Kỳ I: Ngược về quá khứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những nơi sinh sau đẻ muộn trên bản đồ hành chính của Gia Lai nhưng miền đất này đã ghi bao kỳ tích của một thời quá khứ. Một quá khứ để lại cho chúng ta niềm tự hào và trân trọng biết bao, cho dù phía trước còn nhiều trăn trở khi bước vào tuổi lên mười...
 

Ảnh: Đức Thụy

Nằm gần như trọn trong thung lũng tiếp nối giữa vùng bình địa An Khê với cao nguyên Pleiku, Đak Pơ có diện tích tự nhiên gần 50 ngàn ha, kéo dài dọc theo quốc lộ 19 nối Bình Định qua An Khê đến Đak Pơ với phía Tây Trường Sơn cho đến vùng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào. Dân số trên 40 ngàn người với 8 đơn vị hành chính cấp xã. Sau 10 năm tách ra từ An Khê để thành lập huyện, có thể nói Đak Pơ chưa thoát ra được nghèo khó và khó xác định một cơ cấu kinh tế để đi lên theo hướng lâu dài, bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trung Tâm cách đây đã hơn 5 năm, anh cho rằng không phải không có lối thoát, nhưng trước mắt thì vẫn còn quá nhiều khó khăn, nhất là việc kêu gọi đầu tư và đầu tư từ nguồn xã hội, nội lực, mà không đầu tư thì khó có thể phát triển. Điều ấy bây giờ gần như vẫn còn nguyên giá trị. Nằm dọc theo quốc lộ 19, giao thông thuận lợi, tuy nhiên nhiều xã gần như phần rẻo, phần khó khăn của các huyện chung quanh để lại, nhất là các xã nằm về ngoại vi An Khê và phía Bắc Kông Chro, Nam của Kbang. Nói là vậy, nhưng sau 10 năm xây dựng, Đak Pơ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Nhìn về quá khứ thì Đak Pơ có một bề dày về lịch sử đáng trân trọng. Nằm trong vùng phát triển của An Khê vào những năm đầu của thế kỷ XVII, An Khê (bao gồm cả các huyện, thị phía Đông Gia Lai bây giờ) là nơi hội tụ nhiều thành phần dân cư, nhất là cư dân từ phía Bắc, những người Kinh được coi là “tù binh” của chúa Nguyễn bị đày đến đây nhằm khai phá đất hoang, mở mang bờ cõi và một bộ phận khác từ miền Trung Trung bộ dạt lên tìm kế sinh nhai và từ đấy vùng đất màu mỡ, hoang sơ này lần lượt được khai khẩn, mở ra một vùng rộng lớn.

Đặc biệt là từ khi ba anh em nhà Nguyễn Huệ chọn vùng đất này để lập cơ đồ thì nó trở nên một trung tâm mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa vùng Tây Trường Sơn với các tỉnh Duyên hải miền Trung. Cộng đồng các dân tộc thiểu số, vốn trước đó còn gần như chìm trong lạc hậu của thời kỳ sơ khai, giờ cũng đã có những bước phát triển nhất định, nhiều người, nhiều làng quanh vùng đã bắt tay hợp tác cùng anh em nhà Tây Sơn làm nên nghiệp lớn, như việc khai khẩn đất đai, lập vườn trồng cây trái, xây dựng trang trại trồng lương thực, chăn nuôi, săn bắt, thuần dưỡng ngựa, voi... cung cấp cho nghĩa quân Tây Sơn.

 

Ảnh: Đức Thụy

Đến thời kỳ Pháp thuộc, bình nguyên An Khê lại trở nên một vùng đất màu mỡ cho kẻ xâm lược bởi nó là cửa ngõ của cả cao nguyên Trung phần mà ở đó, theo các nhà nghiên cứu thì ai làm chủ được vùng đất này là “làm chủ” cả Đông Dương. Hết tách rồi lại nhập, cộng đồng An Khê khi thì thuộc Kon Tum, lúc lại thuộc Pleiku, rồi Bình Định. Người dân chung cảnh ngộ của cả nước, bị đày đọa, bóc lột thậm tệ, siêu cao thuế nặng, nhiều làng xóm, thôn ấp không ít người dân chết đói.    

Cho đến những năm cuối của thập niên 40 thế kỷ XX, khi mà chi bộ Đảng Cộng sản ở An Khê xuất hiện, tình hình có những bước thay đổi, nhưng vẫn là người dân bị đày đọa, bất công, sự miệt thị, chia rẽ Kinh-Thượng mà bọn thực dân và tay sai ngấm ngầm xuyên tạc, kích động, làm cho một bộ phận đồng bào Kinh cũng như Thượng nghi kỵ, thiếu lòng tin lẫn nhau.

Khắc phục điều này, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con thấu hiểu âm mưu thâm độc của giặc và chính sách của cách mạng. Lịch sử Đảng bộ An Khê có ghi: “Chính quyền cách mạng đã kịp thời ban bố quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; quyền bình đẳng các dân tộc; bình đẳng nam nữ; thực hiện chia lại công điền ở những nơi có ruộng... xóa bỏ chế độ thuế thân, đi siêu, đi phu do chế độ cũ đặt ra; xóa bỏ tục danh “Mọi”, nghiêm cấm các hành vi khinh miệt, kỳ thị dân tộc... Việc xóa bỏ chế độ thuế thân, đi xâu, đi phu cũng tức là xóa bỏ được cái ách nô dịch, bóc lột kiểu thời trung cổ của bọn đế quốc đối với đồng bào các dân tộc thiểu số”-(Lịch sử Đảng bộ huyện An Khê, trang 65-NXB CT QG, 1993).

 

Huyện Đak Pơ được thành lập ngày 9-12-2003 theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ huyện An Khê để An Khê nâng lên thành thị xã trực thuộc tỉnh. Phía Đông giáp thị xã An Khê và tỉnh Bình Định, phía Tây giáp huyện Mang Yang, phía Nam giáp huyện Kông Chro, phía Bắc giáp huyện Kbang (Gia Lai). Có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Đak Pơ, Phú An, Tân An, Cư An, Ya Hội, Yang Bắc, An Thành và Hà Tam. Diện tích tự nhiên 49.961,50 ha, dân số trên 40 ngàn người. Trung tâm hành chính của huyện đóng tại xã Đak Pơ. Có quốc lộ 19 đi qua, là tuyến giao thông huyết mạch nối liền vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, sang tận Campuchia.

Đak Pơ là một phần của Tây Sơn Thượng đạo, một trong những nơi vua Quang Trung rèn quân khởi nghiệp.

Đak Pơ trong cộng đồng “vùng An Khê” qua mọi thời kỳ đều có những dấu ấn nhất định. Sau sự kiện Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được bao lâu, Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” của Đảng đã đến với người dân trong vùng. Mọi người, mọi nhà lại dồn sức cho việc chuẩn bị một cuộc trường kỳ kháng chiến mới. Nói là “mới”, nhưng kẻ thù vẫn là chúng-giặc Pháp.

Cho đến bây giờ, khi chúng ta ngẫm lại, một thời gian khó, một thời oanh liệt mà với sự tập hợp bà con dân làng, Kinh cũng như Thượng của những người cộng sản cho dù khi ấy chỉ mấy đảng viên đếm chưa hết trên đầu ngón tay, mà đã làm nên những kỳ tích-đoàn kết Kinh-Thượng, với chí lớn là kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Nhiều sách sử còn ghi, khi mà thư Bác Hồ gởi cho Đại hội đoàn kết đánh Pháp của các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức trọng thể tại Pleiku ngày 19-4-1946, thì đó như là một lời hịch, một luồn gió mới thổi vào tâm hồn vốn vô tư trong sáng và yêu nước, yêu quê hương và yêu cách mạng của bà con Bahnar cũng như người Kinh, nơi mà vừa chưa lâu đã trải qua những đau thương, mất mát và được cách mạng giải thoát.

Và, cho dù đường sá cách trở với bao khó khăn của thời ấy, nhưng khi những đại biểu của vùng An Khê từ Đại hội trở về mang theo những lời dạy bảo của Bác Hồ, đã nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi. Thư của Bác gởi cho đồng bào thông qua Đại hội đã được chi bộ, chính quyền và Mặt trận ở cơ sở tập hợp bà con phổ biến, biến những điều thư Bác nói thành hành động, kết đoàn với tâm nguyện cùng nhau đánh đuổi giặc Pháp...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm