Thời sự - Bình luận

Kỳ thi tốt nghiệp nhìn từ dịch COVID 19: Nên giảm môn hoặc bỏ hẳn kỳ thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu không, hay chưa thể bỏ hẳn kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia thì dịch COVID-19 cũng là nguyên cớ tốt để có thể bỏ bớt môn thi, “giảm tải” thực sự cho cả học sinh, phụ huynh, ngành giáo dục và cả xã hội.

 Kỳ thi THPT quốc gia luôn gây áp lực, tốn kém chi phí trong khi tỉ lệ tốt nghiệp lên tới hơn 97% liệu có còn cấn thiết? Ảnh: Hải Nguyễn
Kỳ thi THPT quốc gia luôn gây áp lực, tốn kém chi phí trong khi tỉ lệ tốt nghiệp lên tới hơn 97% liệu có còn cấn thiết? Ảnh: Hải Nguyễn



Bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Chủ tịch UBND TP Hà Nội của thầy hiệu trưởng trường Marie Curie đang nhận được sự tán đồng của rất nhiều người dân.

Bức thư ấy nêu thực tế các trường đang phải tiếp tục cho học sinh nghỉ học và chưa biết tình hình này còn kéo dài đến bao giờ khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ Giáo dục cũng thế, dù đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020, nhưng cũng chưa rõ đó có phải là thời điểm cuối.

Thư của Hiệu trưởng Marie Curie kiến nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho phép trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư.

Xa hơn, TS  Nguyễn Viết Chức,  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội còn đề nghị “nên bỏ kỳ thi quốc gia”.

Bởi theo ông, mục tiêu của kỳ thi là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông. Bởi kỳ thi hiện nay “đang gộp 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa là cơ sở để các trường đại học xét tuyển" (có nghĩa) là Bộ Giáo dục đang "lo" thay việc tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học.

Còn nhớ chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”- như một biện pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh.

COVID-19 có lẽ là cơ hội để chúng ta cũng nhìn nhận lại sự cần thiết của một kỳ thi mà tỉ lệ tốt nghiệp vượt trên 97%; sự cần thiết của một kỳ thi làm khổ cả triệu thí sinh, cả triệu gia đình.

Xem lại sự cần thiết của một tấm bằng, không còn mấy ý nghĩa trong thực tế, một tấm bằng chỉ có tác dụng như một điều kiện để vào đại học.

Học sinh đang phải gánh một chương trình học tập nặng nề. gánh nặng ấy càng nhân lên gấp bội khi dịch bệnh đang dồn nén gây áp lực nếu chương trình học, và đặc biệt là việc thi cử vẫn được giữ nguyên.

Có nhiều cách để “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học”, như yêu cầu của Thủ tướng, nhưng sẽ là bất lực, phi lý nếu chương trình học nặng nề, chương trình thi cồng kềnh, vẫn giữ nguyên xi, một cách máy móc.

http://https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ky-thi-tot-nghiep-nhin-tu-dich-covid-19-nen-giam-mon-hoac-bo-han-ky-thi-791378.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm