Kỳ III: Nghĩa tình sâu nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến thắng Đak Pơ đã ghi một dấu son vào trang sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, ai cũng biết có trận đánh nào mà người chiến thắng chỉ có niềm vui, cho nên cũng từ trận này để lại một nỗi đau cho gia đình, người thân và đồng đội của 147 liệt sĩ mà cho tới ngày nay, gần 60 năm trôi qua mà những người trong cuộc, các thế hệ nối tiếp vẫn chưa tìm được nơi các anh nằm lại...

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Từ một gợi ý của tân Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Trần Hữu Đức, vào một ngày thượng tuần tháng 9 năm nay, tôi và nhà báo Văn Công Hùng đã có mặt ở Đak Pơ để rồi sau đó, một bài viết của anh đã được báo Gia Lai điện tử đăng tải, như “một phác thảo” về những ước nguyện của huyện trẻ này và bao đồng đội cùng thời năm xưa là làm gì và làm sao đây để tìm đưa hài cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ chu toàn, hoặc có thể là về với quê hương bản quán của họ. Đồng thời tại nơi này cũng cần có một chỗ cho xứng tầm hơn để làm nơi thờ phụng hương hồn các anh.
 

Trao đổi với chúng tôi mới đây, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ Trần Hữu Đức, cho hay là huyện đã chính thức có văn bản đề nghị với Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh cho chủ trương để huyện tiến hành các thủ tục cần thiết xây dựng Nhà tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đak Pơ. Về kinh phí để thực hiện, huyện kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài tỉnh, đồng thời với đó là sự đóng góp một phần của bà con các dân tộc trong huyện.

Một câu hỏi luôn làm người viết bài này đau nhói nơi lồng ngực, khi mà tại sao cuộc chiến đã lùi xa vào quá khứ, bao đồng đội, đồng chí ngã xuống trên nhiều chiến trường trong và ngoài nước đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành tìm kiếm, cất bốc, quy tập mà với những người nằm xuống trong trận đánh với chiến thắng vang dội như Đak Pơ lại còn đó nỗi đau vì nơi các anh nằm chưa tìm được.

Theo một số thông tin mà các báo đã đưa, thì hồi năm ngoái, từ các cựu chiến binh Trung đoàn 96 khi trở lại nơi này thì, “Cựu chiến binh Trương Quang Quyền, thuộc Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 96 tại Hà Nội (đơn vị đánh trận Đak Pơ) đã đến Báo Quân Đội Nhân Dân thông báo, Huyện ủy, UBND huyện Đak Pơ phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 bước đầu xác định được khu vực chôn cất hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đak Pơ ngày 24-6-1954, tại khu vực phía Tây hồ Ktung, thuộc xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Địa điểm cách đường Trường Sơn Đông khoảng 150 mét, nằm phía bên trái đường bê tông xuống hồ Ktung 10 mét. Đây cũng chính là khu vực Trạm phẫu của Trung đoàn 96 và cũng là nơi chôn cất các liệt sĩ” (Báo Quân đội Nhân Dân ngày 25-6-2012).

Lẽ ra đã cần có một sự chỉ đạo, hướng dẫn từ các ngành chức năng trong việc xác minh, thẩm định (được biết, năm 2011, huyện Đak Pơ đã có một hội thảo về việc này) để rồi có chủ trương cho việc tiến hành khai quật, cất bốc để đưa hài cốt các anh về một nơi an nghỉ cho linh hồn các anh được siêu thoát mà lòng người còn sống, gia đình, thân nhân và đồng đội của các anh vợi đi phần nào nỗi đau mất mát quá lớn qua hàng mấy chục năm đằng đẵng.

