Điểm đến Gia Lai

Kỷ niệm với Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 1971, lần đầu tiên tôi nghe đến địa danh Mỹ Thạch. Ấy là đơn vị tôi có một tổ đi công tác, do anh Ba Châu-Huyện đội phó K.8 dẫn đầu. Các anh tham gia chuyến công tác ấy đã hy sinh vì rơi vào ổ phục kích của địch khi vượt đường 14 ở ngã ba Mỹ Thạch. Hồi đó, ngã ba Mỹ Thạch với tôi rất xa lạ, chỉ biết đấy là nơi giáp ranh giữa khu 5 và khu 6, vùng chiến sự thường xuyên xảy ra rất ác liệt giữa ta và địch.
Rồi một lần nữa, tôi lại được tháp tùng chú Năm Vinh (Võ Trung Thành-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum) trong chuyến khảo sát chuẩn bị cho việc thành lập huyện Chư Sê. Ngã ba Mỹ Thạch (bà con địa phương thường gọi là ngã ba Cheo Reo) khi ấy còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, cây bụi, cỏ đuôi chồn mọc dày. Tôi hình dung lại một chiến trường xưa ác liệt, chẳng biết anh Ba Châu đã ngã xuống nơi nào trên vùng đất này. Sau chuyến khảo sát đó, Thường trực Tỉnh ủy quyết định đặt trung tâm huyện lỵ Chư Sê tại ngã ba Mỹ Thạch, thay vì ý định ban đầu là ở phía xã Dun. Tôi nhớ, một sơ đồ “quy hoạch” được vạch ra theo cái chỉ tay và nói với một số lãnh đạo đi cùng của chú Năm Vinh tại hiện trường. Ông bảo: Công an và Huyện đội ở hai đầu dọc theo quốc lộ 14, giữa là các cơ quan dân chính Đảng. Thế là xong.
Sau 40 năm thành lập (17/8/1981-17/8/2021), Chư Sê đã là huyện phát triển khá toàn diện. Nhớ lại những năm đầu thành lập, giải quyết việc thiếu ăn cho người dân là sự khó khăn nan giải. Vì vậy, lo tập trung sản xuất lương thực bằng mọi giá là điều phải làm. Khi Chư Sê thành lập, “lấy” 5 xã phía Đông đường 14 thuộc huyện Mang Yang và 7 xã phía Tây đường 14 thuộc huyện Chư Prông, diện tích tự nhiên gần 126.000 ha, dân số trên 54.000 người, thuộc vào huyện trung bình của tỉnh lúc bấy giờ. Theo điều tra của các ngành chức năng khi ấy, đất đai, khí hậu của Chư Sê phần lớn phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp, cây lương thực, cây có củ, có hạt… Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền ưu tiên trồng các loại cây có thể chống đói cho dân, bấy giờ chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar, số còn lại là dân từ các tỉnh đồng bằng miền Trung lên theo diện đi kinh tế mới. Khi đời sống của đa số người dân đã dần ổn định, giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo huyện Chư Sê đã sớm nghĩ ra cách làm giàu. Tuy khái niệm kinh tế hàng hóa khi đó còn khá xa vời với nhiều người nhưng lãnh đạo huyện Chư Sê đã quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung, quy mô vừa và nhỏ để phát triển các loại cây trồng chủ lực như đậu phộng, bắp, bông vải, điều, cà phê, cao su, sau này bổ sung cây hồ tiêu. Công ty Cao su Chư Sê ra đời là một minh chứng, làm “bà đỡ” cho nền kinh tế, thu hút lao động tại chỗ, khai thác đất đai từ hoang hóa, biến vùng đất này trở nên xanh tốt, bộ mặt nông thôn vùng đứng chân của đơn vị thay da đổi thịt rõ rệt.
Một góc thị trấn Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn
Một góc thị trấn Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn
Cuối năm 1993, sau hơn 10 năm thành lập huyện, người viết bài này về nhận nhiệm vụ ở Chư Sê. Còn nhớ, hàng năm, bà con nông dân trồng hàng ngàn héc ta bắp lai Bioseed cho năng suất rất cao. Ngặt nỗi là khi cây bắp vào mùa thu hoạch lại đúng mùa mưa, mưa triền miên, dai dẳng. Loại bắp này lại hở phía trên, gặp mưa bà con không thể thu hoạch kịp, hạt bắp cứ thế nảy mầm khi còn trên cây. Và vì thế, bắp không thể tiêu thụ được. Hàng ngàn rồi đến hàng vạn héc ta bắp lai CP-888, 999 của Thái Lan được thay thế cho giống bắp Bioseed. Đây là những loại bắp phù hợp với vùng đất Chư Sê, năng suất rất cao và được thị trường ưa chuộng. Nhà cung cấp giống lại có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích nông dân phát triển loại bắp này. Ngoài cây cao su và cà phê, Chư Sê còn xác định hồ tiêu cũng là cây công nghiệp phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Đã một thời, cây hồ tiêu trở thành cây… tỷ phú, triệu phú cho hàng ngàn hộ nông dân Chư Sê.
Đặc điểm, cơ cấu dân số, dân tộc ở Chư Sê rất phong phú, đa dạng, nhiều vùng miền khắp nơi tụ hội về, nhất là sau năm 1975. Ngoài 2 dân tộc tại chỗ là Jrai, Bahnar, khi thực hiện chính sách kinh tế mới, Chư Sê tiếp nhận hàng vạn bà con từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến định cư. Vì vậy, có người ví Chư Sê như một “hợp chủng huyện”. Kinh nghiệm sống và lao động sản xuất theo chân người đi khai đất được vận dụng ở quê hương thứ hai. Rất nhiều sáng kiến, “phát minh” ở Chư Sê đưa vào thực tiễn đời sống có hiệu quả là từ những “kỹ sư nông dân”. Do đó, liên tục trong những năm trở lại đây, Chư Sê luôn trong tốp đầu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị. Thị trấn Chư Sê đã trở thành nơi khá sầm uất, nhiều công trình phục vụ sản xuất kinh doanh, trụ sở, công trình dân dụng, dịch vụ khang trang, bề thế. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu khái quát: Giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội… có nhiều cố gắng, tiến bộ. Đại hội cũng xác định nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đưa Chư Sê trở thành đô thị loại III trong tương lai gần. Đó là huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển, xây dựng đô thị văn minh; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất và xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội…
Trong mấy tháng gần đây, vì dịch Covid-19, tôi chưa trở lại Chư Sê theo lời nhắn của nhiều anh chị em bạn bè, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của huyện. Nhưng qua nhiều kênh thông tin, tôi vẫn gần Chư Sê, vẫn một điều mong muốn một Chư Sê luôn phát triển toàn diện, bền vững, bà con các dân tộc trên địa bàn luôn phát huy tinh thần đoàn kết một lòng, chung tay, góp sức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, Nhân dân có cuộc sống ấm no, yên bình, hạnh phúc, xứng đáng với công lao của các thế hệ có công gầy dựng thuở ban đầu!  
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm