Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Anh Bình sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Hòa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thấy anh rắn rỏi, cần mẫn, tháng 10-1997, bà Nguyễn Thị Loan (tổ 3, thị trấn Chư Sê) nhận anh vào làm khoán nương rẫy ở xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Tại đây, anh được chỉ bảo tận tình cách gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ hồ tiêu, cà phê, sầu riêng... Nhờ đó, anh có thêm kinh nghiệm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Có sức khỏe, lại chịu khó học hỏi, siêng năng làm việc và đặc biệt là bản tính thật thà, anh Bình được nhiều người thuê làm công. Hết hợp đồng làm thuê ở xã Ia Hlốp và xã Gào (TP. Pleiku), anh theo bạn bè lên Kon Tum làm gạch. Năm 2000, trong một lần làm việc, không may anh bị máy gạch nghiền nát cánh tay trái. Không nản chí trước những khó khăn, sau khi chữa trị, anh lại tiếp tục đi làm thuê, tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng. Nhờ có chí hướng, sống tiết kiệm nên cuối năm 2001, anh tích góp mua gần 1 ha đất đồi trọc tại thôn 4 (xã Gào) để làm nhà ở và trồng cà phê. Không phụ công người siêng năng, vườn cà phê của anh phát triển ngày càng xanh tốt, cho năng suất cao.
Thấy anh Bình thật thà, nỗ lực vượt lên số phận, năm 2006, chị Phạm Thị Hà (quê ở Bình Định) đã đem lòng yêu thương. Họ kết hôn và sống bên nhau hòa thuận, sinh được 3 người con. Năm 2009, vợ chồng anh quyết định bán khu nhà vườn ở xã Gào chuyển sang sinh sống tại làng Mơ Nú, xã Ia Kênh. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 4 ha cây trồng các loại, trong đó có gần 1 ha sầu riêng, hơn 2 ha chanh dây. Năm 2022, vườn cây đem về nguồn thu hơn 2 tỷ đồng.
Vợ chồng anh Cao Thanh Bình thu hái cà phê. Ảnh: Hoàng Minh
Không chỉ chăm lo làm ăn, anh Bình còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ người khác. Anh Trần Tấn Quang (làng Mơ Nú) chia sẻ: “Chúng tôi nghèo khó, từ tỉnh Quảng Ngãi lên đây làm thuê nhiều năm nay. Anh Bình không chỉ cho ở nhà miễn phí mà còn dành nhiều thời gian hướng dẫn cách làm ăn, giúp chúng tôi có thu nhập ổn định”. Còn chị Ksor H’Nanh (làng Thong Ngó) thì phấn khởi nói: “Mình và chị Kpuih H’Liên làm công được anh Bình trả 7-8 triệu đồng/tháng. Một số người làm thuê được anh Bình trả 450-500 ngàn đồng/ngày”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Puih Buih-già làng Thong Yó-nhận xét: “Anh Cao Thanh Bình bị mất 1 tay mà làm việc rất giỏi. Bình vừa khỏe, vừa giàu có, thường xuyên hỗ trợ dân làng mình và các làng ở xung quanh đây thoát nghèo”. Còn nói như ông Rơ Châm Duih-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kênh thì: “Anh Bình là người ít nói, hay làm những việc có ích và giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế, cùng xây dựng nông thôn mới nên ai ai cũng quý”.  
HOÀNG MINH

Có thể bạn quan tâm