Hơi thở Gen Z

Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” mang lại lợi ích thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh Gia Lai. Nhiều sáng kiến, ứng dụng của ĐVTN đã được áp dụng vào quá trình học tập, sản xuất kinh doanh và mang lại lợi ích thiết thực.

Đam mê nghiên cứu

Phần mềm “Ứng dụng một số phần mềm tạo bộ công cụ hỗ trợ thực hành thí nghiệm môn Sinh học lớp 10 (sách Cánh diều)” của nhóm tác giả Nguyễn Thảo Ngân (lớp 12B) và Phan Văn Đạt (lớp 12C6, Trường THPT chuyên Hùng Vương) vừa đạt giải nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 12-2024.

Các tổ chức Đoàn-Hội thường xuyên tổ chức cuộc thi sáng tạo giúp ĐVTN thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu. Ảnh: P.L

Các tổ chức Đoàn-Hội thường xuyên tổ chức cuộc thi sáng tạo giúp ĐVTN thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu. Ảnh: P.L

Là học sinh lớp chuyên Sinh, em Đạt nhận thấy trong tiết thực hành, vài bạn được giáo viên chỉ làm mẫu, còn nhiều bạn không có cơ hội thực hành vì thiếu thời gian. Vì vậy, học sinh không hình dung ra các bước tiến hành như thế nào, kết quả thí nghiệm ra sao dù sách có giới thiệu nên đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cũng như niềm yêu thích môn Sinh học.

Từ thực tế đó, đầu năm học 2023-2024, Đạt và Ngân cùng lên ý tưởng sáng tạo phần mềm nhằm hỗ trợ thực hành thí nghiệm môn Sinh học lớp 10. Để thiết kế phần mềm, nhóm tác giả dựa vào cơ sở khoa học, các bước chuẩn bị trong từng bài học rồi tìm kiếm hình ảnh để tạo ra các thiết bị thí nghiệm trên mạng internet. Sau đó, từ hướng dẫn trong sách giáo khoa, nhóm dùng hình ảnh thu thập được kết hợp với các phần mềm liên quan để tạo ra các thiết bị.

Nhóm sử dụng vật liệu sẵn có và thiết bị trong phòng thí nghiệm của nhà trường để thực hành trực tiếp, quan sát kết quả và chụp lại để đưa vào bộ thí nghiệm ảo. “Chúng em thực hiện được 14 bài học trong môn Sinh học lớp 10 thành những bộ thí nghiệm ảo. Các bạn học sinh có thể sử dụng sản phẩm này để chuẩn bị bài mới, nắm được quy trình thí nghiệm. Nếu có điều kiện được thực hành trực tiếp trên phòng thực hành thì sẽ thuận lợi hơn, việc thực hành và quan sát kết quả, kết luận chuẩn hơn”-Ngân chia sẻ.

Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho biết: “Ứng dụng của các em đã được nhà trường đưa vào việc giảng dạy, học tập môn Sinh học. Ứng dụng giúp học sinh nắm vững kiến thức nhanh hơn qua các thí nghiệm ảo. Nhà trường khuyến khích các em phát huy khả năng tư duy, áp dụng kiến thức đã học được vào nghiên cứu sáng tạo”.

Cũng với mục đích phục vụ việc học tập của sinh viên, anh Trần Anh Tú-Giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai cùng các cộng sự sáng tạo mô hình “Hệ thống lái ô tô trợ lực điện”. Theo anh Tú, đối với ngành Công nghệ ô tô, mô hình thực hành phần hệ thống lái ở trường chủ yếu là các mô hình ứng dụng trên xe đời cũ. Nếu mua một mô hình mới tốn khoảng 200 triệu đồng.

Vì thế, anh cùng các cộng sự sử dụng các phụ tùng, linh kiện: khung thép thiết kế làm giá đỡ hệ thống treo và hệ thống lái; cụm lái trợ lực điện, phuộc nhún trước, lò xo giảm chấn, cụm phanh trước, đồng hồ taplo, gương chiếu hậu, công tắc tổng hợp, tay số sàn, cần thắng tay… để tạo ra mô hình “Hệ thống lái ô tô trợ lực điện”. Hầu hết phụ tùng, linh kiện được tận dụng từ vật liệu tái chế, chất lượng đảm bảo khoảng 70-80%.

Mô hình được áp dụng trong công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Gia Lai, liên quan đến bài giảng về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của hệ thống; hướng dẫn chẩn đoán lỗi hệ thống; xử lý các sự cố hệ thống; các bài giảng modun kỹ thuật chung ô tô. Mô hình đã đạt giải nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn tỉnh năm 2023.

“Việc tạo ra mô hình này giúp học sinh, sinh viên có phương tiện học tập trực quan; việc thay thế các chi tiết khi hư hỏng cũng dễ dàng hơn. Mô hình khi hoàn thành chỉ tốn khoảng 24 triệu đồng, giúp nhà trường tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở vật chất”-anh Tú phấn khởi nói.

