Làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với sự phát triển trên các lĩnh vực, đội ngũ trí thức (ĐNTT) trong hệ thống chính trị và các ngành kinh tế của tỉnh đều có bước phát triển. Tính đến thời điểm 31-5-2012, đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh là 11.477 người (trong đó, cấp tỉnh: 1.686 người; cấp huyện: 2.723 người; cấp xã: 7.068 người); đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp là 22.434 người.

Về trình độ chuyên môn, hiện nay có 1 Phó Giáo sư-tiến sĩ, 8 tiến sĩ; 2 nghệ sĩ nhân dân; 5 nghệ sĩ ưu tú; 1 nhà giáo nhân dân; 16 nhà giáo ưu tú; 13 thầy thuốc ưu tú, 6 bác sĩ chuyên khoa II, 55 bác sĩ chuyên khoa I; 275 thạc sĩ; 10.894 đại học. Về trình độ lý luận chính trị, có 621 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 1.478 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương...

 

 

Có thể nói, ĐNTT ở các ngành, các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh đều tăng, nhưng tăng nhanh nhất là ngành Giáo dục và ngành Y tế. Sự tăng nhanh về số lượng ĐNTT là yêu cầu cấp thiết đối với một tỉnh miền núi như tỉnh Gia Lai và cũng phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Những năm qua, ĐNTT đã có nhiều đóng góp to lớn, hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị của tỉnh. Trên lĩnh vực khoa học-xã hội và nhân văn đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tham mưu, đề ra các chính sách, giải pháp nhằm giải phóng sức lao động, phát huy nhân tố con người là động lực chủ yếu tạo ra những chuyển biến nhanh chóng trong tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trên địa bàn.

Nhiều đề tài nghiên cứu về khoa học-xã hội và nhân văn được ĐNTT đảm nhận, góp phần đáng kể vào chiến lược đào tạo nhân lực, cán bộ cho tỉnh; nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương được nghiên cứu, khai thác, phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa, lịch sử của địa phương trong tình hình mới. Các nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… đã có nhiều tác phẩm phản ánh sinh động những nét đẹp đời thường, những chuyển biến của công cuộc đổi mới; thông qua nhiều diễn đàn, đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ, phát huy cái tốt, loại trừ cái xấu và chống quan điểm sai trái.

Trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ đã kiến nghị với các cấp, các ngành có thẩm quyền những phương án phát triển sản xuất ở địa phương theo vùng lãnh thổ một cách hợp lý. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐNTT có những đóng góp vào phát triển sản xuất như áp dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là giống lúa, bắp lai, cà phê, tiêu, bò lai, heo lai… thâm canh và chuyển đổi mùa vụ góp phần tăng nhanh sản lượng nông sản, hàng hóa của tỉnh. Trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ… đội ngũ trí thức từng bước cập nhật kiến thức khoa học, góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; các sản phẩm công-nông nghiệp của tỉnh được giới thiệu ngày càng nhiều đến các địa phương trong nước và khu vực…

Tuy nhiên, sự phát triển của ĐNTT trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn chế: Cơ cấu phân bố ĐNTT của tỉnh theo ngành, nghề vẫn chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế-xã hội của địa phương. Đa số trí thức tập trung ở các vùng có điều kiện phát triển. Số trí thức là người dân tộc thiểu số những năm qua tuy có tăng nhưng không đáng kể. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí của trí thức chưa đầy đủ, chưa nhất quán trong cơ chế, chính sách, đào tạo, sử dụng trí thức; có nơi ít quan tâm đến bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và tôn vinh những trí thức có tài năng.

Việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; ở một số ngành đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức có năng lực thực sự xin ra làm việc cho doanh nghiệp tư nhân. Đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhân lực có khả năng hoạch định chính sách, cán bộ khoa học-kỹ thuật giỏi, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn thiếu. Trình độ ngoại ngữ, tin học của ĐNTT nhìn chung còn yếu. Đời sống của một bộ phận trí thức còn khó khăn nên chưa tập trung vào công tác chuyên môn, vào nghiên cứu khoa học, học tập để nâng cao trình độ.

Sự thiếu hấp dẫn, thiếu động lực trong hoạt động khoa học là những vấn đề cấp bách đang hạn chế sự phát triển của lực lượng trí thức ở địa phương. Trình độ dân trí của tỉnh còn thấp, chất lượng giáo dục, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập nên chưa tạo được nguồn để phát triển ĐNTT. Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, đào tạo nghề của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của địa phương…

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng ĐNTT trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cần phát huy cao nhất năng lực sáng tạo của ĐNTT. Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển và cống hiến.

Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, sử dụng cán bộ và trí thức, gắn đào tạo đại học và sau đại học với nhu cầu của xã hội, với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh… Tạo cơ hội để ĐNTT tự nguyện đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ trong cộng đồng, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian đến.

Đỗ Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm