Thời sự - Bình luận

Kỷ luật trên cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11.7 khiến 2 người chết và 10 người bị thương làm dư luận không khỏi bị sốc. Sốc vì nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn!
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh CTV/TNO

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh CTV/TNO

Chỉ vì va chạm nhẹ, 2 tài xế dừng xe giữa cao tốc để tranh cãi, rồi một xe thứ ba tông vào.Có lẽ, khó ai tưởng tượng nổi tại sao trên cao tốc, vốn có phương tiện di chuyển ở tốc độ cao mà có thể dừng lại để tranh cãi... rồi dẫn đến tai nạn thương tâm.

Trước hết, chúng ta cần nhớ hành động gây cản trở giao thông luôn ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm trên mọi cung đường. Trong bối cảnh VN đang ngày càng có nhiều tuyến cao tốc thì những hành vi này lại càng nguy hiểm hơn. Bởi với những tuyến đường có lưu lượng xe nhiều, di chuyển tốc độ cao thì người điều khiển phương tiện sẽ bị hạn chế về khả năng xử lý nếu xảy ra tình huống bất ngờ.

Thời gian qua, dư luận cũng đã không ít lần ngao ngán với những hành vi như dừng xe giữa cao tốc để chụp hình, ăn uống, rồi chỉ vì những va chạm hay tranh chấp không nghiêm trọng nhưng các tài xế sẵn sàng "ăn thua đủ", thậm chí lạng lách chèn ép nhau... Hay cũng từng có không ít tài xế lấn làn sai phép, chạy ngược chiều, lùi xe trên cao tốc…

Trên thực tế, pháp luật đã có đầy đủ các quy định, hướng dẫn xử lý những hành vi nói trên và nhiều vụ vi phạm đã bị xử phạt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài xế thiếu ý thức, coi thường các quy định về lưu thông trên cao tốc và hậu quả mới nhất là vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như chúng ta đã thấy.

Bên cạnh đó, còn một thực tế khác là rất nhiều vụ vi phạm chỉ bị xử lý sau khi cộng đồng mạng, dư luận và các cơ quan truyền thông phản ánh. Cụ thể hơn, phải sau khi xuất hiện thông tin trên mạng hay báo chí thì cơ quan chức năng liên quan mới tiến hành xác minh thông qua hệ thống camera. Lẽ ra, những sai phạm như vậy phải được lực lượng hữu trách chủ động phát hiện và xử lý triệt để ngay sau khi xảy ra hoặc khi vừa xuất hiện nguy cơ chứ không phải chờ đến lúc có phản ánh. Với công nghệ giám sát hiện nay, việc kịp thời xử lý những vi phạm là hoàn toàn khả thi. Vậy nên, dư luận không thể không đặt vấn đề phải chăng công tác kiểm soát trật tự an toàn giao thông vẫn còn lơi lỏng?

Từ thực trạng đó, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm soát, thậm chí có thể điều động những nhóm chuyên trách để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi sai phạm trên các tuyến cao tốc bởi rủi ro tai nạn trên các tuyến đường này rất lớn nếu xảy ra tình trạng gây cản trở giao thông. Kèm theo đó là áp dụng những biện pháp, cách thức để xử lý nhanh, giải quyết nóng các vấn đề trên cao tốc, đồng thời nên tăng mức xử phạt đối với những hành vi gây cản trở giao thông nhằm tăng tính răn đe. Tất nhiên, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện lưu thông trên cao tốc cũng cần được tăng cường. Có như thế, chúng ta mới có thể nâng cao kỷ luật giao thông khi VN ngày càng có nhiều tuyến cao tốc hơn.

Có thể bạn quan tâm