UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 với kinh phí 176,8 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời.
Cụ thể, đối với diện tích nhà kính xây dựng trái quy định mà người dân canh tác ổn định trước năm 2016, sau khi giải tỏa, được trồng cây nông nghiệp nhưng phải là cây đa mục đích, cây công nghiệp. Đối với diện tích lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây, sau khi giải tỏa, bắt buộc phải khôi phục lại rừng bằng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích.
Tỉnh Lâm Đồng cũng quyết tâm giảm diện tích nhà kính tại các vùng nội ô TP Đà Lạt theo từng năm, trong đó đến năm 2025 giảm còn 2.054ha, đến năm 2030 không còn diện tích nhà kính tại các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, 18 năm qua, công nghệ nhà kính đã được áp dụng mạnh, đến nay diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 4.476ha, trong đó TP Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với 2.554ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh.
Một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp của tỉnh là tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận.