Ký quỹ môi trường: Giải pháp về tài chính bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với chính sách kinh tế hóa ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Chính phủ đã ban hành các biện pháp tài chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đơn cử như Luật Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Đây được xem như một biện pháp quản lý nhà nước về mặt kinh tế, đảm bảo doanh nghiệp thực thi nghĩa vụ phục hồi môi trường hậu khai thác...

Trong 3 năm qua, kể từ khi Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực khai thác khoáng sản; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên được gắn liền với công tác bảo vệ môi trường đang từng bước đi vào nền nếp.
Theo thống kê mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 92 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản các loại. Với đặc thù của địa phương, hầu hết các loại khoáng sản như: Nhôm, thiếc, sắt, đá granit, than bùn, wolfam, kẽm, vàng, chì, kaolin... trữ lượng không nhiều nhưng lại nằm phân tán rải rác trên địa bàn các huyện: Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đak Pơ, Krông Pa, Kông Chro...

Do vậy, đa số các mỏ khai thác đá xây dựng, đá granit, đá gabrô, đá bazan, than bùn... chỉ hoạt động với công suất từ vài ngàn đến vài chục ngàn mét khối/năm. Trong số 92 mỏ được cấp phép, có 3 mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 1 mỏ đang hoàn thành thủ tục trình phê duyệt đầu tư mới, còn lại 87 mỏ đã lập cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường...
Khai thác và sản xuất đá. Ảnh: Minh Thi
Theo nhận định của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, hệ sinh thái khu vực xung quanh mỏ đã bị ảnh hưởng trực tiếp khi lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn gia tăng gây nên tình trạng suy thoái môi trường. Trước thực trạng trên, việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản thực sự là giải pháp tích cực ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ  của doanh nghiệp, chủ dự án đối với công tác bảo vệ môi trường.

Cho đến nay, toàn tỉnh đã có 61/92 mỏ ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 1,754 tỷ đồng. Trong đó, 1,072 tỷ đồng được ký quỹ vào tài khoản phong tỏa mở tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai; 682 triệu đồng được gửi tại các ngân hàng địa phương. Vẫn còn 31/92 mỏ chưa ký quỹ hoặc trong giai đoạn đang trình cơ quan chức năng xác nhận, phê duyệt.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng đắn dẫn đến chậm lập bản cam kết bảo vệ môi trường, cam kết đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, không thực hiện nghiêm túc các quy định đã ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường... khi đội ngũ cán bộ môi trường tại địa phương vẫn còn thiếu và yếu về số lượng lẫn chuyên môn.

Ký quỹ môi trường là một chủ trương đúng đắn, với mục đích bảo đảm tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, ràng buộc nghĩa vụ của chủ dự án trong giai đoạn hậu khai thác, chế biến khoáng sản. Thế nhưng, với số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trên thực tế hiện nay khá thấp so với trong bối cảnh trượt giá liên tục thì liệu giải pháp ràng buộc kinh tế này có khả thi hay không? Và liệu có đảm bảo được nguồn tài chính bảo vệ, cải tạo phục hồi môi trường hậu khai thác hay không?

Qua khảo sát hiện nay của ngành chức năng, tùy thuộc vào quy mô dự án, sự tác động môi trường và đặc thù của vùng mỏ sau khai thác thì số tiền ký quỹ dao động từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Thậm chí mức ký quỹ của một số dự án (đa số là các dự án gia hạn lại) rất thấp, từ 1,7 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng/dự án. Đa số các dự án trên địa bàn tỉnh ta chỉ có mức ký quỹ từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (38 dự án). Con số dự án có mức ký quỹ trên 100 triệu đồng chỉ  đếm trên đầu ngón tay (5 dự án), trong đó, duy nhất dự án đầu tư khai thác và chế biến mỏ chì, kẽm Chư Mố của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long với thời gian thực hiện 25 năm/diện tích 35 ha, tổng số tiền ký quỹ lên đến 3,3 tỷ đồng.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm