Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng chiến lược phát triển toàn diện nền văn hóa trong thời kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức khai mạc trực tuyến hôm nay (24-11) tại Hà Nội kết nối với các tỉnh thành cả nước. Sự kiện được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng, xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời kỳ mới để văn hóa thực sự là nền tảng, là nguồn lực nội sinh đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Lịch sử đã chứng minh, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc lên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Thiếu niên làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) biểu diễn tiết mục múa trống. Ảnh: Lê Xuân Hoan
Thiếu niên làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang biểu diễn tiết mục múa trống (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Xuân Hoan


Vì thế, giữa bộn bề khó khăn của nhà nước cách mạng non trẻ, lại đứng trước nguy cơ một cuộc xâm lược mới của thực dân Pháp, song đúng ngày này 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định triệu tập Hội nghị văn hóa toàn quốc, định hướng nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa cách mạng, biến văn hóa thành nguồn lực xây dựng chế độ mới. Trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, Người khẳng định: Văn hóa phải gắn bó, liên hệ mật thiết với chính trị; phải tham gia sửa đổi thói lười biếng, tham nhũng; làm thế nào để mỗi người dân được hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng... Hay nói cách khác là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rất rõ tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của văn hóa đối với tương lai dân tộc và sự hưng thịnh của quốc gia-điều mà trước đó, nhiều chí sĩ cách mạng tiền bối đã dành trọn đời mình để cống hiến.

Lấy văn hóa làm nền tảng, xây dựng nền văn hóa dân tộc, đại chúng, xem con người là trung tâm của cuộc cách mạng, Đảng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và quần chúng công-nông-binh, tiến hành thành công đường lối kháng chiến kiến quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nguồn lực văn hóa ấy đã được kế thừa, phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước suốt 35 năm qua.

Suốt hành trình 75 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa, tư tưởng ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Văn hóa đã trở thành cầu nối đưa hình ảnh đất nước Việt Nam độc lập, văn minh, văn hiến; dân tộc Việt Nam yêu tự do, thân thiện, mến khách, sẵn sàng là bạn, là đối tác tốt với những ai yêu chuộng hòa bình, hành động vì sự phát triển phồn vinh của nhân loại đến với bè bạn năm châu. Với ý nghĩa đó, văn hóa đã làm nên hệ giá trị quốc gia và đạo đức, nhân cách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta đang đứng trước yêu cầu vừa bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống khuynh hướng đồng hóa, nô dịch về văn hóa; vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp thời đại.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu phải “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Với ý nghĩa đó, Hội nghị văn hóa toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lần này tròn 75 năm Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được kỳ vọng sẽ đề ra chiến lược phát triển toàn diện nền văn hóa đất nước trong thời kỳ mới, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm