Phóng sự - Ký sự

Làm việc giữa nắng chang chang trên cánh đồng điện mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắng chang chang chiếu xuống hàng vạn tấm pin trên cánh đồng điện mặt trời (ĐMT) ở hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Bỗng dưng các màn hình máy tính trong "tổng hành dinh" phát tín hiệu lỗi...
Một góc cánh đồng điện mặt trời Dầu Tiếng nhìn từ trên cao - Ảnh: TỰ TRUNG
Một góc cánh đồng điện mặt trời Dầu Tiếng nhìn từ trên cao - Ảnh: TỰ TRUNG
Một cột tín hiệu hiển thị công suất phát điện tụt về trị số 0, hệ thống báo lỗi chạm đất.
Mất công suất tức là mất tiền, các kỹ sư cấp tốc vác đồ nghề nhảy lên ghe, luồn lách giữa hàng trăm dãy pin định vị vị trí lỗi để truy tìm "thủ phạm".
Khi lên đỉnh, khi xuống đáy
Thì ra, "thủ phạm" chính là lũ chuột đồng đã cắn đứt cả đường dây, buộc các kỹ sư phải nối dây để dòng điện lại "phà phà" lên lưới. Đó là một trong những công việc thường ngày ở cụm nhà máy ĐMT lắp trên vùng bán ngập lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Những người đặt nhát cuốc đầu tiên vào năm 1981 phát lệnh khởi công hồ thủy nông nhân tạo lớn nhất nước chắc không ngờ một ngày cả vùng đất cỏ dại um tùm mùa nắng hạn và ngập chìm trong biển nước mùa mưa lại trở thành cánh đồng hái ra tiền từ nguồn năng lượng... trời cho. Khu vực ven hồ Dầu Tiếng nhìn từ flycam xuất hiện cả rừng pin xếp lớp lang, hiện đại, trái ngược hẳn cảnh đất đai khô khốc, nứt nẻ trước đây.
Từ tờ mờ sáng, dãy máy tính trong "tổng hành dinh" đã sáng đèn, chuẩn bị một ngày làm việc mới. Những ngày đầu mùa hè, chừng 5h30 mặt trời đã ló dạng nhưng hàng vạn tấm pin vẫn chưa "ăn" bức xạ khi mọi chỉ số phát điện vẫn ở con số 0.
Đúng 6h08, hệ thống bắt đầu ghi nhận những thông số điện đầu tiên và 24 cụm phát của nhà máy Dầu Tiếng 3 bắt đầu phát điện. Trên màn hình máy tính, đồ thị với 2 đường kẻ xanh và đỏ biểu thị công suất của nhà máy, lượng bức xạ mặt trời bắt đầu đi lên theo thời gian.
Ngồi quan sát các chỉ số trước dãy máy tính, kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Cường cho biết đồ thị công suất và lượng bức xạ luôn luôn tỉ lệ thuận với nhau khi lên cùng lên, xuống cùng xuống. Tức là nắng đẹp, lượng bức xạ lớn, những tấm pin sẽ đạt công suất cao. Tuy vậy, "nắng mưa là chuyện của trời" nên đồ thị công suất này cũng lắm hình hài.
Với ngày nắng tốt, đồ thị sẽ có 2 nét vẽ song song trên màn hình tựa như hình hài ngọn núi Bà Đen mà đỉnh núi cũng là đỉnh phát điện trong ngày khi công suất đạt tối đa vào khoảng giữa trưa. Như ngày 15-4, lượng bức xạ đạt đỉnh vào lúc 11h21 với chỉ số bức xạ lên đến 1.068 W/m². Khổ nhất là những ngày trời lắm mây, đồ thị rớt liên tục, khi đang đạt đỉnh nhưng lại rơi tụt xuống đáy chỉ vì một đám mây đi qua phủ bóng cả rừng pin.
Theo kỹ sư Cường, sản lượng điện khi đã lên đỉnh vào giữa trưa sẽ bắt đầu đổ dốc hạ xuống dần dần và trở về 0 khi trời tắt nắng lúc xế chiều, thường rơi vào khoảng 17h30-17h50.
Từ ngày vận hành cho đến nay, kỹ sư Nguyễn Thanh Nhàn kể rằng "kẻ thù" của các kỹ sư vận hành chính là lũ chuột đồng hoạt động rầm rộ, nhất là vào mùa nước ngập. Khi đồng ngập, các đàn chuột sẽ sống chui rúc trên các hệ thống pin và tìm cách cắn dây điện, có khi đứt vài múi điện một ngày. Mùa nước ngập, các kỹ sư phải chạy ghe ra nối dây, có khi té ùm xuống nước hay sụt hố cá ướt sũng cả người.
"Anh em toàn dân kỹ thuật nhưng giờ thành dân sông nước, không chỉ giỏi sửa chữa mà còn phải chạy ghe giỏi, bơi lội tốt để phòng thân" - kỹ sư Nhàn kể.
Các công nhân vận hành robot chùi rửa tấm pin trên cánh đồng điện mặt trời - Ảnh: NGỌC HIỂN
Các công nhân vận hành robot chùi rửa tấm pin trên cánh đồng điện mặt trời - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nắng lớn, điện nhiều
Những ngày này, nhóm công nhân miệt mài lăn lộn giữa tiết trời nắng gắt để điều khiển những chú robot chùi rửa tấm pin. Mỗi chú robot này có giá 200 triệu đồng, được thiết kế riêng cho nhà máy với nguyên lý bắn tia nước vào mặt kính và bàn chải sẽ quay tròn chùi rửa. Nhà máy đặt trên hồ song không thể hút nước hồ lên rửa mà phải qua một hệ thống xử lý pH đạt chuẩn, hạn chế làm hao mòn các tấm pin dẫn đến giảm công suất.
Cứ 3 tháng 1 lần, các chú robot lại hoạt động và việc vận hành robot không phải các kỹ sư lành nghề mà đơn giản chỉ là những người nông dân sống trong vùng hiện đang làm việc thời vụ khá mới mẻ cho nhà máy.
Theo ông Lê Ngọc Liêm - phó giám đốc nhà máy Dầu Tiếng 3, bụi bẩn sẽ làm giảm khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời của tấm pin nên phải chùi rửa để có thể thu được bức xạ tối đa. Ở Dầu Tiếng có rất nhiều cò, lạ lùng thay đôi khi chỉ một bãi phân chim trên tấm pin cũng có thể làm nóng cục bộ dẫn đến hỏng tấm pin... Do đó, việc vệ sinh giúp hạn chế hư hao tấm pin.
Một trong những nỗi lo ở các nhà máy ĐMT là sấm sét gây hư hỏng thiết bị, song ở khu vực hồ Dầu Tiếng, các khảo sát trước đây đều cho ra tỉ lệ sét đánh ở đây rất thấp nên nhà máy còn "không thèm" lắp cột thu lôi.
Với công suất 60 MW, nhà máy Dầu Tiếng 3 mỗi ngày phát lên lưới từ 300-400 MWh đối với những ngày nắng đẹp. Còn cả cụm gồm ba nhà máy (Dầu Tiếng 1, 2, 3) có tổng công suất 410 MW, với số lượng tấm pin lên đến 1,8 triệu tấm trên diện tích 504ha.
Tổng giám đốc Công ty ĐMT Dầu Tiếng 3 Trần Cao Đình Tuyền cho biết cả cụm ba nhà máy cung cấp sản lượng điện hằng năm khoảng 1 tỉ kWh, đáp ứng khoảng 20% lượng điện tiêu thụ một năm của tỉnh Tây Ninh. Theo ông Tuyền, nhà máy ở Dầu Tiếng có lợi thế sản xuất bao nhiêu đẩy được lên lưới bấy nhiêu, không bị cắt giảm công suất do quá tải đường dây như tại Ninh Thuận.
Nói về quá trình vận hành, ông Lê Ngọc Liêm cho biết từng có kinh nghiệm nhiều năm vận hành nhà máy nhiệt điện nên kể ra "món mới" ĐMT này vận hành đơn giản hơn khi ít phải bảo trì, sửa chữa.
"Riêng khâu hít thở bầu không khí thì làm ở nhà máy ĐMT sướng hơn nhiều, mây trời gió lộng, thỉnh thoảng lại câu ít cá lòng hồ lên lai rai mà không lo gì về không khí như thời làm nhiệt điện" - ông Liêm nói. 
Và quan trọng là người dân ở đây cũng vui vẻ với nhà máy ĐMT, chứ không như với các nhà máy gây ô nhiễm nặng nề khác...
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị này đã huy động nguồn điện từ năng lượng tái tạo là 2,76 tỉ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 2,31 tỉ kWh, tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, cả nước có khoảng 4.500 MW điện mặt trời đã vận hành với khoảng 100 dự án, tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Nguồn điện "chi viện" từ các nhà máy ĐMT tăng mạnh

“Rừng” tấm pin tạo ra nguồn điện trên vùng bán ngập ở hồ Dầu Tiếng - Ảnh: NGỌC HIỂN
“Rừng” tấm pin tạo ra nguồn điện trên vùng bán ngập ở hồ Dầu Tiếng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ông Phạm Đăng Khoa - phó tổng giám đốc Công ty BCG Energy - cho biết nhà máy ĐMT BCG-CME Long An 1 (Long An) trung bình mỗi ngày sản xuất ra hơn 170.000 kWh điện. Theo ông Khoa, tổng sản lượng điện trong tháng 3 vừa qua đạt hơn 5,3 triệu kWh. Trong điều kiện thời tiết tốt, độ bức xạ cao, nhà máy có năng suất tốt với công suất thực tế đạt tỉ lệ 99,7% so với công suất lắp đặt.
Còn đại diện Tập đoàn Trung Nam cho biết trung bình mỗi tháng, nhà máy ĐMT Ninh Thuận cung cấp sản lượng điện đạt 35 triệu kWh và nhà máy ĐMT Trà Vinh đạt sản lượng 22 triệu kWh. Sản lượng thực tế của hai nhà máy trên tương đương với sản lượng thiết kế và hiệu suất luôn đạt tỉ lệ cao, từ 95-98%.
NGỌC HIỂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm