Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ', Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội. ẢNH: GIA HÂN
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7.11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân liên tục “nhận trách nhiệm” về những tồn tại trong công tác cán bộ; đặc biệt là quy trình, thủ tục quá nhiều tầng nấc nhưng vẫn chọn sai người trong hệ thống.
Có tỉnh bổ nhiệm sai đến 1.700 trường hợp
Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu (ĐB) Cao Thị Giang (Quảng Bình) đặt vấn đề thực tế có nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ như: bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định; bổ nhiệm người nhà, người thân… và chất vấn: “Bộ trưởng có thể công khai các trường hợp này cho ĐB Quốc hội (QH), nhân dân biết để giám sát được hay không? Bộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”.
Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ không đáp ứng yêu cầu như vậy ? ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) |
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi có Kết luận 43 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các đơn vị của T.Ư làm báo cáo tự kiểm tra về sai phạm trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch, khen thưởng… “Kết quả kiểm tra này đã được Ban Tổ chức T.Ư tổng hợp báo cáo chung cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, nhập với báo cáo của Ban Tổ chức T.Ư để làm báo cáo chung”, Bộ trưởng Tân lý giải và nói thêm “con số này tôi sẽ không công bố tại đây”.
ĐB Phạm Tất Thắng
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm, nhưng hiện nay có những trường hợp sai phạm trong thời điểm thực hiện Kết luận 44 (của Bộ Chính trị - PV) đã ở cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt là chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng gốc của vấn đề là khâu tuyển dụng; không giải quyết được cái gốc của tuyển dụng thì các bước tiếp theo đều vướng.
Tuy vẫn khẳng định không báo cáo được cho các ĐB con số cụ thể, nhưng Bộ trưởng Tân nói có những tỉnh “sai phạm trên 1.700 trường hợp trong tuyển dụng”.
Quy trình rất chặt chẽ nhưng “không nắm được cán bộ”
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH, đặt vấn đề: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, T.Ư đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp; nhiều cơ quan, địa phương cũng đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm. “Cử tri có hỏi và tôi xin Bộ trưởng trả lời giúp là chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ không đáp ứng yêu cầu như vậy?”, ĐB Thắng chất vấn.
Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận “chúng ta làm rất chặt quy trình 5 bước; từ việc thảo luận về chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho đến cán bộ chủ chốt, mở rộng và vòng 1 vòng 2, tới Ban Cán sự Đảng, tới Đảng ủy” nhưng lại “không nắm được cán bộ”. “Tất cả cán bộ đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới như kinh nghiệm của Bác Hồ, nhưng xin thưa với các ĐB, Bác Hồ ngày xưa chọn đúng người; chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Thậm chí, theo Bộ trưởng Tân, trong sai phạm của cán bộ thời gian qua, có những cán bộ, công chức khai không trung thực nhưng không phát hiện được. Rất nhiều cán bộ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan tổ chức cất vào tủ, không đi xác minh. Do không thẩm tra, nên “hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch…”. Thêm vào đó, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta chưa kịp thời phát hiện những sai phạm của cán bộ trong quá trình công tác trước đây do cơ quan quản lý trước đây không làm rõ sai phạm, không có kết luận rõ ràng, để đến mức khi đề bạt các chức vụ cao hơn thì tòa xử có tội, thậm chí phải thi hành án, vào tù.
“Bản thân tôi cũng thấy rất phiền hà về văn bằng chứng chỉ”
“Mục đích có chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vậy xin hỏi Bộ trưởng có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?”, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn về vấn đề rất nhiều người quan tâm.
ĐB Võ Thị Như Hoa (TP.Đà Nẵng) thì nêu vấn đề, liệu có hay không việc yêu cầu học các văn bằng, chứng chỉ để “nuôi” các cơ sở đào tạo, và đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo rà soát để tích hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng để tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ, ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ: “Bản thân tôi cũng thấy rất phiền hà về văn bằng chứng chỉ. Không chỉ riêng thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, chỉ riêng quy trình bổ nhiệm cán bộ của mình hiện nay cũng phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện. Tôi thấy nhiều quá!”.
Dù vậy, Bộ trưởng giãi bày các quy định này không phải Bộ Nội vụ đặt ra, vì Bộ mới thành lập từ năm 2004, trong khi quy định đã có từ năm 1993 tới nay. Nhận trách nhiệm về quy định để hơn 20 năm không sửa, sinh ra nhiều thủ tục rườm rà, ông Tân cam kết năm 2020, sau khi luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, Bộ Nội vụ sẽ sửa ngay. “Tôi xin hứa với ĐBQH là sau khi luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi, Bộ Nội vụ sẽ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để chứng chỉ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữa mà sẽ đi vào thực chất; đạt được trình độ là có thể áp dụng được trong công việc”, Bộ trưởng Tân nói.
Đối với các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, ông Tân cho biết việc hiện nay quy định như nhau đối với tất cả công chức, viên chức là không đúng và tới đây sẽ sửa đổi theo hướng phù hợp với từng vị trí việc làm. Còn đối với các loại chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng mà ĐB Hoa nêu, theo Bộ trưởng, hướng sắp tới sẽ phân ra điều kiện cần để bổ nhiệm và điều kiện đủ để bồi dưỡng sau khi được giao nhiệm vụ, giảm tối đa các loại thủ tục. “Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng; không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Vũ Hán-Lê hiệp (Thanh Niên)