Thời sự - Bình luận

Lạc quan nhìn về phía trước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong gần 2 năm vừa qua, bất chấp mọi tai họa của dịch bệnh và những hệ quả/hậu quả do những lúng túng, yếu kém trong xử lý dịch bệnh đợt 4, chúng ta vẫn kiên cường chịu đựng, rồi vươn lên vượt qua mọi khó khăn, để tự cứu mình, cứu kinh tế và qua đó trực tiếp cứu nước.

Trong chống đỡ mọi hệ quả của đại dịch, kinh tế gia đình (tạm gọi là hậu phương của hàng chục triệu lao động rời quê hương đi làm ăn trong các khu công nghiệp và các đô thị...) và sự đùm bọc "lá lành đùm lá rách" của nhân dân trong cả nước đã trở thành thành trì cuối cùng bảo vệ vững chắc sơn hà xã tắc không gì phá vỡ được, nhờ đó đã từng bước có sức đẩy lùi dịch; nhờ đó mới có lực dám chung sống với Covid-19 để tiếp tục sống; nhờ đó mới có sức đang từng bước phục hồi kinh tế như đang diễn ra hôm nay. Và xin đừng bao giờ quên đội quân chủ lực của kinh tế gia đình này là nông dân hay xuất thân từ nông dân. Từ Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, nông dân ta luôn luôn là quân chủ lực trên mọi mặt trận sống còn của đất nước.

Nhân dân ta vô cùng đại lượng và khoan dung, ngay cả sau khi xảy ra vụ đại án test kit Việt Á và lộ ra chuyện "hàng không giải cứu", người dân vẫn kiên trì chịu đựng mọi hậu quả và hệ quả, trước sau chỉ kiên quyết đòi hỏi chế độ chính trị và chính quyền phải làm rõ trái/phải và xử phạt nghiêm minh.

Về phía nhà nước, đã kịp thời ban hành các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội; ngày 28-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kích cầu, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.

Lần đầu tiên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Chiến lược phát triển nông nghiệp, một trong những đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế trọng tâm hàng đầu được nêu ra là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với thời gian hoàn thành ngay trong năm 2022.

Nhận định về tình hình Covid-19 năm 2022, theo các chuyên gia, dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn nhưng sẽ không nghiêm trọng như năm 2021. Sau Omicron, chắc chắn sẽ có biến thể khác xuất hiện nhưng theo quy luật tiến hóa thì độc lực của chúng sẽ giảm. Đứng trên phương diện y tế công cộng, sự thành công của một chiến lược chống dịch tùy thuộc vào 2 yếu tố: Quản lý của nhà nước và công dân. Nhà nước phải minh bạch về chủ trương, dữ liệu và nhất quán. Người dân phải nhận thức được tầm quan trọng của bệnh truyền nhiễm và có biện pháp cá nhân, kể cả tiêm chủng vắc-xin, nhằm giảm lây nhiễm cấp cộng đồng.

Chúng ta có thể lạc quan tin rằng xuân Nhâm Dần, công chúng đã khá quen với chống dịch (tiêm phủ vắc-xin, 5K kết hợp chủ động phòng vệ bản thân) và nhờ các chính sách khôi phục kinh tế của nhà nước, cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường.

TS Tô Văn Trường
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm