Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Kỹ sư Nguyễn Hữu Thiện với sáng kiến mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng quản lý, vận hành lưới điện, anh Nguyễn Hữu Thiện (Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Gia Lai) đã đưa ra giải pháp “Mô phỏng các tình huống sự cố ứng dụng thử nghiệm chức năng tự động hóa lưới điện FLISR”.

Giải pháp này góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, nhân công và hiệu quả khi xảy ra sự cố lưới điện.

Theo chia sẻ của anh Thiện, Trung tâm Điều khiển của Công ty Điện lực Gia Lai được đưa vào vận hành từ năm 2018 với chức năng thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa phục vụ cho công tác quản lý vận hành lưới điện dựa trên nền công nghệ tiên tiến của hãng ABB (Phần Lan).

Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối tại Trung tâm chạy trên phần mềm DMS600 của ABB. Chức năng FLISR (Fault Location, Isolation and Restoration) sẽ tự động cô lập, phân vùng sự cố và khôi phục lưới điện, là sự phối hợp của một nhóm các chức năng để thực hiện mục tiêu của người quản trị là nhanh chóng cô lập sự cố sao cho ít phụ tải bị mất điện nhất.

Anh Nguyễn Hữu Thiện (người ngồi) cùng đồng nghiệp thử nghiệm chức năng tự động hóa lưới điện FLISR. Ảnh: M.N

Tại Trung tâm Điều khiển, việc thực hiện cấu hình và thử nghiệm chức năng tự động hóa lưới điện phân phối FLISR/DAS có 2 trường hợp xảy ra là thiết lập cho thiết bị cấp mới và thiết lập cho thiết bị đang vận hành trên lưới. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng chức năng FLISR bộc lộ nhược điểm. Theo đó, để đảm bảo tính chính xác thì thực hiện ở chế độ bán tự động sẽ gây mất điện khách hàng cho mỗi lượt thử, làm mất thời gian, nhân công, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện của khách hàng.

“Để khắc phục những nhược điểm này và xử lý các sự cố, tôi nghiên cứu xây dựng chương trình mô phỏng các tình huống sự cố ứng dụng thử nghiệm chức năng tự động hóa lưới điện phân phối FLISR cho hệ thống SCADA”-anh Thiện chia sẻ.

Theo đó, anh Thiện tiến hành theo 4 bước gồm: lập trình dữ liệu mô phỏng các tình huống sự cố phục vụ việc giả lập; thiết kế thiết bị giả lập máy cắt, cài đặt địa chỉ IP như một máy cắt thực tế để tiến hành mô phỏng thử nghiệm; tạo tình huống mô phỏng bằng file Excel, import vào chương trình mô phỏng để tiến hành thử nghiệm FLISR và chạy chương trình mô phỏng các tình huống FLISR để thử nghiệm chức năng FLISR.

Giải pháp mô phỏng được nhiều tình huống giả lập khác nhau. Chỉ cần click chọn tình huống dựng sẵn, phần mềm sẽ đưa ra nhiều giải pháp xử lý. Trình tự cô lập sự cố và khôi phục cấp điện cho vùng bị ảnh hưởng cũng được chương trình đề xuất đúng, thao tác trình tự trên phần mềm DMS600 thành công. Trạng thái các thiết bị đóng cắt được hiển thị để người thao tác có thể nhìn thấy. Tùy theo mỗi tình huống và kết cấu dây của lưới điện thực tế thì có cách xử lý khác nhau, nhưng vẫn theo nguyên lý cô lập vùng (đường dây, thiết bị) bị sự cố và khôi phục vùng (đường dây, thiết bị) không bị sự cố.

Các tình huống thường xảy ra trong thực tế, gồm: máy cắt trung áp tại trạm 110 kV cắt do sự cố quá dòng; máy cắt trung áp phân đoạn cắt do sự cố quá dòng; máy cắt trung áp tại trạm 110 kV cắt vượt cấp do sự cố quá dòng tại đường dây của máy cắt phân đoạn phía sau. Từ các tình huống mô phỏng này, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Điều khiển nắm được các bước thao tác để xử lý khi có sự cố xảy ra trong thực tế.

Bắt đầu nghiên cứu từ tháng 3-2023 và đưa vào áp dụng thực tiễn tại Trung tâm Điều khiển từ tháng 6 cùng năm, giải pháp này giúp việc tìm kiếm vị trí sự cố nhanh, rút ngắn thời gian xử lý 15-20 phút (trước khi có giải pháp) xuống còn 20-25 giây.

Giải pháp còn giúp giảm phụ thuộc vào việc chờ vật tư, chờ đấu nối thực tế để thực hiện cấu hình thử nghiệm; góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và nhân công xử lý sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Ông Đặng Thế Vũ-Phó Trưởng phòng Điều độ (Công ty Điện lực Gia Lai) nhận xét: “Anh Thiện là một kỹ sư trẻ năng động, nhiệt tình và đam mê nghiên cứu sáng tạo. Sáng kiến của anh đã góp phần khắc phục một số hạn chế trong quá trình vận hành quản lý lưới điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố và tiết kiệm chi phí sửa chữa cho doanh nghiệp”.

Anh Nguyễn Hữu Thiện được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn vì có thành tích trong phong trào Tuổi trẻ sáng tạo. Ảnh: Minh Nhật

Mới đây, tại liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức, anh Thiện là 1 trong 29 cá nhân tiêu biểu toàn tỉnh được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn vì có thành tích trong phong trào nghiên cứu, sáng tạo.

“Tôi rất vui vì sáng kiến của mình đem lại lợi ích cho Công ty. Đây là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu nhằm đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”-anh Thiện tâm sự.

Có thể bạn quan tâm