Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ký ức cua đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn tôi vừa đăng lên trang Facebook cá nhân bức ảnh đĩa cua đồng nướng vàng ruộm. Vừa ngó qua, tôi đã tưởng như thấy được vị béo ngậy, thơm phức. Vậy là bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về trong tôi khi lướt qua dòng trạng thái ấy của bạn.

Thuở bé, những buổi chiều mùa hè, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau tìm những chiếc hang bên bờ ruộng để bắt cua. Không quá khó để những đứa trẻ lớn lên ở làng quê phân biệt hang cua với hang của những loài khác. Hang cua thường cao hơn mép nước một chút, phía trước hang đất tơi xốp và sáng hơn. Những chú cua béo mậm bị chúng tôi tóm gọn sau một hồi hì hụi đào.

Khi lắc lắc cái giỏ thấy cua đã đủ cho cả nhóm thì xúm lại nhóm lửa để nướng cua. Than rực hồng thì cho cua vào, khi mỡ cua chảy xuống lửa, tiếng xèo xèo phát ra vui tai cũng là lúc mùi thơm từ từ dậy lên. Những con cua đồng chuyển dần sang màu vàng, hai chiếc càng to cong cong có chỗ cháy xém vỏ lộ mảng thịt trắng nõn, thơm nức mũi, mỗi đứa khều lấy cho mình một con cua đã chín để thưởng thức. Cua nướng ăn với lá non của cây mâm xôi, vị giòn, ngọt, béo của cua lẫn trong vị the the, cay nhẹ của đọt lá non quyện nơi đầu lưỡi thật ngon đến khó cưỡng.

Cua đồng là món ăn dân dã hấp dẫn. Ảnh: Thái Bình


Sau mùa gặt, lũ cua thường ẩn nấp trong gốc rạ, chỉ cần vạch ra là tha hồ tóm lấy. Ban đêm, chúng tôi dùng chiếc đèn pin nhỏ, mang chiếc giỏ bên hông, những chú cua hiền lành nằm im khi gặp ánh sáng rọi vào, chỉ tầm hơn tiếng đồng hồ là đã bắt được cả mớ.

Giỏ cua đầy mang về nhà, mẹ tôi thường đổ vào chiếc rổ, múc nước rửa đi rửa lại mấy lần cho sạch bùn đất, rồi tỉ mẩn ngồi tách bỏ mai, yếm. Tôi phụ giúp mẹ tách cua nhưng sau vài ba lần bị cua kẹp thì chỉ nhìn những chiếc càng cua cứ nghênh lên khiêu chiến, tôi lại rụt tay vì sợ. Mẹ liền giao tôi nhiệm vụ lấy gạch cua bỏ riêng ra chiếc bát con.

Tách cua xong, phần thịt mẹ cho vào cối giã nhuyễn để nấu món canh cua. Mẹ bắc nồi lên bếp, đun nhỏ lửa để cua chín đều. Bát gạch cua được mẹ cho thêm vào nồi khi thịt cua đã kết thành từng miếng nhỏ nổi lên mặt nồi. Lúc này, nước cua chuyển sang màu vàng sóng sánh. Mẹ cho thêm rau đay, mùng tơi và mướp hương đã thái nhỏ, đợi cho nồi canh sôi đều lần nữa thì bắc xuống. Ngày hè, ăn bát canh cua đồng với cà pháo muối xổi chua chua, giòn giòn… thấy người tỉnh ra, không còn cảm giác nóng bức, oi nồng khó chịu.

Tôi không thể nhớ là mình đã được ăn món cua đồng với đủ cách chế biến của mẹ như mắm cua, cua nấu canh cải, cua chiên giòn, cua nấu măng, miến cua… bao nhiêu lần trong những năm tháng tuổi thơ. Từ ngày lên Gia Lai sinh sống, tôi biết thêm món bún cua. Cũng cách tách cua, lấy gạch, giã cua, lọc nước… nhưng khác là nước cua phải ủ lại qua đêm mới nấu. Và bún cua có mùi hơi khó chịu, mới đầu không quen sẽ khó ăn nhưng quen dần thì sinh ghiền, bẵng đi một thời gian không thưởng thức lại thấy nhớ.

Cua đồng là món ăn dân dã nhưng lại luôn hấp dẫn với cả người quê lẫn thành thị. Thi thoảng, tôi vẫn tìm mua cua đồng về nấu canh, nhất là trong những ngày nóng nực. Và, ký ức tuổi thơ với những ngày cùng chúng bạn đào hang bắt cua lại ùa về, như mới hôm qua.

 PHÚC AN
 

Có thể bạn quan tâm