Nói với chúng tôi, ông Lê Thành Đồng, hiện đang sống ở Đồng Nai cho biết: “Tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn 40, thuộc Trung đoàn 96, trực tiếp tham gia đánh trận Đak Pơ, đồng đội của tôi đã ngã xuống 59 năm nay chưa tìm được hài cốt. Tôi kính mong Huyện ủy Đak Pơ tìm kiếm quy tập sớm 147 đồng đội của tôi, để cho khi an nghỉ chúng tôi mới an lòng. Việc nữa, đề nghị huyện Đak Pơ kêu gọi xây dựng khang trang ngôi đền tưởng niệm để tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ như nhà báo Văn Công Hùng đã viết (báo Gia Lai điện tử, ngày 10-9-2013).

Tượng đài hiện nay thật quá xuống cấp và quá nhỏ nhoi và cũng chưa thấy giống cái hình thù nào, chưa có chút trang nghiêm nào cả. Khi vào nhà Bia thắp hương thấy quá lạnh lẽo, bò thì thả rông (trong khuôn viên Tượng đài-N.V), không ai trông coi. Tha thiết đề nghị mấy anh lãnh đạo huyện quan tâm một chút đừng bỏ mặc cho trời đất nữa... làm chúng tôi đau buồn lắm, cảm ơn!”. Có đau xé lòng không khi chúng ta đọc những dòng này của một người lính già đã gần đất xa trời, một thời cầm súng, hiến dâng sức trai trẻ cho Tổ quốc, là đồng đội của các liệt sĩ đã ngã xuống nơi chiến trận Đak Pơ này?

Cũng vậy, người dân Đak Pơ, ngày ngày qua lại nơi Tượng đài chiến thắng của quê mình, không mấy ai chẳng gởi vào đó, có thể là nơi linh hồn của các liệt sĩ trong ấy một lời cầu mong, mơ ước nào đó, và cũng có thể những lời trách móc đến những người có trách nhiệm về những điều liên quan đến sự sẻ chia, chăm sóc hương hồn các liệt sĩ đang nằm đâu đây, nơi mảnh đất tuy nghèo mà con người  luôn thủy chung, son sắt, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, đặc biệt là với những người đã khuất mà sự ra đi của họ đem lại sự bình yên no ấm cho mọi người, mọi thế hệ cho hôm nay và cả cho mai sau...

Mười năm rồi kể từ ngày chia tách, thành lập huyện nhà, những người con của Đak Pơ tự hào mang trong mình bao chiến công hiển hách của một thời khói lửa đạn bom, mà đặc biệt hơn cả là “thay mặt” cho con dân Tây Nguyên ghi những nét son vào trang vàng lịch sử chống giặc ngoại xâm, cứu nước của dân tộc từ trận thắng vang dội Đak Pơ. Dẫu phía trước còn không ít khó khăn, gian khổ trên con đường hướng tới bằng chị bằng em trong thời hội nhập để phát triển này, nhưng với nghĩa tình sâu nặng đối quá khứ, chắc chắn những ước mơ như bác cựu chiến binh già Lê Thành Đồng sẽ được quan tâm đáp ứng!

 

“...Đánh và tiêu diệt gọn binh đoàn cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về.

Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề.

Chúng ta tự hào với chiến thắng đã giành được lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ, càng biết ơn sự hy sinh đóng góp của đồng bào để có được ngày nay...”-(Ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến thắng Đak Pơ).

“Ước mơ sao cho mấy anh, mấy chú ở huyện Đak Pơ xây dựng tượng đài để thờ cúng 147 anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 96 anh hùng của chúng ta. Rất thiết tha kêu gọi lòng thành tâm được xin gửi đến các nhà lãnh đạo huyện Đak Pơ, để hàng năm vào ngày 24-6 đồng đội chúng tôi nếu ai còn thì cố gắng đến thắp nhang cho liệt sĩ, sợ tuổi già sức yếu ra đi sớm chưa nhìn thấy được nơi thờ các đồng đội của chúng tôi đã hy sinh vì Tổ quốc...”
-(Quang Hiệp-cựu chiến binh Trung đoàn 96).

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm