Thời sự - Bình luận

Làm nông đâu mãi cuốc cày...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngành đường bao năm qua chịu lép vế, nhiều nhà máy đường 'lên bờ xuống ruộng' vì đường Thái Lan khi hằng năm có vài trăm ngàn tấn đường nhập lậu qua biên giới phía Tây. Nhưng nay Việt Nam đã có tên trên bản đồ xuất khẩu đường thế giới.

Thực ra, Việt Nam không thể xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn đường mỗi năm nếu không có những cánh đồng mía lớn ở... nước ngoài.

Nơi đó, với quy mô đủ lớn, doanh nghiệp có thể đầu tư kỹ thuật canh tác hiện đại, công nghệ tốt nhất để có năng suất cao nhất, sản phẩm hợp với xu hướng tiêu dùng mới.

Câu chuyện của ngành đường cũng là vấn đề chung của ngành nông nghiệp. Nhiều sản phẩm sản xuất với quy mô nhỏ lẻ khó tiêu thụ, trong khi doanh nghiệp đỏ mắt tìm những cánh đồng quy mô đủ lớn để đầu tư công nghệ, làm ra sản phẩm chất lượng cao không chỉ xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Không thể mãi để nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", không thể mãi làm nông với sức người, cày cuốc. Nhưng đồng ruộng manh mún lại đang cản trở quá trình chuyển nông dân thành những công nhân nông nghiệp, đúng hơn là hiện đại hóa ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thiếu đi những cánh đồng lớn, doanh nghiệp không thể đổ vốn đầu tư, nông nghiệp khó có được bước ngoặt chuyển kiếm tiền nhờ số lượng qua "hốt tiền" nhờ chất lượng.

Trên thực tế, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn xoay trở để tìm đất làm nông nghiệp quy mô lớn. Có doanh nghiệp phải ra nước ngoài.

Cũng có doanh nghiệp thuê đất của nông dân, đầu tư hàng trăm tỉ đồng, ứng dụng công nghệ hiện đại. Một số địa phương đang san bờ, hợp thửa để có được cánh đồng lớn...

Nhưng tất cả chỉ dừng ở dò dẫm vì vướng ở hạn điền. Ngay những doanh nghiệp đi tìm đất cũng ngại bị mang tiếng là tích tụ ruộng đất...

Nông nghiệp Việt không thể làm ăn lớn, đứng vững trên sân nhà và bước ra thị trường thế giới nếu không được cởi trói.

Thời gian qua Chính phủ đã tạo nhiều sân chơi cho doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do với thuế suất thấp hoặc bằng 0%.

Nhưng vẫn chưa đủ. Người tiêu dùng, nhất là ở nước ngoài, luôn đòi hỏi sản phẩm có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, thân thiện nhất, giá tốt nhất...

Muốn vậy, doanh nghiệp phải đầu tư, ít cũng phải cơ giới hóa, cao hơn là công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thậm chí đưa robot vào sản xuất. Thời buổi công nghệ không thể chấp nhận mãi làm nông bằng cày cuốc, bốc vác.

Những cái mới cần những cánh đồng lớn. Không thể sắm máy trồng và thu hoạch mía, máy cày và gặt lúa chỉ đạp ga là đã đụng bờ ruộng bên kia. Máy cần diện tích ruộng đồng lớn, thậm chí "thẳng cánh" để máy bay phục vụ nông nghiệp có thể tung hoành...

Nhưng đến nay, câu chuyện những "ông chủ đồn điền" với hàng trăm sổ đỏ nhưng đứng tên người khác vẫn thời sự. Không có đất để đầu tư lớn vẫn là tâm tư của nhiều doanh nhân ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn phải chờ, nhưng cơ hội sẽ trôi qua, không khéo ngành nông nghiệp sẽ chậm chân trước sự thay đổi quá lớn của công nghệ và xu hướng tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Theo THANH TUYỀN (TTO)

Có thể bạn quan tâm