Sinh viên Triệu Văn Xuân (ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Gia Lai) nhìn nhận: “Không chỉ có mô hình “Hệ thống lái ô tô trợ lực điện”, thầy Tú cùng các giảng viên còn thực hiện nhiều mô hình dạy học, giúp sinh viên thực hành và nắm bắt kiến thức nhanh hơn”.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo

Anh Bùi Văn Liềng-Bí thư Chi Đoàn Xí nghiệp Cơ khí-Chế biến (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) được mọi người ưu ái gọi là “cây sáng kiến”. Bởi lẽ, nhiều sáng kiến của anh khi áp dụng vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí, làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng; trong đó có sáng kiến “Tủ điều khiển bảo vệ chống mất pha tự động”.

Anh Liềng có hơn 6 năm làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy hệ thống đường dây truyền tải điện tại nhà máy xuống cấp nên thường xảy ra hiện tượng mất điện cục bộ, mất 1 pha trong điện 3 pha có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm hư hại các động cơ, làm gián đoạn đến quá trình sản xuất của nhà máy.

Để khắc phục, anh đã đưa ra sáng kiến kỹ thuật “Tủ điều khiển bảo vệ chống mất pha tự động” áp dụng tại tủ điện trung tâm dây chuyền sản xuất mủ SVR10.

Từ đầu năm đến nay, tổ chức Đoàn các cấp đã đăng ký 74.787 ý tưởng, sáng tạo trên website: ytuongsangtao.net; hỗ trợ hiện thực hóa 306 ý tưởng, sáng tạo.

Với cải tiến này, anh Liềng dùng rơ le bảo vệ các trường hợp quá áp, thấp áp và lỗi pha cũng như bảo vệ thứ tự pha cho mạch điện 3 pha. Khi một trong các pha đầu vào bị gián đoạn hoặc khi một trong các pha bị lỗi, rơ le lập tức tác động thông qua việc ngắt cặp tín hiệu cấp nguồn điều khiển cho mạch điện. Khi đó, toàn bộ mạch điều khiển sẽ ngừng hoạt động, đảm bảo các thiết bị phần phụ tải không bị hư hỏng vì hoạt động trong trường hợp nguồn cấp điện không đảm bảo yêu cầu; bảo vệ thiết bị trong hệ thống. Tủ bảo vệ chống mất pha là biện pháp bảo vệ hiệu quả và tiết kiệm, hạn chế tối đa sự cố cháy nổ động cơ do mất pha của hệ thống điện.

Thời gian qua, nhiều sáng kiến của anh Liềng đã được áp dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao như: Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thay thế vít tải bằng băng tải gàu trên dây chuyền sản xuất mủ SVR10; Hệ thống điều khiển tự động tháp khử mùi dây chuyền sản xuất mủ SVR10…

Anh Đặng Đức Tài-Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê-thông tin: “Các sáng kiến của anh Liềng được áp dụng rộng rãi cho tất cả các dây chuyền sản xuất mủ tại Xí nghiệp Cơ khí-Chế biến của Công ty. Anh Liềng có tinh thần trách nhiệm với công việc, tham gia đảm nhận việc mới, việc khó của đơn vị. Mới đây, anh là một trong những gương sáng tạo được Đoàn Thanh niên Công ty đề xuất tuyên dương “Thanh niên tiêu biểu ngành Cao su Việt Nam lần thứ XII-2024”.

Nhóm tác giả Nguyễn Thảo Ngân (bìa phải) và Phan Văn Đạt đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ thực hành thí nghiệm môn Sinh học lớp 10. Ảnh: P.L

Nhóm tác giả Nguyễn Thảo Ngân (bìa phải) và Phan Văn Đạt đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ thực hành thí nghiệm môn Sinh học lớp 10. Ảnh: P.L

Thời gian qua, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” đã để lại những dấu ấn đậm nét. Trong đó, ĐVTN khối trường học đề xuất các sáng kiến, sáng tạo nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học. Các ĐVTN khối công nhân say mê nghiên cứu, sáng tạo để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đoàn viên, thanh niên khối công chức, viên chức thực hiện nhiều đề tài, sáng kiến nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác tại các cơ quan. Còn ĐVTN khu vực nông thôn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, có giá trị.

“Tuổi trẻ sáng tạo” là 1 trong 3 phong trào trọng tâm của Đoàn. Tổ chức Đoàn-Hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia phong trào thông qua cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”, “Sáng tạo trẻ”, cuộc thi “Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai”, hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh…

Đoàn-Hội các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động như: liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo”, diễn đàn “Phát huy tài năng trẻ”, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”; phối hợp tổ chức hội thi Tin học trẻ và hội thi Tin học khối cán bộ, công chức, viên chức trẻ… nhằm khuyến khích, tạo môi trường cho ĐVTN, học sinh, sinh viên rèn luyện, thể hiện tài năng, đề xuất ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo. Các cấp bộ Đoàn-Hội cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo có tính khả thi của ĐVTN.

Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-khẳng định: Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” được các cấp bộ Đoàn-Hội trong toàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Phong trào đã tạo điều kiện để tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy sáng tạo, khả năng tư duy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, sản xuất kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm