Ông bầu và những cuộc chiến ồn ào xung quanh họ chẳng hề là câu chuyện mới từ thời bóng đá Việt khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp. Nhưng chẳng vì thế mà vụ công kích mới đây từ bầu Đức hướng tới bầu Hiển, hai ông bầu quyền lực nhất và có ảnh hưởng nhất của làng cầu nội hạ nhiệt...
1.Thập niên đầu của những năm 2000 được xem là thời gian cực thịnh của bóng đá doanh nghiệp khoác áo chuyên nghiệp không chỉ về số lượng mà cả số các ông bầu nhảy vào đầu tư bóng đá đỉnh cao. Kiểu làm thì ai cũng... như ai- đổ tiền vào sân cỏ để lấy được thành tích nhanh nhất.
Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn T&T) cũng nằm trong số đó và cũng với lộ trình như thế. Hoàng Anh Gia Lai từ một đội bóng phố Núi vô danh ở hạng Nhất, nhờ mua về hàng loạt ngôi sao Thái Lan, trong đó có cả ngôi sao sáng nhất Đông Nam Á thời đó là Kiatisuk đã giành liên tiếp 2 chức vô địch V-League 2003, 2004. Còn Hà Nội T&T trước kia và bây giờ là Hà Nội, chỉ mất đúng 3 năm để từ hạng Ba lên chuyên nghiệp và 4 năm để vô địch V-League 2010 - một kỷ lục!
2. Dù có những bước tiến đáng kể trên con đường chuyên nghiệp, nhưng bóng đá Việt cho đến lúc này vẫn chưa thể tự nuôi sống mình bằng hoạt động bóng đá. Và trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi những món lợi từ bóng đá đem lại như bất động sản, dự án... không còn nhiều, thì xuất hiện một làn sóng các ông bầu "bỏ bóng".
Trong làn sóng đó, bầu Đức và bầu Hiển vẫn trụ lại và thay bằng việc chạy theo thành tích, hai ông bầu này trở nên căn cơ hơn với cách làm bài bản, từ gốc - Tập trung cho công tác đào tạo trẻ. Bóng đá Việt thêm lần nữa hưởng lợi từ cách làm đó, Hoàng Anh Gia Lai với Học viện đào tạo tầm quốc tế khi phối hợp cùng CLB danh tiếng nước Anh là Arsenal đã có ra đời lứa: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... còn Hà Nội có những: Quang Hải, Văn Hậu... đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia gặt hái nhiều kỳ tích trên đấu trường quốc tế.
Chỉ có điều ở cấp câu lạc bộ, mà cụ thể là ở sân chơi V-League, chưa lúc nào hai ông bầu thôi là đối trọng. Vài năm trước chính bầu Đức đã "tố" bầu Hiển "phá bóng đá" theo kiểu làm "1 ông chủ nhiều đội bóng" khiến thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phải vào cuộc, nhưng không chứng minh được điều gì, dù ai cũng biết sức ảnh hưởng của bầu Hiển tới nhiều đội bóng đang chơi ở V-League, từ Hà Nội tới SHB Đà Nẵng, rồi Quảng Nam...
Gần nhất, trong buổi ký hợp đồng đưa "gà cưng", chân sút Nguyễn Công Phượng sang Bỉ thi đấu cho đội Sint-Truidense V.V., thêm lần nữa, bầu Đức lại lên tiếng bằng ví von hết sức mình ảnh "1 thằng béo không thể đánh thắng nổi 5 thằng gầy" khi đề cập tới khả năng đội TPHCM vô địch V-League 2019. Dù không nói thẳng, nhưng ai cũng hiểu, ông Đức nói TPHCM khó lòng vô địch khi mà V-League lúc này có quá nhiều đội bóng của bầu Hiển.
Bóng đá Việt chưa thể chuyên nghiệp 100% vì nhiều lý do, nhưng càng chưa chuyên nghiệp thì càng phải minh bạch. Phản ứng của bầu Đức là có thể hiểu được, tuy nhiên, cuộc đối đầu đến mức thái quá của 2 ông bầu tâm huyết rõ ràng không mang lại lợi ích cho bóng đá Việt, đó là chưa kể đến sự phân hóa kiểu "theo phe" của giới truyền thông, hoặc đơn giản chỉ là câu view từ những phát ngôn, hành động gây sốc của các ông bầu.
3. Trả lại cho sân cỏ nội sự minh bạch, đó là việc của các cơ quan quản lý bóng đá, nhưng một môi trường lành mạnh để bóng đá phát triển thì cùng cần cái bắt tay của chính các ông bầu, trong đó có cả bầu Đức và bầu Hiển.
Ngọc Minh (HQ Online)