Phóng sự - Ký sự

Làng giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân làng Tranh sống gần gũi với thiên nhiên nên có sức khỏe hơn người.
Cam go vào làng
Để đến được làng Tranh (thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) những ngày sau mưa bão, chúng tôi phải lên kế hoạch hơn nửa tháng và thường xuyên hỏi thăm về thời tiết, đường sá vào làng.
Lúc đầu nghe chúng tôi nói ý định vào làng, anh Đinh Văn Dố, cán bộ xã Long Sơn (được phân công phụ trách làng Tranh), xua tay nói: "Không được đâu, mùa này đi nguy hiểm lắm! Đi vào giữa chừng mà gặp mưa thì có khi ở luôn trong đó cả chục ngày".
Sau nhiều lần thuyết phục, anh Dố cũng đồng ý dẫn chúng tôi vào làng và không quên dặn: "Phải gọn nhẹ hết sức mới có thể vào làng".
Đúng 7 giờ, chúng tôi xuất phát từ UBND xã Long Sơn với 2 chiếc xe máy, thẳng hướng làng Tranh. Sau hơn nửa giờ vượt qua những đoạn đường sạt lở, chúng tôi mới tới con đường mòn chỉ đủ cho 2 xe máy tránh được, chạy sâu vào rừng. Đây là đường duy nhất dẫn về làng Tranh. Ngoài người làng Tranh và số ít người ở xã, không ai biết đường này. Từ đây vào làng chừng 15 km nhưng nếu đường thuận lợi, đi nhanh phải 3 giờ đi xe máy, còn nếu có sạt lở hay đường trơn trượt phải cả buổi.
Sau hơn 3 giờ leo dốc, băng qua những con đường đất trơn trượt, vượt gần chục con suối, dốc đá dựng đứng, cuối cùng chúng tôi đã đến được cổng làng Tranh. Dường như mọi thứ xung quanh chẳng hề hấn gì sau trận bão số 9 tàn phá khủng khiếp dưới miền xuôi. Như hiểu sự ngơ ngác của chúng tôi, anh Đinh Văn Mang (người dân làng Tranh) bỏ bó mây rừng đang vác trên vai xuống, giọng nói lai giữa giọng đồng bào Cadong và kinh: "Bão vừa rồi, làng mình không sao hết. Cây cối cũng không sao, chỉ có mưa lớn thôi".

Thung lũng làng Tranh nằm lọt thỏm giữa những tán rừng già

Cụ Đinh Thị Mái - người lớn tuổi nhất ở làng Tranh
Vị trí cổng làng này mới chỉ là làng trên, có 6 nhà dân, còn muốn đi vào làng dưới phải 3 km nữa. Mà đây vào đó chỉ có đi bộ, đường xe máy đã bị sạt lở.
Rừng là nguồn sống
Cụ Đinh Thị Mái (78 tuổi) là người cao tuổi nhất và được xem là "thủ lĩnh" làng Tranh. Lúc chúng tôi tới, cụ Mái đang hái bí đỏ, nấu cơm trưa.
Theo lời cụ Mái, hiếm khi mới có người tới làng Tranh. Người làng Tranh cũng ít khi đi đâu, chỉ thỉnh thoảng vài tháng mới có người xuống trung tâm xã, đem lương thực cho con em dân làng Tranh ở bán trú, học dưới đó. Sẵn tiện thì mua những vật dụng cần thiết cho cả làng.
Cả làng Tranh có 9 hộ với 50 người sinh sống tập trung trong một thung lũng rộng hơn 1 ha giữa rừng già. "Khu vực người dân làng Tranh sinh sống nằm giữa rừng phòng hộ huyện Minh Long. Nhưng dù thế nào, người làng Tranh cũng không bao giờ phá rừng. Coi rừng là nơi linh thiêng cần phải bảo vệ. Hằng tháng, người làng Tranh còn lập các tổ đội, đi tuần tra, bảo vệ rừng. Khi phát hiện có người lạ xâm hại, họ báo kiểm lâm xua đuổi" - anh Dố nói.
Để chứng minh, anh Dố chỉ chúng tôi những cây cổ thụ như gỗ chò, gỗ xoan… vài người ôm không xuể, ước tuổi đời đã hàng trăm năm, chỉ nằm cách nhà dân vài bước chân. "Mình phải bảo vệ rừng. Rừng cho mình nguồn nước, cho mình cái ăn. Không bảo vệ rừng, lấy gì mà sống" - ông Đinh Văn Cư, người làng Tranh, nói.
Chính ý nghĩ coi rừng là nguồn sống nên hàng trăm năm qua, dù thiếu đất trồng lúa, thiếu đất trồng hoa màu nhưng người làng Tranh không bao giờ xâm phạm tới rừng. Vì vậy mà thiên nhiên ở đây đã ban tặng cho người dân làng Tranh khí hậu ôn hòa, cây cối xanh tươi, phát triển quanh năm. Cuộc sống ở đây không điện, không tivi, không có giao thương với bên ngoài; chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, nuôi bò, dê, gà… và trồng các loại rau, củ quả để tự cung tự cấp. Thu nhập duy nhất của người dân dựa vào cây mây rừng. Khi nào tới mùa, người dân đi khai thác về tập trung lại, rồi chở xuống trung tâm xã bán cho thương lái. Nhưng việc này cũng phải vài tháng mới đi một lần vì đường sá quá cách trở.
Đa phần người dân đang sinh sống ở làng Tranh đã có gia đình và lớn tuổi. Còn lớp trẻ thì đi làm khắp nơi nên nếu yêu đương, họ cùng về đây ra mắt, làm đám cưới đãi người làng. Người làng Tranh sợ nhất là lúc ốm đau bất chợt. Nhiều lúc có người làng bị đau hay sinh đẻ, đàn ông phải lấy võng khiêng ra tới đường lớn, chở xuống trạm y tế xã, huyện. Thế nhưng, 15 năm gắn bó người dân làng Tranh, anh Dố chỉ gặp vài trường hợp đau ốm bất chợt mới khiêng võng đi cấp cứu. Có lẽ vì người dân ở đây sống gần gũi với thiên nhiên nên họ có sức khỏe hơn người.
Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Minh Long, cho biết khu vực người dân làng Tranh sinh sống nằm ở rừng phòng hộ huyện Minh Long với diện tích khoảng 1.200 ha. mấy chục năm qua, nhờ người dân làng Tranh góp công sức bảo vệ, diện tích rừng tự nhiên ở Minh Long vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và được đánh giá rừng đẹp nhất vùng.
"Chính quyền địa phương từng có ý định vận động người dân làng Tranh xuống nơi ở mới thuận lợi hơn nhưng người dân không đi. Họ kiên quyết ở lại bám rừng. Sau những lần như vậy, chính quyền bỏ cuộc… Điều quan trọng nhất bây giờ là không nhất thiết phải di dời nhưng phải làm sao hỗ trợ tối đa cho người dân làng Tranh, khi họ ốm đau hay cần giúp đỡ" - ông Tiến nói.
Bài và ảnh: TỬ TRỰC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm