Phóng sự - Ký sự

Lan man chuyện xứ chè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thái Nguyên Giang Thị Kim Quy và các bạn nữ đồng nghiệp đợi tôi hơi lâu, có lẽ nóng ruột, chốc chốc Kim Quy lại gọi điện hỏi tôi đã đi đến đâu rồi. Nhận lời lên thăm xứ chè với Kim Quy mà tôi chẳng biết sẽ đi bằng phương tiện gì cho tiện, chị bảo sẽ đặt vé xe khách chất lượng cao, họ đón tại khách sạn tôi ở. Tuy thế, tôi chọn phương án chủ động về phía mình, nên đi bằng taxi. Đường lên xứ Thái cực tốt, nhưng gặp phải anh tài chưa thạo đường, chỉ chừng trăm cây số từ Hà Nội, mà gần 2 giờ đồng hồ vẫn còn cách nơi hẹn cả mấy chục cây. Kim Quy bảo tôi cho dừng xe lại, đợi chị ra đón...

Từ xứ Thái...

 

Ngày hội chè Thái Nguyên.
Ngày hội chè Thái Nguyên.

     
Kim Quy vội là bởi đã có lời hẹn với Ban tổ chức Lễ hội trà Đại Từ-năm Ất Mùi sẽ có mặt vào đúng giờ khai mạc, nên tôi vừa lên xe, chị giục nữ nhà báo cũng chính là tay lái lụa Nguyễn Thị Việt Hoa rằng “cần phải chạy nhanh nhanh”. Đường từ thành phố Thái Nguyên lên Đại Từ khá tốt, chúng tôi đến sớm hơn giờ khai mạc lễ hội. May mắn được cùng bàn với các anh lãnh đạo huyện và là những người trong Ban tổ chức lễ hội, cả với mấy đồng nghiệp Báo Thái Nguyên, tôi tranh thủ “tác nghiệp” ngay trong bữa cơm chiều muộn. Được biết, Lễ hội trà Đại Từ lần thứ III năm Ất Mùi tổ chức từ hôm nay (ngày 15 đến ngày 17-1-2016). Lễ hội này huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tổ chức hàng năm, mục đích là quảng bá sản phẩm chè Đại Từ đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng thương hiệu trà Đại Từ, tạo cơ hội cho người trồng và chế biến chè trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ xa xưa tôi đã thuộc câu “chè Thái, gái Tuyên”, gái Tuyên thì chưa biết thế nào, còn chè Thái thì cũng đã không ít lần thưởng thức. Mấy năm lại đây, các đồng nghiệp ngoài đó, thỉnh thoảng vào các dịp lễ, Tết gửi cho một ít, là loại thượng hạng. Trà Gia Lai xứ tôi như: Bàu Cạn, Biển Hồ, Ayun mà tôi đã từng dùng, thì quả là thua xa trà Thái, cho dù mấy thương hiệu trà của xứ tôi đã tồn tại và có danh trên thị trường thế giới cả trăm năm qua. Theo chân Kim Quy và các đồng nghiệp xứ Thái, tôi đến “xã” nghề Tân Cương của thành phố Gang Thép. Gặp các đồng nghiệp của tôi, chủ cơ sở sản xuất chè Thắng Hường ở Hồng Thái 2, câu chuyện của họ về trà, cứ như người nhà nói chuyện với nhau. Thì ra, những người “sản xuất” chữ với những người sản xuất trà đã gắn bó từ lâu. Anh Trần Văn Thắng-chủ cơ sở chỉ cho tôi từng công đoạn, chi tiết các khâu... đầu vào, đầu ra qua từng các thiết bị từ thủ công, bán thủ công đến tự động hoàn toàn để có một gói trà, cân trà thành phẩm. Tôi nào hiểu hết, nhưng “nghệ thuật” chuyện trò của giới báo chí cũng làm cho anh chủ, rồi chị chủ nữa thêm phần hưng phấn nói về mình, về làng nghề của mình, về hiện tại và dự kiến trong tương lai. Đưa tôi ra vườn chè cạnh nhà, anh Thắng chỉ về hướng những đồi chè bát ngát nối nhau, anh bảo vùng chè nào là của chủ nào, ai trong số họ là người thạo nghề, nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chè nhất và chính điều đó quyết định phần lớn chất lượng trà sau chế biến. Chỉ ngay khu vực gần nhất nơi chúng tôi đứng, anh Thắng nói “rất lạ là, cách nhau không xa, nhưng đồi đất này cho ra lá chè khác xa với đồi đất khác”. Được biết, đã có các nhà khoa học dưới Hà Nội lên đây nghiên cứu và cho sản xuất một loại phân bón cho cây chè có các thành phần giống như các thành phần có trong đất ở những đồi chè phù hợp nhất với cây chè, thế nhưng nhân tạo không bằng... địa tạo.

