(GLO)- Lần đầu tiên tôi xuất ngoại mà không cần hộ chiếu là đi Lào, vào trung tuần tháng 4-1988. Khi đó, tôi tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum thăm và làm việc với 2 tỉnh bạn là Attapeu (Lào), Ratanakiri (Campuchia) tại thị xã Attapeu (Lào), do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ làm trưởng đoàn. Hay tin, nhiều người quen nhờ tôi một việc: Mua hộ dép Lào.
Thời ấy, dép Lào là thứ hàng hiếm, không dễ gì ai sở hữu. Tại thị trường trong nước nói chung và Pleiku nói riêng, dép Lào là mặt hàng khá đắt tiền nếu là hàng thật. Diện áo sơ mi, quần ka ki cùng đôi dép Lào là model của cán bộ, nhân viên khi ấy mỗi lần đi làm việc, họp hành, cưới hỏi, tiệc tùng... Ở Văn phòng Tỉnh ủy chúng tôi hồi đó, với anh P.Đ.T, đôi dép Lào là vật bất ly thân. Sau mỗi lần ra đường về, anh đều kỳ cọ bằng xà phòng, nhẹ nhàng, cẩn thận, như sợ... đau dép vậy, xong anh dùng vải sạch lau khô, để lên thanh gỗ dưới gầm giường. Anh thường nói với đám trẻ chúng tôi rằng vật bền do người, vì thế đôi dép của anh tính ra cả 4, 5 năm sử dụng mà vẫn như mới nguyên.
Ảnh mang tính minh họa |
Lại nói về chuyến xuất ngoại của chúng tôi. Ấy là vào những năm 80 của thế kỷ trước, được sự cho phép của Đảng và Chính phủ các nước có đường biên giới chung như Campuchia-Lào-Việt Nam, hàng năm, các tỉnh có đường biên giới chung phối hợp đăng cai tổ chức các cuộc gặp và làm việc cùng nhau, thống nhất ký kết văn bản nhằm thực hiện một số nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới. Chuyến thăm và làm việc với 2 tỉnh bạn tại Attapeu của lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum khi ấy không ngoài mục đích trên.
Dù những người lãnh đạo của 3 đoàn vốn đã quen biết, thân thiết nhau như người một nhà, nhưng khi đi vào làm việc lại rất nguyên tắc, đúng theo nghi thức ngoại giao, có kế hoạch, nội dung, thời gian, giờ giấc làm việc, hội đàm, ăn nghỉ... chi tiết. Với vai trò là thư ký riêng của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, tôi được lãnh đạo cả 3 đoàn thống nhất giao nhiệm vụ dự thảo văn bản ký kết chung. Đây là công việc vô cùng khó khăn, không phải là vì nội dung của văn bản mà bởi ngôn ngữ, văn phong, bởi mỗi dân tộc có cách nói và viết không đồng nhất. Văn bản được dịch ra tiếng Campuchia và Lào, nhóm thư ký chúng tôi (gồm cả thư ký của các đoàn bạn) cùng nhau thảo luận, sửa chữa, tổng hợp và đưa về các đoàn thảo luận tiếp, cuối cùng mới đi đến thống nhất rồi đưa ra hội đàm chính thức để các bên cùng ký cam kết. Vùi đầu vào công việc gần như cả 2 ngày đêm, ngoài việc tham gia ghi chép, làm biên bản ở các cuộc hội đàm chung và làm việc riêng của đoàn, chúng tôi phải vật lộn với cái văn bản được coi là quan trọng bậc nhất của cuộc gặp và hội đàm lần ấy. Vì vậy tôi quên bẵng chuyện... dép Lào.
Đêm cuối cùng trên đất bạn, nhóm thư ký chúng tôi cùng các phiên dịch viên gần như thức trắng. Tờ mờ sáng, Lan-cô thư ký của đoàn bạn Attapeu (cô học ở Việt Nam nên lấy tên Lan) đưa tôi đi... mua dép Lào theo đề nghị của tôi. Một vài bà con tiểu thương ở chợ Attapeu uể oải sau giấc ngủ chưa đẫy có vẻ không hài lòng khi chúng tôi tỏ ý muốn mua hàng vào sáng tinh mơ, nhưng rồi sau khi nghe Lan giải thích “lý do chính đáng”, họ rất tận tình và vui vẻ gom hàng cho chúng tôi. Thế là chẳng bao lâu, mấy bao tải dép Lào đã đầy ắp.
Nói là dép Lào, nhưng theo giải thích của Lan thì nó được sản xuất từ Thái Lan, chất lượng tuyệt hảo (không biết vì sao mà người Việt cũng như người Lào lại gọi là... dép Lào?). Thời ấy, biên giới Lào-Thái Lan chưa được thông thương, các loại hàng hóa của Thái và Việt Nam tại các chợ của Lào còn rất hiếm. Không chỉ người Việt mà với bà con người Lào, dép Lào cũng là thứ hàng được ưa thích. Thời ấy, cán bộ, nhân viên, người lao động phi nông nghiệp của Attapeu cũng rất sính dép Lào. Dép Lào vừa bền, đẹp, phù hợp với nhiều người, cả nam lẫn nữ... Trên xe trở lại nhà khách, những câu chuyện không đầu không cuối chẳng thể làm tôi sao nhãng sự hình dung về những gương mặt bạn bè ở nhà rạng rỡ, vui mừng đến nhường nào khi họ được sở hữu một đôi dép Lào chính gốc Thái Lan từ tay tôi trao cho...
Thị trường giày dép ngày nay rất đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thời 4.0. Vậy nhưng dép Lào vẫn là thương hiệu có tầm quốc tế, là sự lựa chọn của nhiều người trên khắp hành tinh, cho dù mẫu mã không hề thay đổi suốt mấy thập kỷ qua. Ngành sản xuất công nghiệp nhẹ nước ta thời kỳ đổi mới đã phát triển khá, song để làm ra được một sản phẩm có tầm như... dép Lào e không hề dễ!
Đoàn Minh Phụng