Thời sự - Bình luận

Làm gì để không bất ngờ trước trận mưa lịch sử?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều bài học được đặt ra trong trận mưa lịch sử ngày 14.10. Trước đó từ giữa năm, nhiều vấn đề cũng đã được yêu cầu chuẩn bị nhưng công tác cảnh báo cũng bị bất ngờ nên hiệu quả giảm thiểu thiệt hại chưa cao.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa trong ngày 14.10 tại TP.Đà Nẵng là từ 400 - 700 mm, trong đó lượng mưa lớn nhất trong 6 giờ lên tới 567,8 mm (từ 15 - 21 giờ ngày 14.10).
 

TP. Đà Nẵng ngập nặng trong trận mưa lịch sử 14.10. Ảnh: Văn Minh
TP. Đà Nẵng ngập nặng trong trận mưa lịch sử 14.10. Ảnh: Văn Minh


Nhiều cơ quan chức năng thống nhất, với lượng mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn như vừa qua, thì không hệ thống thoát nước nào chịu nỗi, bởi hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chỉ đáp ứng lượng mưa 100 - 200 mm.

Còn nhớ, tại nhiều kỳ họp HĐND, cử tri cũng đã phản ánh, nỗi lo lớn nhất trong mùa mưa bão tại Đà Nẵng là ngập úng đô thị mà nguyên nhân chủ quan là do công tác nạo vét cống, nhất là nạo vét cống trong các kiệt hẻm chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, nhiều người dân, nhất là những hộ dân hay cơ sở kinh doanh, hàng quán buôn bán trên vỉa hè, có miệng cống phía trước, thường tự ý bịt cửa thu nước để tránh mùi. Nên khi xảy ra mưa lớn, nước không thoát kịp.

Do đó, nhiều trạm bơm thoát ngập vận hành thời gian ngắn thì không còn nước để bơm, nhưng nước trên mặt đường còn ngập úng nhiều do bị hạn chế cửa thoát.

Ngoài ra, các trạm bơm khi bão lớn, mưa lớn gây ngập, ảnh hưởng hệ thống điện thì không phát huy tác dụng, nhất là các hầm chui hiện nay ngập nặng thì trạm bơm cũng tê liệt.

Còn nhớ hồi cuối tháng 6.2022, tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó thiên tai năm 2022, những vấn đề trên đã được đặt ra.

Khi đó lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã quyết liệt cắt những phần báo cáo có sẵn tài liệu, yêu cầu đưa ra dự báo cụ thể về thời gian, cường độ thiên tai, cảnh báo và công tác ứng phó, các kịch bản.

Những vấn đề trạm bơm, nạo vét, cửa thu nước đã được đặt ra từ trước, nhưng trong trận mưa lịch sử ngày 14.10 chưa được áp dụng, nhất là công tác cảnh báo sớm về lượng mưa, cường độ mưa, thời gian kéo dài của trận mưa lịch sử còn quá ít.

Nhìn lại công tác ứng phó bão số 4 (bão Noru), thiệt hại TP.Đà Nẵng không đáng kể, nhất là không có thiệt hại về người, cho thấy sự chủ động dự báo sớm, cảnh báo liên tục và di dời dân đã phát huy hiệu quả.

Do đó, thành phố cần có sự điều chỉnh và các kịch bản ứng phó tốt hơn nữa trước diễn biến dị thường của thiên tai. Đặc biệt, với những phương án đã chuẩn bị từ giữa năm, nếu như có sự cảnh báo sớm hơn nữa thì có thể sẽ giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Theo Văn Minh (TNO)
 

 

Có thể bạn quan tâm