Chị Nguyễn Thị Hường, vợ anh Thắng-người đồng sáng lập thương hiệu trà Thắng Hường- rất vui khi biết tôi có ý định tìm hiểu vài điều để bổ sung cho một bài viết còn trong ý tưởng. Chị bảo, cơ sở của anh chị cũng là một trong những cơ sở đã, đang và sẽ góp phần làm cho thương hiệu trà Thái Nguyên giữ vững chất lượng, vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước. Hỏi về giá cả thì chị cho biết, “thị trường và chất lượng trà quyết định”; như sản phẩm trà của nơi chị làm ra có loại vài ba trăm ngàn đồng, nhưng cũng có loại đến vài ba triệu đồng một ký. “Người tiêu dùng ngày nay, mà đặc biệt là người đã biết, đã nghiện trà Thái thì cực kỳ khó tính. Sơ suất là mất uy tín ngay, là đổ ngay”. Thấy tôi tỏ vẻ phân vân về quy trình trồng và chăm sóc cây chè có đảm bảo “sạch”, nên chị Hường bảo thế. Rất vui khi tận mục sở thị cơ sở sản xuất trà chất lượng cao của đôi vợ chồng trẻ Thắng-Hường (là tôi nói vậy, còn chị Hường cho biết “em sinh năm 1971, còn anh Thắng là 1969 đấy, già rồi”), ở đấy có một cách tính toán, làm ăn bài bản, được cho là cơ sở sản xuất nhỏ, chỉ cho ra thị trường chừng mười tấn sản phẩm mỗi năm, nhưng giá trị thì không nhỏ tý nào. Nếu với “chiến lược và chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân” như tinh thần của các văn kiện được Đại hội XII của Đảng đưa ra vừa qua, thì không lâu sau không những ngành chè xứ Thái mà các ngành nghề khác trong cả nước sẽ khoác lên nền kinh tế nước mình một bộ áo mới, đầy sức thuyết phục, minh chứng cho một khẩu hiệu đã thuộc làu từ rất lâu, rằng “dân giàu, nước mạnh”, mà tầm giàu mạnh ấy khi tương xứng với... tiềm năng thì tất nhiên đó là hiện thực!

...Nghĩ về xứ ta

 

Chè Bàu Cạn (Gia Lai) có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Minh Nguyễn
Chè Bàu Cạn (Gia Lai) có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Minh Nguyễn

Chia tay với xứ chè, với ATK, xứ gang thép và với các đồng nghiệp ở đấy, để lại cho tôi nhiều dấu ấn, suy tư về nhiều chuyện, sẽ trở lại một bài viết khác. Còn bây giờ, giờ “khai bút” đầu năm con Khỉ, lúc tôi đang gõ những dòng này thì ngành chè Gia Lai chẳng biết hiện đang đứng ở đâu, mặc dù sự ra đời, tồn tại và phát triển đã hàng thế kỷ, thương hiệu trà Biển Hồ, Bàu Cạn với đa dạng các sản phẩm và chất lượng cao, đã một thời làm mưa làm gió không chỉ trong nước mà còn được thị trường tận bên trời Tây ưa chuộng.

Còn nhớ, thời xưa ấy, không dễ chút nào khi ai đó trong dịp lễ, Tết, cúng giỗ ông bà tổ tiên muốn có được một vài lạng trà Bàu Cạn, Biển Hồ. Vùng Biển Hồ, Bàu Cạn được coi là nơi có đất đai, thời tiết, khí hậu phù hợp cho cây chè; khi chiếm Tây Nguyên, người Pháp đã lập ra các đồn điền ở đây để trồng chè và họ đã thu được kết quả như mong muốn. Còn chúng ta ngày nay, theo một tài liệu mà chúng tôi tham khảo, thì việc canh tác chè ở Gia Lai còn quá lạc hậu, năng suất quá thấp, cơ sở và thiết bị chế biến quá kém nên cho ra sản phẩm chất lượng quá tệ, chi phí quá cao; một điều “quá” nữa là việc tổ chức quản lý, chuyển đổi cách làm ăn, tiếp cận thị trường... hiện là chuyện còn ở tương lai. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trong ngành chè thì... chưa biết sống chết ra sao. Với câu hỏi, tại sao cùng trong một lĩnh vực, một ngành, trong một cơ chế thống nhất cả nước mà xứ người làm được, vươn lên, thích nghi được với kinh tế thị trường, còn ở Gia Lai ta thì không, câu trả lời xin nhường cho các nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế, lãnh đạo, quản lý, cụ thể là những nhà kinh tế của tỉnh nhà.

Tuy biết rằng chuyện so sánh là điều không nên, song không thể không trăn trở khi mà đã tận chứng kiến chuyện của xứ người và từ xứ ấy nhìn về xứ ta. Trong đêm Lễ hội trà Đại Từ, mặc dù thời tiết không như ý, nhưng ở đấy đã diễn ra một không khí hết sức... hội. Có 200 gian hàng của các làng nghề, của doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm, trong đó có 52 gian hàng trưng bày các sản phẩm chè, số còn lại là hàng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của các làng nghề ở địa phương. “Đêm thưởng trà” mà tôi tận “thưởng”, được coi là điểm nhấn của lễ hội, tái hiện lại chợ chè truyền thống và các hoạt động liên hoan văn nghệ, giao lưu đốt lửa trại và cuộc thi Bàn tay vàng chế biến chè, tôi đặc biệt quan tâm đến “bàn tay” này và nghĩ về những bàn tay vàng vô thưởng vô phạt hay xuất hiện ở đâu đó, chẳng đem lại lợi ích nào cho người lao động. Ngoài ra ở lễ hội này còn có triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật liên quan đến ngành chè.

Đại Từ là huyện có 30/31 xã trồng chè, với diện tích chè bằng 1/3 diện tích chè của cả Thái Nguyên (6.200/18.500 ha), nơi đây được coi là hoạt động có liên quan đến xây dựng, quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên hàng năm sôi nổi và có hiệu quả vào bậc nhất trong tỉnh.  

Còn Gia Lai, ngành chè Gia Lai...?

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm