Thời sự - Bình luận

Kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, tháng 9 và 10, thặng dư thương mại đã quay trở lại sau nhiều tháng liên tục nhập siêu ở mức cao. Nhưng, trong nửa đầu tháng 11, tình trạng nhập siêu đã quay trở lại với cán cân thương mại thâm hụt 370 triệu USD.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2021 và thực tế này đã cho thấy, nếu chúng ta không tăng tốc xuất khẩu trong khoảng thời gian còn lại thì năm 2021 sẽ là một năm không có thặng dư thương mại hoặc sẽ có cán cân âm.

Nhập siêu nhiều không phải lúc nào cũng xấu bởi hàng hóa nhập về nhiều là các sản phẩm, nguyên liệu cần thiết phục vụ sản xuất, là tín hiệu sản xuất công nghiệp đang khởi sắc, có nhiều việc làm cho người lao động. Nhưng, để nói về các chỉ tiêu tăng trưởng trong xuất khẩu với tình hình năm nay, có lẽ một lần nữa chúng ta lại phải đặt kỳ vọng vào kỳ tích của ngành nông nghiệp - lĩnh vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch Covid-19 mà còn thực sự là trụ đỡ cho xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù đại dịch kéo dài, diễn biến phức tạp ở trong nước cũng như trên thế giới, nhưng đến cuối tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 74,31 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ấn tượng là 3,19 tỷ USD. Mức xuất siêu của nông nghiệp không chỉ san sẻ gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế năm nay mà còn khẳng định lợi thế không thể thiếu của hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới khi xảy ra dịch dã.

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã đạt 7,1 tỷ USD. Tháng 11 và 12 là thời điểm thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Hiện nay, sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long đang dần phục hồi trở lại nên mục tiêu 8,8 tỷ USD xuất khẩu thủy sản 6-6,2 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 3,325 tỷ USD trong cả năm là “trong tầm tay”.

Theo Tổng cục Hải quan, tín hiệu đáng mừng là đến ngày 15-11, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 569,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù cán cân thương mại nghiêng về nhập khẩu, nhưng kết quả trên cũng cho thấy, nhu cầu tái sản xuất trong giai đoạn phục hồi là rất lớn. Do đó, cần chuẩn bị sẵn kịch bản để tạo đà xuất khẩu không chỉ trong tháng 12 mà còn cho những tháng đầu năm 2022.

Những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới xúc tiến thương mại (nhất là qua kênh trực tuyến), mở thêm thị trường mới; khẩn trương cung cấp thông tin, kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định mới; triển khai các quy định về hạn ngạch nông sản để thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA tới các địa phương, doanh nghiệp; chuẩn bị làm việc với Hoa Kỳ để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện thỏa thuận về gỗ; đàm phán trợ cấp thủy sản trong WTO; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi; tiếp tục triển khai nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm