Thời sự - Bình luận

Lan đột biến: Chỉ "phông bạt" thôi, và xong rồi, ngành thuế đã vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
99% giao dịch lan đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy trị giá 19 tỉ đồng ở Hà Nam là giả. 100% vụ lan var ở Đắk Lắk là giả. Ngành thuế đã chính thức có động thái yêu cầu thu thuế đối với các giao dịch.
 
Lan đột biến trong vườn lan Đất Mỏ ở Quảng Ninh. Ảnh: CTV
Lan đột biến trong vườn lan Đất Mỏ ở Quảng Ninh. Ảnh: CTV
Cục Thuế Hà Nam vừa chính thức lên tiếng rằng: Cơ quan thuế xác định 99% các đối tượng buôn bán hoa lan Bảo Duy là giả. Theo đó, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau.
Vụ lan đột biến 5 cánh Bảo Duy, ồn ã dư luận - với cái giá 19 tỉ đồng - hoá ra chỉ là “phông bạt” mà thôi.
Và cái “mục đích” của sự phông bạt mà quan chức ngành thuế nói tới chắc chắn là để đẩy giá, để “tìm kiếm một con gà”.
Tỉ lệ 99% trong nhận định của ngành thuế, vì thế, thật ra chỉ là một cách nói.
Trong tuần qua, hàng loạt các địa phương đã có những động thái rất tích cực sau những cảnh báo về lan đột biến, về những dấu hiệu “y như đa cấp”, thậm chí có biểu hiện lừa đào.
Tỉnh uỷ Hoà Bình đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng “cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh hoa lan đột biến gen, hạn chế rủi ro cho người dân khi góp vốn kinh doanh, xử lý những hành vi kinh doanh, mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền liên quan đến hoa lan đột biến”.
Vừa hôm qua, ngành thuế cũng đã có công văn yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh lan đột biến, phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế.
Bộ máy đã thật sự vào cuộc. Tất cả, để không xảy ra một thứ “đa cấp lan”, một hội chứng lan như “hội chứng hoa tulip”.
Có lẽ, sẽ là thừa khi nói người ta phải tiêu tiền thế nào.
Nhưng không thừa nếu nhắc lại câu chuyện hoa tulip. Năm 1637, khi cơn sốt hoa tulip lên tới đỉnh điểm, người ta tính số tiền để mua một củ hoa tulip có thể mua được: 8 con heo, bốn con bò, 12 con cừu, 24 tấn lúa mạch, 1 con tàu, 1 chiếc giường ngủ, 2 thùng rượu, 4 thùng bia, 2 tấn bơ, 453 kg phomat, 1 tách bạc...
Một củ hoa, đổi bằng một gia tài.
Nhưng xem ra, những cái giá “phông bạt” năm xưa chưa là gì so với hàng chục, hàng trăm tỉ một nhành lan bây giờ.
Tại sao người ta sẵn sàng bỏ cả gia sản cho một củ tulip năm xưa? Vì người ta tin rằng sẽ có người bỏ tiền nhiều hơn. Y như nhiều người đang vay nợ, bán nhà để mua lan bây giờ.
Việc các ngành chức năng, đặc biệt là ngành thuế vào cuộc không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc minh định các giao dịch mà còn trả lại công bằng cho người chơi lan chân chính. Còn giúp người dân không bị cuốn vào chuyện mua bán vịt giời tiềm ẩn đầy rủi ro, bất ổn. Mà đối với thuế thì đó là tiền, tiền thật, không giả, không đùa, không phông bạt được đâu.
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/lan-dot-bien-chi-phong-bat-thoi-va-xong-roi-nganh-thue-da-vao-cuoc-893261.ldo

Có thể bạn quan tâm