trên xuống. Bây giờ, với sáng kiến của những người đi trước, hàng năm các thế hệ chúng tôi có cuộc gặp nhau vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng bộ huyện. Ở “diễn đàn” này mỗi khi, bao câu chuyện một thời cứ ùa về…
Anh Võ Đình Cường-một trong số những cán bộ nối tiếp theo tiếng gọi 5/85, giờ được mọi người tín nhiệm giao đảm đương công việc làm đầu mối của cả “hội” Chư Pah-Ia Grai đang làm việc và sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku. Hàng năm, chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau, là nhờ công anh “hội trưởng” Cường. Trải qua nhiều công việc, cho đến công việc cuối cùng của anh trước khi rời công sở là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Bí thư Thành ủy Pleiku.
Anh Phạm Đình Thu là người ít khi vắng mặt trong những lần họp “hội” nói trên, cho dù công việc vô cùng bận rộn với chức danh “to nhất trong số anh em chúng tôi” hiện nay, tuy không phải theo diện 5/85, nhưng anh là nhân vật cộng đồng trách nhiệm ngày ấy, như là người đi trước, nói vậy bởi lẽ, học xong ở một trường ngoài Khu 5, anh về nhận việc ở đấy từ rất lâu rồi, còn chúng tôi là những “tân binh”, chân ướt chân ráo, dĩ nhiên phải nhờ đến “lính buổi mai”, và cũng như bao lính “buổi mai” khác, anh dành cho chúng tôi nhiều điều chỉ dẫn… Và giờ anh đương nhiệm, làm sếp của chúng tôi, gánh vác nhiệm vụ vừa bên cấp ủy-Phó Bí thư Thường trực, bên Hội đồng Nhân dân tỉnh là Chủ tịch. Công việc là thế, nhưng trông anh vẫn như con người của thuở nào, nhanh nhạy, xông xáo, trách nhiệm, gần gũi…
Một lần tôi tháp tùng cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu về một xã mới chia tách mà gặp bao điều khó khăn của Chư Pah bây giờ-Ia Dreng. Thiếu đất sản xuất nghiêm trọng sau khi di dời tái định cư để nhường ruộng rẫy cho dòng sáng chung mà bà con nhiều làng ở đấy đành bó tay cam chịu cảnh nghèo. Phá rừng làm rẫy thì vi phạm pháp luật, trở về làng cũ thì đất đai chẳng còn mấy, phần lớn đã chìm trong biển nước. Vượt sông khai phá đất xưa của ông bà để lại, thì trở ngại bao điều, trong đó có điều mà bà con chưa ý thức được, bởi nó giờ là của người khác, vì theo địa giới hành chính mới, chứ có phải đâu như ngày trước, rừng núi bao la, sông suối bồi đắp phù sa, dân ta muốn khai phá cỡ nào cũng được, và từ đó cây bắp, hạt lúa nhiều đến mức chim chóc, sóc chuột chẳng thèm ngó đến…
Thế mà chỉ sau một ngày tìm hiểu sự tình, làm việc với huyện, xã, anh đã đem lại niềm vui cho bà con nơi đây! Nói với chúng tôi, anh thấy mình như người có lỗi, rằng bà con ở đây là những người đã từng một thời dốc hết nhân lực của cải cho cách mạng, là căn cứ của những đơn vị chủ lực, là một mắt xích của hành lang vận tải lương thảo, thuốc men từ Bắc vào Nam, là chỗ dựa vững chắc của các đội công tác địa phương. Giờ chúng ta sao để bà con đói khổ, ốm đau, thất học được…
Thu hoạch tiêu |
Hồi những năm thực thi Nghị quyết 5/85, cũng một lần người viết bài này theo chân Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Chư Pah-Hoàng Lê, cũng là người đi theo tiếng gọi 5/85 cùng thời với chúng tôi, về Ia Dreng bây giờ. Mấy đêm thức trắng bên những ché rượu cần cùng bà con, Bí thư Huyện ủy Hoàng Lê không cầm được nước mắt khi nghe những câu chuyện buồn từ sau ngày giải phóng mà các già làng kể lại. Không đói cơm, nhưng bao điều thiếu thốn khác như là muối, thuốc chữa bệnh, chuyện học hành của con trẻ, rồi đời sống tinh thần… Là khi ấy chưa có con đường cho ra đường theo nghĩa của nó, bà con của 3 làng (Tip 1, 2 và Tut) ở đấy gần như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, những người mà bà con có thể tiếp xúc, chủ yếu là các thợ rừng-công nhân của một doanh nghiệp làm gỗ. Để đến được với bà con nơi đây, chúng tôi lúc bấy giờ phải nhờ đến một loại phương tiện gọi là… xe Bò vàng.
Có dịp chúng tôi hỏi thăm các anh chị ở Chư Pah thì được biết Ia Dreng giờ đã khá lắm rồi. Đúng vậy, cách nay chưa lâu, trên đường đi vì một công việc khác, tôi ngang qua một làng dọc bên con đường nhựa phẳng phiu, tận mắt thấy cảnh và người ở đây, tôi tin lời của các anh chị có lần chia sẻ-Ia Dreng giờ đã khá lắm rồi!
Vui thay với Ia Grai đang tiến đến tuổi sáu mươi với hành trình của một Đảng bộ có bề dày lịch sử đáng trân trọng, mà làm nên nó bởi những người con, người đảng viên lớp 5/85 có một phần đóng góp không nhỏ!
Bích Hà