TN - Đất & Người

Ký ức hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Những anh lính Cụ Hồ tuổi mười tám, đôi mươi hừng hực khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày ấy bây giờ hầu hết đã lên chức ông, bà. Và với nhiều người, chuyện cơm, áo, gạo, tiền vẫn còn là nỗi lo thường nhật. Song những ký ức về một thời hào hùng chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí họ. Trong số đó có ông Nguyễn Xuân Hải ở tổ 8, phường Đống Đa (TP. Pleiku), người trực tiếp tham gia đánh địch giải phóng thị xã Pleiku ngày 17-3-1975.

Vừa đưa ly nước mời khách, ông Hải vừa say sưa kể cho tôi nghe những ký ức hào hùng về các trận đánh trong chiến dịch mùa Xuân 1975.

 

 Ông Nguyễn Xuân Hải.
Ông Nguyễn Xuân Hải.

Ông Hải là người dân tộc Mường ở thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Năm 17 tuổi (1971), ông nhập ngũ và được biên chế về Trung đội DKZ, Tiểu đoàn 63 (K63) thuộc Trung đoàn 95 (nay là Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 95, Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5). Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Trung đoàn 95 được giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông đường 19. 5 giờ sáng 4-3-1975, Trung đoàn 95 là một trong những đơn vị được lệnh nổ súng mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, chặn đánh địch từ đèo Mang Yang đến dốc Suối Đôi (thị trấn Kon Dơng ngày nay).

Lúc bấy giờ, Trung đoàn có 4 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 1 trực tiếp đánh địch tại đèo Mang Yang; Tiểu đoàn 394 đánh điểm M1 (Trại giam T20 ngày nay); Tiểu đoàn 2 (đơn vị của Tỉnh đội giao lại cho Trung đoàn đánh phía Nam đường 19) và Tiểu đoàn 63 đảm nhiệm đánh cao điểm 964 và 942 Suối Đôi. Khi đó, ông Hải là Trung đội trưởng Trung đội DKZ và luôn được đi trong đội hình mũi chủ công. Sau 30 phút nổ súng, hầu như Trung đoàn đã làm chủ hoàn toàn phạm vi khu vực đảm nhiệm. Ngày 13-3 Tiểu đoàn của ông được lệnh đánh tiểu đoàn biệt động địch lên giải tỏa đường, đồng chí Tiểu đoàn trưởng cùng tổ trinh sát của tiểu đoàn bắt sống được 6 xe tăng; vừa làm nhiệm vụ tảo trừ địch, vừa vận động hành quân về giải phóng Pleiku.

Trong thế tiến công như chẻ tre, rạng sáng 16-3, đơn vị ông đã chiếm lĩnh trận địa pháo Kon Dơng, tiến đánh cầu Lệ Cần (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa ngày nay) rồi quận Lệ Trung (thị trấn Đak Đoa ngày nay). Khoảng 4 giờ sáng 17-3, Tiểu đoàn vào đến ngã ba Phù Đổng, số địch nhỏ lẻ còn lại không tháo chạy kịp co cụm tại Trại Thiết giáp Phù Đổng. Ta triển khai nổ súng uy hiếp và đến 5 giờ sáng chiếm lĩnh được Trại Thiết giáp Phù Đổng. Khoảng 6 giờ 20 phút, mũi do ông phụ trách bắt được một toán 13 tên lính ngụy, trong đó có 1 tên đại úy, giao lại cho Tiểu đoàn, tiếp tục hành quân tảo trừ địch trên đường về ngã ba Diệp Kính, góp phần giải phóng thị xã Pleiku. Sau đó, cả Tiểu đoàn nhận lệnh vận động theo đường Lê Lợi về Sở chỉ huy Quân đoàn II Ngụy. Khoảng 9 giờ kém, đơn vị đã đến nơi. Tại đây, bọn lính đã tháo chạy hết nhưng mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn và ông chính là người leo lên nóc Sở chỉ huy tháo cờ ngụy vứt xuống. Đến 10 giờ ta đã làm chủ hoàn toàn khu vực này.

“Trước ngày 4-3-1975, bộ đội đã được chuẩn bị về tư tưởng và mọi mặt nên anh em rất thoải mái và hào hứng. Mặc dù vất vả, quyết liệt và... đói (vì nuôi quân không theo kịp đội hình) nhưng không ai tỏ ra lo ngại. Ai cũng hừng hực khí thế của người chiến thắng. Trước khi tiến về Pleiku, anh em được cấp mỗi người 30 mét dây thừng để trói tù binh nhưng rồi cũng không cần dùng vì bọn chúng đã bị tước hết vũ khí, trang thiết bị và trên thực tế cũng không có tên nào chống cự”-ông Hải vui vẻ chia sẻ.

Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, ông tươi cười: “Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội. Năm 2000 nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá, cộng trợ cấp thương binh loại 3/4 và trợ cấp thương binh của vợ được trên 10 triệu đồng/tháng cũng tạm ổn. Được cái các cháu đều trưởng thành. Con gái lớn là giáo viên Trung học phổ thông, 2 cậu con trai đều nối gót cha trở thành bộ đội Cụ Hồ. Một là kỹ sư vô tuyến điện tử của không quân đang làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, một đang học tại Học viện Quân y thì được Bộ Giáo dục- Đào tạo chọn cho đi đào tạo đại học y khoa tại Pháp”.

Trước lúc chia tay, ông bảo: “Khi chúng tôi đánh địch đến Nha Trang thì gặp ba mẹ con một chị giáo viên ở phường Yên Đổ chạy loạn đến  khu Quân Trấn (ngã sáu Nha Trang). Hỏi thì chị bảo chồng làm lái xe nhưng không thấy anh chồng đâu. Nhìn 3 mẹ con đói lả nên anh em thương tình cho ăn uống. Lâu nay tôi vẫn đi tìm nhưng chưa thấy, nhờ nhà báo hỏi giúp”. Tôi không dám hứa với ông vì thông tin quá ít nên rất khó tìm. Chỉ mong sao ngày ấy chị đưa con quay trở lại Pleiku sinh sống và đọc được bài báo này.

 Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm