(GLO)- Kỷ niệm được gặp Bác đã diễn ra cách đây rất lâu, khi họ mới chỉ là những cậu bé học sinh cấp I nhưng nửa thế kỷ qua đi, những lời dạy giản dị và sâu sắc của Người vẫn còn vang vọng trong tâm trí họ…
Câu chuyện nhỏ của Bác
“...Mùa Đông năm 1964, Bác đến thăm trường. Bác đi chiếc xe com-măng-ca cùng với 2 bảo vệ và 1 lái xe. Người mặc chiếc áo ka-ki bộ đội màu xám, quấn khăn len từ trên đỉnh đầu xuống dưới quai hàm và đội thêm chiếc mũ len”-bác sĩ Đinh Quy-Trưởng khoa Da liễu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bắt đầu câu chuyện.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam. Ảnh tư liệu |
Đến cổng trường, Bác xuống xe và bước về phía phòng trực bảo vệ. Vị nhân viên gác cổng yêu cầu Bác xuất trình giấy tờ. Lái xe của Bác thấy vậy liền hốt hoảng quở trách nhân viên bảo vệ: “Ông chưa biết đây là ai sao mà yêu cầu xuất trình giấy tờ?”. Bác liền đưa tay ra hiệu ngăn lời anh lái xe.
Khi biết đây chính là Bác Hồ-vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, vị bảo vệ nhanh nhẹn mở cửa cho xe vào và rối rít xin lỗi Bác. Thế nhưng, Bác không những không phê bình mà ngược lại còn mỉm cười rất tươi và tỏ ý khen ngợi người bảo vệ. Bác nói: “Cháu làm vậy là đúng quy định và có trách nhiệm với công việc, như vậy rất tốt! Phải như vậy thì mới đảm bảo được an toàn, trật tự cho các cháu ở đây yên tâm học hành”. Nhân viên bảo vệ cảm ơn Bác và hứa sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ.
Vì Bác vào trường bất ngờ nên nhà trường, học sinh đều không có sự chuẩn bị trước. Các cháu nghe thầy cô thông báo có Bác Hồ đến thăm liền ùa ra đón Người. Bác đưa tay và cười thật tươi vẫy chào các cháu. Bác đến, ai cũng muốn chạy thật nhanh để đến gần Bác hơn và nhìn Bác cho kỹ. “Bác đi vào kiểm tra khu nhà vệ sinh, nhà ăn, nơi ngủ nghỉ, học tập của các cháu rồi mới đi lên hội trường. Đến nơi nào Bác cũng đều kiểm tra rất kỹ. Chỗ nào được, Bác nhận xét tốt. Chỗ nào còn chưa đạt yêu cầu, Bác nhắc nhở nhân viên trong trường phải khắc phục ngay”-ông Đinh Quy kể lại.
Sau khi đi kiểm tra khắp các nơi, Bác lên hội trường và nói chuyện với thầy cô và các cháu học sinh. Bác nhắc nhở và căn dặn rất nhiều điều nhưng Đinh Quy ấn tượng nhất với câu chuyện về chiếc đồng hồ. Người nói: “Để hoạt động được, đồng hồ phải cần có nhiều bộ phận: kim, bánh răng, dây cót… Thiếu một bộ phận đồng hồ không chạy được, hoạt động không nhịp nhàng và ăn khớp thì không còn chính xác nữa. Chúng ta cũng thế, mọi người phải đoàn kết yêu thương và giúp đỡ nhau. Làm cách mạng cũng vậy, các cháu có hiểu không?”.
Bài học gần gũi và sinh động của Bác đã giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều về giá trị của sự đoàn kết. Và từ đó, học sinh trong trường-dù mỗi người mang trong mình một nguồn gốc dân tộc khác nhau, đến từ những vùng đất khác nhưng đều yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập. Bài học ấy đã được chứng minh khi năm 1975, nước nhà thống nhất, hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà…
Viên kẹo của Bác
…Lần được gặp Bác Hồ diễn ra khi ông Hoàng Văn Đức (hiện là Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku) mới chỉ là cậu học sinh lớp 1 hay lớp 2 mà ông không còn nhớ được chính xác. Mọi thứ khá mờ nhạt bởi khi ấy tuổi ông còn rất nhỏ. Tuy vậy, ông vẫn còn nhớ như in mình đã được Bác Hồ phát cho một chiếc kẹo. “Quý lắm! Tôi và các bạn cứ nâng niu mãi chiếc kẹo và khoe nhau đó là kẹo của Bác Hồ. Mãi sau, thầy cô phải nhắc các em ăn đi kẻo hỏng mất, mình và các bạn mới ăn”-ông Đức bồi hồi kể lại.
Ảnh tư liệu |
Trong trái tim tôi cũng như bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, hình ảnh về Bác luôn là hình ảnh đẹp đẽ nhất, ngời sáng nhất. Ngày Bác mất, khi ấy hai mẹ con đang phải sơ tán lên vùng Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng đều khóc thương khi người cha già của dân tộc đã qua đời.
Năm 1971, người mẹ và là chỗ dựa duy nhất chở che cho ông đã mất, ông được gửi vào học tập tại Trường Học sinh miền Nam số 1 (ở Đông Triều-Quảng Ninh). 3 năm sau, ông tốt nghiệp cấp III và tiếp tục theo học ngành Công nghiệp Thực phẩm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi ra trường, ông quay trở lại miền Nam công tác và cho tới hôm nay. Sau hơn 30 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông luôn luôn thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Bác, trở thành người cán bộ mẫu mực, suốt đời gắn bó với cách mạng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người bạn cùng thời là học sinh miền Nam-những “hạt giống đỏ” hôm nào nay đều đã trưởng thành và nắm giữ những cương vị chủ chốt của tỉnh, như: ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Đỗ Ngọc Kỳ-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai…
Ông Đức nói vui: Bạn bè chúng tôi khi gặp nhau vẫn hay nhắc: “Ông may mắn được ăn kẹo của Bác, nhất ông đấy!”. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời hoạt động và đi theo cách mạng của tôi.
Lê Hòa