Thời sự - Bình luận

Lan tỏa tinh thần "mình vì mọi người"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số lượng máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy) có lúc đã gần chạm đáy. Thông tin này được lãnh đạo Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy cho báo chí biết ngày 12-6.

Theo đó, số lượng máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy gần đây có lúc chỉ còn dưới 1.400 đơn vị, trong khi cần phải luôn trên 10.000 đơn vị. Trước đó, Ngân hàng máu TP HCM cũng "báo động đỏ" vì số lượng máu dự trữ giảm dần, cao điểm như ngày 27-5, chỉ còn xấp xỉ 5.000 túi máu - là ngưỡng dự trữ thấp báo động và thấp nhất trong vòng 9 tháng trước đó.

 

Nhóm y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã đi hiến máu khi lượng máu dự trữ của TP HCM đang dần cạn - Ảnh: LÊ VĨNH
Nhóm y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã đi hiến máu khi lượng máu dự trữ của TP HCM đang dần cạn - Ảnh: LÊ VĨNH


Vì sao có sự thiếu hụt này? Là do phải thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 nên kế hoạch cử các đoàn công tác của những đầu mối nhận máu hiến từ trung tâm các địa phương này đến địa phương khác tiếp nhận máu lưu động phải hủy. Rồi số lượng người đến hiến máu trực tiếp giảm nhiều ở gần như tất cả địa phương trong cả nước, đặc biệt những nơi có dịch Covid-19, do tâm lý mọi người tránh đi lại trong khi đang dịch và ngại đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm.

Nguồn máu dự trữ liên quan đặc biệt tới sinh mạng người bệnh trong quá trình cấp cứu và điều trị nên không giải quyết được sự thiếu hụt này thì sẽ rất nan giải.

Mới đây, Trung tâm Huyết học - Truyền máu thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (tuyến xét nghiệm, điều trị các bệnh về huyết học - truyền máu cao nhất ở khu vực miền Trung; bảo đảm nhiệm vụ cung cấp đủ máu và chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn cho tất cả bệnh viện từ Quảng Bình đến Quảng Nam) cũng rơi vào tình cảnh này. Lượng máu dự trữ ở đây có lúc chỉ đủ phục vụ cho cấp cứu và điều trị trong 3-5 ngày.

Để cấp cứu và điều trị những ca bệnh nặng không thể trì hoãn, Bệnh viện Trung ương Huế đã kêu gọi gần 200 đoàn viên, thanh niên của bệnh viện trực tiếp hiến máu cứu người. Tương tự, Đoàn Thanh niên Công an TP Huế huy động lực lượng tham gia hiến hàng trăm đơn vị máu. Hàng trăm đoàn viên Công đoàn cơ sở thuộc LĐLĐ TP Huế cũng đăng ký hiến máu tình nguyện. Áp lực thiếu nguồn máu dự trữ ở đây vì thế từng bước được giải quyết.

Tại TP HCM, sau Công văn số 1798/ UBND-VX của UBND TP HCM chỉ đạo tăng cường vận động hiến máu nhân đạo, người dân và các lực lượng của TP đã nhiệt tình tham gia. Nhờ vậy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không tổ chức được các đợt hiến máu lưu động nhưng Ngân hàng máu TP HCM vẫn tiếp nhận được lượng máu trong kho dự trữ hiện hơn 7.500 túi, đủ cung ứng cho hơn 150 bệnh viện toàn TP.

Nói thế để thấy tình trạng cạn nguồn dự trữ máu vẫn có thể nhanh chóng giải quyết như cách tỉnh Thừa Thiên - Huế hay TP HCM đã làm, khi được sự đồng thuận của người dân nói chung, chứ không phải là quá khó.

Ở thời điểm này, ngoài việc chung tay cùng Chính phủ chống dịch Covid-19 bằng cách nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế; đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19... thì việc các cơ quan, đơn vị, người dân tham gia hiến máu đã cho thấy tinh thần "mình vì mọi người" vẫn lan tỏa mạnh mẽ.

Theo Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm