Phóng sự - Ký sự

Lặn lội rừng sâu săn nấm quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nấm chò được biết đến như là một loại dược liệu rất quý hiếm, nằm ở rừng sâu, núi cao. Muốn khai thác được loại nấm quý này phải là người gan dạ, chấp nhận rủi ro băng rừng hàng giờ đồng hồ, vượt qua hàng chục con suối và núi cao.

Nhiều người trở về với những thành quả sau hàng tuần trời lặn lội trong rừng, nhưng cũng lắm người mang về chỉ là những thương tích. Ấy là chưa nói đến những cái chết bất thường nơi rừng thiêng nước độc.

“Tiên dược” miền rẻo cao

Nhiều người thợ sơn tràng từng lặn lội vùng rừng sâu núi thẳm săn những sản vật của rừng mỗi khi nhắc đến nghề đi rừng đều lắc đầu ngán ngẩm chuyện săn nấm quý: “Đi rừng chỉ phục nhất hai thứ thợ sơn tràng là dân trầm và dân đi tìm nấm. Muốn tìm thấy một cây nấm chính hãng mọc trong rừng hoàn toàn không phải việc dễ dàng, bởi rừng của mình nay đã ít, cây nấm hiếm quý như thế bị khai thác nhiều cho nên càng lúc càng hiếm. Rừng gần đã hết nay phải đi tìm ở những rừng xa, giáp biên giới. Một chuyến đi rừng tìm nấm thường phải đi thành nhóm, bởi rừng thiêng nước độc nhiều hiểm nguy rình rập nên người ta không thể đi một mình! Cho nên ngoài dân “ngậm ngải tìm trầm”, thì dân đi tìm nấm cũng được liệt vào nhóm kỳ cựu”.

 

 

Chia sẻ về nghề nằm gai nếm mật, uống nước suối ngủ hang đá cả tháng trời để săn nấm giữa vùng rừng sâu, một thợ sơn tràng chuyên săn nấm nay đã giải nghệ bộc bạch rằng để tìm được những cây nấm chò quý hiếm thì hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Những người thu thập phải lặn lội trong rừng để khai thác loại thuốc quý này.

Chính vì thế mấy năm gần đây, nhiều người dân ở Nam Trà My (Quảng Nam) đã đổ xô vào rừng săn tìm nấm chò. Có nông dân bỗng chốc trở thành triệu phú chỉ sau vài ngày đi rừng. Trước thông tin đó, nhiều người đã bất chấp hiểm nguy để đi tìm cơ hội làm giàu chóng vánh.

Nếu như trước đây, 1kg nấm chò chỉ bán được vài chục ngàn đồng thì vào đợt sốt nấm cách đây vài năm, giá bán của nó bất ngờ tăng cao vùn vụt, từ 300 - 400 ngàn đồng/kg. Vì nguồn lợi quá lớn nên người dân đổ xô vào rừng tìm nấm. Họ lập thành từng đội 5 - 7 người để lùng sục trong những cánh rừng già. Mỗi lần đi như thế ít nhất những phu rừng cũng mang về được vài chục ký nấm, số tiền kiếm được cũng không nhỏ.

Nghề nguy hiểm

Để bắt đầu cho chuyến đi, người thợ phải chuẩn bị trước cả tuần với đầy đủ các vật dụng: Quần áo, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho một chuyến đi dài ngày ròng rã cả tuần đến cả tháng ở trong rừng. Chi phí bỏ ra cho một chuyến đi như vậy là vài triệu đồng, chưa kể công sức của người thợ sơn tràng nữa, vì vậy cũng là lý do dễ hiểu khi nấm chò tự nhiên lại đắt như thế.

Một người đi săn nấm giải thích thêm, nấm tự nhiên ở Quảng Nam phải đi tìm càng vất vả thì càng có giá trị. Phải vượt vào rừng sâu “truy tìm” những gốc cây, những khoảnh rừng chưa có dấu chân người rồi cắm trại ở lại vài ngày để ăn ở tại chỗ, và hàng ngày tỏa đi khắp vạt rừng tìm nấm. Đặc trưng của loài nấm chò là không bao giờ mọc dưới gốc cây, mà chủ yếu mọc trên những thân cây chò cao vút giữa rừng, cho nên việc đi tìm càng vất vả.

Đến khu vực mọc nhiều cây, người thợ sơn tràng sẽ cắm trại ở lại và hàng ngày tỏa đi khắp vạt rừng tìm. Nếu không tìm thấy gốc cây có dấu hiệu có nấm, hay khi đã tìm hái hết nấm trên gốc cây rồi thì thợ sơn tràng lại tiếp tục nhổ trại đi sâu hơn nữa vào rừng để tìm kiếm. Hái được cây nấm mang về nhưng chưa thể sử dụng ngay. Bởi loại nấm đặc biệt này muốn sử dụng được cần phải qua chế biến kỹ càng.

“Có đợt sáu anh em chúng tôi đi hơn 7 ngày mới đến được khu rừng xa nhất ở Nam Giang - Quảng Nam, giáp với biên giới Lào. Trong 9 ngày đêm ở rừng, chúng tôi tìm được gần 200 kg nấm, đa số là loại lớn trở lên mang về bán chia nhau mỗi người cũng được gần 50 triệu. Chúng tôi phải cẩn thận từng chút một, nếu để một vết trầy xước ở bộ lông nhung trên bề mặt thì cây nấm chẳng còn đáng giá bao nhiêu. Đó là chuyến đi có thu nhập cao nhất của chúng tôi, còn bình thường cũng chỉ đủ tiền gạo”, ông Sơn (xã Trà Giác, Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ.

Để lấy được nấm chò với giá cao, trong lúc khai thác, những phu rừng phải dùng dây buộc vào nấm rồi từ từ đưa từ trên cây cao xuống đất. Gặp cây nấm có trọng lượng lên đến vài chục ký thì sự nguy hiểm (chẳng hạn, bị ngã từ trên cây cao) đối với người đi khai thác càng tăng lên. Ông Sơn trầm ngâm: “Ai cũng biết đi rừng nguy hiểm nhưng nếu với nhiều người cứ ở nhà thì cũng chẳng biết làm gì, ruộng đất ít, đi làm nhà máy thì đã lớn tuổi. Nên cứ bám vào rừng mà sống, được đồng nào hay đồng ấy, bất chấp hiểm nguy”.

Theo GDTD

Có thể bạn quan tâm