Phóng sự - Ký sự

Lâm Đồng nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học (bài 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với đặc thù thiên nhiên độc đáo, Lâm Đồng là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao. Những năm gần đây tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của mình và coi đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại cũng như sự bền vững cho tương lai.
 

Các chuyên gia quốc tế đến làm việc tại Vườn Quốc gia (VQG) Biduop - Núi Bà trong một chương trình hợp tác
Các chuyên gia quốc tế đến làm việc tại Vườn Quốc gia (VQG) Biduop - Núi Bà trong một chương trình hợp tác


Với tổng nguồn vốn trên 510 tỷ đồng từ nhiều nguồn, Lâm Đồng đã có những bước triển khai cụ thể công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020.
 
Tính đa dạng sinh học cao
 
Nằm ở phía Nam Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên trên 9.773,5 km2, Lâm Đồng có địa hình phong phú, chủ yếu là vùng núi và cao nguyên. Chính địa hình này đã tạo ra nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo với các hệ sinh thái (HST) đi cùng đó là mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) rất cao.
 
Trong HST trên cạn của Lâm Đồng, rừng chiếm lớn nhất với 53,1% diện tích tự nhiên. Rừng tự nhiên Lâm Đồng có tổng diện tích 532.398 ha, phân bố trên các độ cao khác nhau với 6 kiểu thảm thực vật chính bao gồm rừng lá rộng thường xanh (206.819 ha), rừng hỗn giao lá rộng, lá kim (28.660 ha), rừng lá kim (116.468 ha), rừng lá rộng rụng lá (19.725 ha), rừng hỗn giao gỗ phân tán với tre nứa (98.795 ha), rừng tre nứa thuần loại (61,931 ha).
 
Với HST đất ngập nước, Lâm Đồng có trên 13.181 ha, chiếm 1,34% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, chủ yếu là thủy vực các dòng chảy của sông suối, các hồ chứa nước và các vùng đất ngập nước thường niên hay định kỳ trong năm. Có thể kể đến các điển hình của HST ngập nước này là vùng lòng hồ các thủy điện trong tỉnh như hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh, hồ Đan Kia... Còn các vùng đất ngập nước một phần trong năm hay ngập nước quanh năm như vùng Bàu Sen, Bàu Chim của Vườn Quốc gia Cát Tiên với thảm thực vật chủ yếu là đồng cỏ ngập nước - nơi sinh sống của các loài chim và thủy sản.
 
Lâm Đồng còn một HST khác là HST trên đất chưa sử dụng. Nhiều diện tích trong số này là vùng đất nguyên sinh nhưng phần lớn là thảm thực vật thứ sinh hình thành trên đất nương rẫy hoặc rừng tự nhiên bị tàn phá trước đây, thực vật chủ yếu là trảng cỏ và cây bụi.
 
Với HST trên cạn, Lâm Đồng đã xác định được 3.526 loài thực vật rừng và 393 loài nấm; trong số này có 131 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam vào năm 2007; 45 loài được liệt kê trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

 

Mang lớn, loài nằm trong danh sách rất nguy cấp được ghi hình bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà
Mang lớn, loài nằm trong danh sách rất nguy cấp được ghi hình bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà


 Với động vật, Lâm Đồng cũng là tỉnh có mức độ ĐDSH cao. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát và lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá.
 
Riêng với loài cá trong HST đất ngập nước, Lâm Đồng có 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ, trong đó có 5 loài nằm trong danh sách bị đe dọa cấp quốc gia trong Sách đỏ Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng thống kê được 257 loài thực vật phiêu sinh, 63 loài động vật đáy.
 
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự đa dạng về các loài thực vật, động vật hoang dã của Lâm Đồng rất cao, đóng góp tỷ lệ lớn trong danh mục của cả nước. Cho đến nay vẫn còn nhiều động vật, nhiều loài cá, các loài thủy sinh khác chưa được nghiên cứu đầy đủ.
 
Nhờ tính ĐDSH cao với nguồn gen phong phú, Lâm Đồng được đánh giá là có nguồn tài nguyên quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực; đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Sự đa dạng gen trong các quần thể các loài động, thực vật giúp duy trì quần thể các loài trọng tâm; làm tăng khả năng phục hồi của các quần thể này trước những biến cố; bao gồm dịch bệnh từ các quần thể cây trồng vật nuôi, sự xâm lấn của các loài ngoại lai và biến đổi khí hậu do hiệu ứng trái đất nóng lên đang xảy ra.
 
Một ví dụ, chỉ trong lĩnh vực dược liệu thôi, theo các nhà nghiên cứu, số loài thực vật có giá trị dược liệu ở tỉnh Lâm Đồng lên đến 1.247 loài. Hầu hết các loài cây thuốc có giá trị hiện phân bố trong các hệ sinh thái tự nhiên; một số đã được gây trồng, nhân giống hiện nay (như Đảng sâm, Lan gấm, Đương quy, Trinh nữ Hoàng cung, Canh ki na, Atisô, Cỏ ngọt, Diệp hạ châu...).


 

Cầy vằn, động vật quý hiếm trong danh sách nguy cấp được chụp bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà
Cầy vằn, động vật quý hiếm trong danh sách nguy cấp được chụp bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà


 
Hành động bảo tồn
 

Lâm Đồng trong nhiều năm nay đã xác định bảo vệ tài nguyên ĐDSH là một nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai.
 
Từ năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008-2020. Trong năm 2014 tỉnh tiếp tục đưa ra kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng cho giai đoạn 2015-2020. Trong năm 2017, Lâm Đồng có Quyết định 169/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 phê duyệt qui hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh sau đó đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về ĐDSH cấp tỉnh.
 
Cùng với nỗ lực của tỉnh, Lâm Đồng cũng tiếp nhận các sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nhiều tổ chức đã cử các chuyên gia đến tỉnh nghiên cứu, đề xuất xây dựng hành lang ĐDSH, xây dựng vành đai an toàn cho các hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ đặc biệt cũng như đưa ra các công cụ qui hoạch vùng cảnh quan, lượng hóa giá trị sinh thái; tổ chức điều tra cơ bản về ĐDSH tại các khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và tại một số ban quản lý rừng.
 
UBND tỉnh đến nay cũng phân công cụ thể các sở, ban, ngành của tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp trong công tác bảo tồn ĐDSH; lồng ghép công tác bảo tồn trong các chính sách của tỉnh. Cụ thể như việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình trong đó ưu tiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được thực hiện và duy trì hiệu quả, đóng góp đáng kể cho công tác giảm nghèo, ổn định đời sống cư dân vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Hay trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay Lâm Đồng đang triển khai rất hiệu quả trên địa bàn và đây là cơ sở cho việc người dân tiếp cận với những lợi ích từ cơ chế chi trả REDD tại Lâm Đồng trong thời gian đến.

 

Thu thập mẫu trong rừng. (Chùm ảnh do VQG Biduop - Núi Bà cung cấp)
Thu thập mẫu trong rừng. (Chùm ảnh do VQG Biduop - Núi Bà cung cấp)


Lâm Đồng cũng đã triển khai xây dựng và thẩm định phương án quản lý rừng bền vững; đồng thời, việc UNESCO công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển Langbian thành Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam cũng góp phần không nhỏ trong việc mở rộng phạm vi bảo tồn ĐDSH cho nhiều hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
 
Chỉ tính trong giai đoạn 2017-2020, một danh mục gồm 15 nhiệm vụ, dự án đã được Lâm Đồng triển khai cho công tác bảo tồn ĐDSH với tổng vốn khoảng 510,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2030, sẽ có 22 nhiệm vụ, dự án được tỉnh lên kế hoạch triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến 819 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ ngân sách nhà nước, từ nguồn xã hội hóa và vốn từ các cơ quan, tổ chức nước ngoài hỗ trợ.
 
Tính đến nay, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, tỉnh đã triển khai 3 trong 4 dự án của giai đoạn 2017-2020, bao gồm công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH; đánh giá hiện trạng và mức độ nguy hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; xây dựng bản đồ phân vùng áp dụng đốt xử lý vật liệu cháy rừng. Ngành chức năng tỉnh cũng đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu, lập báo cáo hiện trạng ĐDSH cấp tỉnh và các khu bảo tồn, đang chờ tỉnh phê duyệt để thực hiện.
 

 

http://www.baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202103/lam-dong-no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bai-1-3045576/

Theo VIẾT TRỌNG (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm